Giá xăng dầu hôm nay 2/9: Giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành tới sẽ ra sao?
Giá xăng dầu hôm nay 2/9: Giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành tới sẽ ra sao?
Nguyễn Phương
Thứ sáu, ngày 02/09/2022 07:24 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 2/9: Giá dầu tiếp tục chịu áp lực trong phiên giao dịch sáng nay, trước một loạt các thông tin đáng quan ngại về sức khỏe kinh tế của Trung Quốc.
Giá xăng dầu ngày 2/9, thị trường thế giới tiếp tục giảm đầu giờ sáng. Chính sách "Zero Covid" làm tăng thêm lo ngại nhu cầu tiêu thụ yếu từ Trung Quốc và đồng USD mạnh hơn.
Ghi nhận vào 6h54 sáng ngày 2/9/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đứng ở mức 87,397 USD/thùng, giảm 2,40% trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent đứng ở mức 92,897 USD/thùng, giảm 2,87% trong phiên.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của Trung Quốc giảm tháng thứ 2 liên tiếp, bất chấp một loạt các chính sách hỗ trợ của chính phủ như giảm lãi suất, tăng các gói hỗ trợ cho vay. Nguyên nhân có thể thấy là do việc duy trì "Zero-Covid" khiến cho các hoạt động sản xuất xuất khẩu có xu hướng bị giảm sút. Số đơn đặt hàng mới cho xuất khẩu nhích nhẹ từ 47,4 lên 48,1, tuy nhiên vẫn đang nằm trong ngưỡng thu hẹp (dưới 50).
Như vậy, có thể thấy các khách hàng truyền thống cũng đang lo ngại về khả năng Trung Quốc có thể đảm bảo các đơn đặt hàng, mặc dù hiện tại, theo thường lệ, các quốc gia châu Âu và Mỹ đang ráo riết tăng hàng tồn kho trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Hiện tại, 41 thành phố, đóng góp cho 32% GDP của Trung Quốc, đang đối mặt với đợt dịch bùng phát mạnh nhất kể từ tháng 4. Kèm với đó là cuộc khủng hoảng năng lượng khiến một loạt các tỉnh bị hạn chế và mất điện, khiến cho các nhà máy gặp khó khăn.
Việc Saudi Arabia sắp giảm giá bán chính thức cho dầu xuất khẩu sang thị trường châu Á cũng báo hiệu cho thấy quốc gia “lãnh đạo” OPEC này cũng nhận thấy sự suy yếu trong nhu cầu tiêu thụ tại khu vực này, đặc biệt khi hiện tại còn phải cạnh tranh với lượng dầu giảm giá từ Nga.
Dự báo, áp lực từ số liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc sẽ khiến cho giá dầu tiếp tục điều chỉnh.
Harry Altham, nhà phân tích năng lượng của EMEA & Asia tại StoneX Group ở London, nhận xét giá dầu “hạ nhiệt” một phần bởi yếu tố ‘suy yếu’ (nguồn cầu) từ Trung Quốc. Thêm vào đó là những lo ngại về sự suy giảm nhu cầu ở phương Tây khi lãi suất tăng và lo ngại lạm phát đang kìm hãm các nền kinh tế phương Tây.
Ủy ban kỹ thuật hỗn hợp của OPEC+ cũng đã nâng dự báo thặng dư dầu trong năm nay thêm 100.000 thùng/ngày lên 400.000 thùng/ngày, tăng so với dự báo một tháng trước đó.
Một số thành viên OPEC+ đã kêu gọi cắt giảm sản lượng dầu trong bối cảnh nhu cầu suy yếu ở châu Á và khả năng dầu Iran được tiếp cho thị trường. Nhóm sẽ nhóm họp vào ngày 5/9 để đưa ra chính sách sản lượng mới.
Số liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy trong tuần trước, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,3 triệu thùng, dự trữ xăng giảm 1,2 triệu thùng.
Giá dầu thô vẫn đang chịu áp lực giảm giá lớn bởi đồng USD mạnh hơn nhờ kỳ vọng Fed sẽ sớm thực hiện tăng lãi suất. Đây cũng là nhân tố chính khiến giá dầu thô có xu hướng giảm mạnh trong những phiên gần đây.
Trong một diễn biến khác, Nga đã tuyên bố phản đối kế hoạch áp trần giá dầu đối với dầu thô của nước này và sẽ không giao dầu cũng như các sản phẩm dầu khác nhau cho các quốc gia ủng hộ quyết định này.
Thông điệp này của Nga được Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đưa ra vào ngày 1/9, một ngày trước khi G7 dự kiến sẽ họp để bàn về kế hoạch áp trần giá dầu đối với dầu thô của Nga theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trước đó, theo Người phát ngôn của Nhà Trắng Karine Jean-Pierre, việc áp trần giá dầu với dầu thô Nga bên cạnh việc làm giảm nguồn thu của Nga thì còn có thể hạ nhiệt giá năng lượng.
Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, dù xuất khẩu dầu thô của Nga giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021 thì nguồn thu từ dầu thô của nước này trong tháng 7 vừa qua vẫn tăng tới 700 triệu USD so với tháng 6.
