Giá mật ong rớt thê thảm, ngành ong mật Đắk Lắk lao đao khi bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá
Giá mật ong rớt thê thảm, ngành ong mật Đắk Lắk lao đao khi bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá
Duy Hậu
Thứ bảy, ngày 19/03/2022 12:16 PM (GMT+7)
Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng mật ong Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn 400% khiến giá mặt hàng này rớt thê thảm. Tình trạng này khiến cả doanh nghiệp và nông dân nuôi ong lao đao.
Tháng 3, Tây Nguyên bắt đầu bước vào vụ mật ong. Nếu thời điểm này năm ngoái, giá mật ong dao động từ 30 - 40 nghìnn đồng/lít thì nay chỉ quanh quẩn ở mức 20 nghìn đồng/lít.
Ông Viên Đình Sơn (tổ dân phố 4, phường Đạt Hiếu, TX.Buôn Hồ, Đắk Lắk) có 550 đàn ong. Hơn 20 năm trong nghề nuôi ong, gia đình ông Sơn cũng trải nhiều thăng trầm. Song năm nay, với ông Sơn là một năm đầy khó khăn.
"23 năm theo nghề nuôi ong, chưa bao giờ tôi gặp hoàn cảnh khó khăn như thế này. Trước Tết Nguyên đán, tôi vẫn còn tồn 20 tấn mật ong. Giờ mùa mật lại đến tôi chưa biết tính sao"- ông Sơn rầu rĩ.
Cũng theo ông Sơn, những năm trước, mật thu về đến đâu thì bán được hết đến đó. Nhưng năm nay, không chỉ giá mật xuống thấp mà bán cũng không được.
Tây Nguyên vừa bước vào vụ hoa cà phê, miền Bắc đang bước vào vụ hoa nhãn, miền Trung chuẩn bị đến mùa hoa keo... Đây là thời điểm hết sức thuận lợi để người nuôi ong lấy mật. Nhưng nếu trước đây, người nuôi ong háo hức thì nay ai cũng e dè.
Anh Viên Đình Tiến, một hộ có 400 đàn ong ở phường Đạt Hiếu cho biết, với giá 20 nghìn đồng/lít, người nuôi ong càng làm sẽ càng lỗ.
"Giá đường, giá bột, tăng 1,5 – 2 lần, giá xăng dầu cũng tăng cao. Với giá cả vật tư như hiện tại, mỗi lít mật phải bán được 25 nghìn đồng thì người nuôi ong mới bắt đầu có lời. Còn với giá mật ong như hiện tại, người nuôi ong càng làm nhiều càng lỗ"- anh Tiến nói.
Theo anh Tiến và ông Sơn, người nuôi ong đang hết sức "đau đầu". Vì nếu không làm thì không có thu nhập mà nếu tiếp tục làm thì có nguy cơ ôm nợ. "Nếu giá cả không sáng sủa hơn, mật làm ra bán không được thì chắc chắn chúng tôi sẽ ôm nợ"- ông Sơn nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Đắk Lắk là địa phương có nghề nuôi ong phát triển mạnh nhất cả nước. Theo Hội nuôi ong Đắk Lắk, số người nuôi ong ở tỉnh này chiếm khoảng 1 nửa tổng số người nuôi ong cả nước, tức có khoảng hơn 14 nghìn người. Vì vậy, khó khăn trong ngành ong đang khiến rất nhiều nông dân Đắk Lắk lao đao.
"Không có nguồn thu nên nhiều người nuôi ong không có kinh phí trang trải cuộc sống chứ chưa nói đến chuyện đầu tư cho đàn ong"- mội lãnh đạo Hội nuôi ong Đắk Lắk nói.
Doanh nghiệp xuất khẩu mật ong có nguy cơ đóng cửa
Ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk, Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam, cho biết: Cả nước hiện có 32 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong. Sản lượng mật ong xuất khẩu chủ yếu là sang Mỹ, hiện chiếm tới khoảng 95%. Do đó, ngành nuôi ong đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ khi Mỹ áp dụng mức thuế chống bán phá giá 400%.
Năm 2021, sản lượng mật ong xuất khẩu của các doanh nghiệp đều sụt giảm. Năm nay, tình hình vẫn đang hết sức ảm đạm vì doanh nghiệp vẫn chưa tìm được khách hàng thay thế.
"Ngành ong mật Đắk Lắk sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Bởi địa phương đang chiếm trên 50% sản lượng mật ong của cả nước. Khi Mỹ áp thuế trên 400%, không chỉ hàng vạn người nuôi ong mà cả doanh nghiệp cũng điêu đứng"- ông Vân cho biết.
Cũng theo ông Vân, nếu trước đây, thời điểm này, Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk đã mua hơn 2.000 tấn mật ong thì hiện tại chỉ dám mua vào hơn 100 tấn. Số mật này chủ yếu phục vụ cho khách nội địa và một số khách hàng châu Á nhỏ lẻ.
"Tình hình này mà kéo dài đến tháng 4/2022 thì sẽ có nhiều doanh nghiệp kinh doanh mật ong phải đóng cửa…"- ông Vân nhận định.
"Việc tìm thị trường xuất khẩu mới cho mật ong là quá gấp, trước mắt khó có thể thực hiện được ngay. Trong ngắn hạn vài năm tới, nếu mất thị trường Mỹ, ngành ong mật sẽ cực kỳ khó khăn"- một lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu mật ong nhận định.
Tháng 4/2021, Hội Các nhà nuôi ong Mỹ nộp đơn lên DOC yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam, Ấn Độ, Brazil, Argentina và Ukraine. Cuối tháng 11/2021, DOC công bố mức thuế sơ bộ chung dành cho tất cả doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của Việt Nam là 412,49%. Hiện các bên liên quan đang nỗ lực thực hiện các biện pháp với kỳ vọng DOC có thể đưa ra phán quyết cuối cùng một cách công bằng. Vụ việc đang trong giai đoạn chờ DOC ra phán quyết cuối cùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.