Gia Lai: Suốt ngày bị ong đốt sưng mắt, anh nông dân vẫn quyết "sống thử" với ong
Trần Hiền
Chủ nhật, ngày 15/11/2020 14:04 PM (GMT+7)
Anh Huỳnh Xuân Quang (SN 1989, trú tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, Gia Lai) phát triển nghề nuôi ong mật theo hướng hiện đại, cùng vợ xây dựng mật ong đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trung bình mỗi năm, với các sản phẩm làm từ mật ong, anh thu về gần 500 triệu đồng.
Xuất phát điểm từ gia đình có nghề nuôi ong lấy mật, kế thừa nghề nuôi ong của bố mẹ, tuy nhiên anh Quang có hướng đi khác hoàn toàn. Sau khi kết thúc lớp 12, anh Quang bắt đầu tập tành "sống thử" với ong.
Một mình anh mày mò, tạo ra các sản phẩm từ mật ong và xây dựng mật ong của mình đạt sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh.
Sản phẩm mật ong nguyên chất thương hiệu Phước Hỷ của anh Huỳnh Xuân Quang đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh năm 2019. Hiện sản phẩm này đang được xem xét chấm nâng hạng lên 5 sao.
Anh Huỳnh Xuân Quang kể lại: "Gia đình mình nuôi ong từ năm 1986, sau khi học xong lớp 12 năm 2007, mình bắt đầu xin bố mẹ tập tành nuôi ong. Ngày đó, suốt ngày bị ong đốt sưng hết cả mặt mũi. Nhưng lâu dần thành quen, đến giờ vẫn bị đốt nhưng không còn đau nữa.
Ban đầu, mình cũng có ý định sẽ kế thừa và đi theo hướng nuôi ong truyền thống của bố mẹ. Sau nhiều lần, tham khảo trên các trang mạng, nhà vườn, các sản phẩm từ mật ong và các thương hiệu mật ong nổi tiếng thì mình quyết định nuôi ong mật theo hướng hiện đại. Xây dựng thương hiệu mật ong chất lượng, đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh".
Những năm đầu, với tay nghề non yếu nên trong quá trình nuôi ong lấy mật, anh Quang gặp khá nhiều khó khăn. Theo anh Quang, trên rừng rất phong phú về các loài hoa, ngoài ra các loài hoa ở rừng thơm, đủ các vị nên chất lượng mật mà ong làm ra rất tốt. Vì muốn nâng cao chất lượng mật ong, anh Quang đã di chuyển phần lớn đàn ong của mình lên rừng đặc dụng Đăk Uy.
Thế nhưng, lên rừng, anh lại gặp một số khó khăn như đồng vốn hạn hẹp, lán trại tạm bợ, nguồn điện nước sinh hoạt không có...
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng anh vẫn không từ bỏ công việc của mình. Trải qua 13 năm "sống thử" với ong mật, hiện anh Quang đang sở hữu hơn 500 đàn. Trung bình một năm anh lấy mật khoảng 25 - 30 lần.
Không chỉ nuôi ong lấy mật, anh Quang còn đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trong xã. Trung bình, anh bán ra thị trường khoảng 60 tấn mật ong/năm.
Xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh
Khi đã có vốn, anh Quang bắt đầu mua sắm các thiết bị máy móc để phục vụ cho quá trình sản xuất như máy lọc mật, máy bơm mật, máy chiết rót, máy hạ thị phần… Tổng số vốn mà anh đầu tư vào các loại máy móc trên và thùng chứa mật khoảng hơn 600 triệu đồng.
"Có máy móc và thiết bị, quá trình sản xuất mật sẽ đơn giản mà chất lượng mật sẽ tốt hơn nhiều. Đơn giản như có máy hạ thị phần mình sẽ hạ bớt lượng nước trong mật, máy lọc sẽ lọc được những tạp chất lẫn trong mật khi thu về, hay máy chiết rót sẽ giảm được các khâu đóng chai thủ công. Nói chung, có những thiết bị máy móc trên vừa giảm chi phí sản xuất và thuê nhân công, chất lượng mật lại tốt hơn nhiều.
Nghề nuôi ong lấy mật không tốn quá nhiều chi phí, bởi chỉ tháng 9 thì mới phải cho ong ăn đường và bột, còn tất cả các tháng còn lại đều có các loại hoa để ong làm mật. Chi phí nuôi ong chủ yếu là các máy móc, thiết bị để lọc, xử lý mật thôi" - anh Quang chia sẻ.
Anh Quang cho biết, sau khi thu và đưa mật về sẽ tiến hành lọc mật, hạ thị phần, xử lý men và cuối cùng là chiết rót ra chai. Trung bình một ngày, vợ chồng anh Quang đóng từ 100 đến gần 200 chai mật ong có nhãn mác, với thương hiệu mật Phước Hỷ.
Đặc biệt, bộ sản phẩm mật ong nguyên chất, phấn hoa mật ong, mật ong bánh tổ của anh Quang đã được chứng nhận Sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Dư - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng cho biết: "Anh Quang là một thành viên trong tổ liên kết sản xuất nuôi ong lấy mật của xã Nghĩa Hưng, đây cũng là hộ có số đàn ong lớn nhất. Đặc biệt, sản phẩm mật ong của anh Quang cũng là sản phẩm đầu tiên trong tổ đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.