Tại thị trường trong nước, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở cho kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 22/8.
Theo đó, giá xăng dầu được điều chỉnh cụ thể như sau: mỗi lít xăng RON 95-III giữ nguyên còn 24.660 đồng/lít; xăng E5 RON 92 hiện đang có giá là 23.720 đồng/lít cũng được giữ nguyên.
Giá dầu diesel từ mức 22.900 đồng tăng thêm 850 đồng/lít, giá sau điều chỉnh là 23.750 đồng/lít; dầu hỏa cũng tăng từ mức 23.320 đồng/lít thêm 750 đồng/lít, lên mức 24.070 đồng/lít; riêng dầu mazut giữ nguyên 16.540 đồng/kg như trước.
Thông tin từ Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong kỳ vừa qua diễn biến có tăng, có giảm nhưng xu hướng chung là tăng, nhất là dầu hỏa và dầu diesel tăng khá cao. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá tăng từ 1-2% nhưng giá dầu tăng từ 4-5%.
Theo đó, nhà điều hành trích lập với xăng E5 RON 92 là 451 đồng/lít; xăng RON 95 là 493 đồng/lít; dầu diesel là 250 đồng/lít; dầu hỏa là 400 đồng/lít; dầu mazut là 641 đồng/kg. Đồng thời không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 2/9 như sau: Giá xăng E5 RON 92 niêm yết không cao hơn 23.725 đồng/lít; giá xăng RON 95-III niêm yết không cao hơn 24.669 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S niêm yết không cao hơn 23.759 đồng/lít; giá dầu hỏa niêm yết không cao hơn 24.056 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S niêm yết không cao hơn 16.548 đồng/kg.
Tính đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 22 lần điều chỉnh giá, trong đó có 14 lần tăng và 8 lần giảm. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đã xuống quanh mức 23.725-24.669 đồng/lít, tương đương mức giá vào tháng 2.
Giá xăng dầu hôm nay 30/8: Xăng dầu trong nước sắp tăng rất mạnh?ĐỌC NGAY
Giá xăng dầu sắp tăng mạnh, kiến nghị điều chỉnh ngay từ 1/9ĐỌC NGAY
Giá xăng dầu hôm nay 27/8: Dầu thô vẫn tăng giáĐỌC NGAY
Được biết, giá xăng dầu thành phẩm tham chiếu từ thị trường Singapore cập nhật đến ngày 26/8 cho biết, xăng E5 RON 92 giá 108,18 USD/thùng, xăng RON 95 là 111.05 USD/thùng, dầu diesel 149,03 USD/thùng, dầu hỏa 146,85 USD/thùng, dầu mazut 500,33 USD/thùng. Với dữ liệu này, một số thương nhân đầu mối tính toán, giá bán lẻ chưa tính Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vào ngày 1/9 ước tăng khoảng 400 đồng/lít xăng, dầu tăng 2.300 - 2.500 đồng/lít.
Tuy nhiên, cập nhật thị trường đến cuối ngày 31/8 cho thấy, xăng RON 95-III về 100,14 USD/thùng, xăng E5 RON 92 tụt xuống 97,31 USD/thùng, dầu diesel về 140,3 USD/thùng. Trong khi trước đó 2 ngày, 3 mặt hàng trên còn cao hơn 7 - 11 USD/thùng, lần lượt 111 USD/thùng xăng RON 95; 108,18 USD/thùng xăng RON 92; 147,53 USD/thùng dầu diesel...
Đến nay, một số chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu cho biết, chiết khấu các mặt hàng xăng dầu vẫn 0 đồng và âm. Đặc biệt, dầu diesel thì không có hàng để bán trên diện rộng, nhiều đầu mối hứa với cửa hàng sang tuần mới có hàng về.
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất đang gánh 80% lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước và bảo đảm nguồn cung hoạt động đủ. Bên cạnh đó, nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp cũng có mức dự trữ thoải mái, vượt nhu cầu tiêu dùng.
Doanh nghiệp kinh doanh đầu mối cho biết, với việc giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore và dầu thế giới tăng mạnh, nhà điều hành sẽ phải tính toán tăng giá bán lẻ mặt hàng này ở trong nước. Mức tăng còn tùy thuộc vào trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và diễn biến giá dầu trước ngày điều chỉnh.
Theo lịch, ngày 1/9 là tới đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, ngày 1/9 là ngày bắt đầu kỳ nghỉ lễ nên chưa rõ liệu liên Bộ Tài chính - Công Thương có lùi kỳ điều hành giá sang ngày 5/9 hay không. Nếu sự điều chỉnh giá được lùi lại, thì giá xăng dầu trong nước nhiều khả năng sẽ biến động theo hướng ngược lại, giảm tốc do giá xăng dầu thế giới những ngày qua liên tiếp "hạ nhiệt".
Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 8 diễn ra sáng 31/8, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vẫn cho biết, những lo ngại về cung và cầu trên thế giới sẽ gây áp lực tăng giá lên giá xăng dầu trong nước trong kỳ điều hành tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.