Nguyễn Phương
Thứ năm, ngày 20/10/2022 08:36 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 20/10: Giá dầu thô biến động trái chiều trong phiên giao dịch sáng nay sau khi bật tăng hơn 2% vào phiên trước vì lo ngại nguồn cung thắt chặt.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 20/10/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2022 đứng ở mức 84,81 USD/thùng, tăng 0,29 USD/thùng trong phiên. Và nếu so với cùng thời điểm ngày 19/10, giá dầu WTI giao tháng 12/2022 đã tăng tới 1,67 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2022 đứng ở mức 92,46 USD/thùng, tăng 0,05 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 1,54 USD so với cùng thời điểm ngày 19/10.
Giá dầu hôm nay tăng mạnh trong bối cảnh thị trường ghi nhận dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đang trên đà phục hồi.
Nhà máy lọc dầu tư nhân lớn Zhejiang Petrochemical Corp vừa nhận được hạn ngạch nhập khẩu dầu thô bổ sung 10 triệu tấn cho năm 2022 và nhà máy lọc dầu của nhà nước ChemChina nhận thêm hạn ngạch 4,28 triệu tấn. Tổng mức hạn ngạch nhận thêm này tương đương với 104 triệu thùng.
Giá dầu ngày 20/10 cũng được thúc đẩy bởi lo ngại nguồn cung dầu thô bị thắt chặt hơn nữa khi các lệnh cấm vận, trừng phạt dầu thô Nga của EU, G7 có hiệu lực.
Việc Mỹ thực hiện giải phóng thêm kho dự trữ dầu thô nhằm bù đắp phần sản lượng thiếu hụt của Mỹ, theo giới phân tích thì chỉ có thể giải được bài toàn trong ngắn hạn, và trước tương lai nó sẽ tạo áp lực ngược với thị trường khi Mỹ sẽ phải bù đắp phần sản lượng này vào kho dự trữ.
Trước đó, ngày 12/10, trong báo cáo hàng tháng của minh, OPEC đã dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng khoảng 2,64 triệu thùng/ngày (2,7%) trong năm 2022; trong khi đó, nhu cầu dầu trong năm 2023 sẽ tăng khoảng 2,34 triệu thùng/ngày, vượt mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, đà tăng của giá dầu hôm nay cũng bị kiềm chế bởi đồng USD mạnh hơn và lo ngại suy thoái kinh tế đang ngày một gia tăng.
Giá dầu tăng trong phiên 19/10 tại châu Á, sau khi giảm trong phiên trước, nhờ các tài sản rủi ro như hàng hóa hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư, trong lúc các thị trường chứng khoán lên điểm và có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu của nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới là Trung Quốc phục hồi.
Giá dầu phiên này cũng nhận được lực đẩy khi sức hấp dẫn của tài sản rủi ro gia tăng, với các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp lạc quan và các thị trường chứng khoán lên điểm.
Giá dầu cũng được hỗ trợ nhờ các dấu hiệu cho thấy nhu cầu của Trung Quốc gia tăng. Lệnh cấm nhập khẩu của Liên minh châu Âu đối với dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga sắp tới và việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các nước đồng minh cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày cũng góp phần duy trì giá dầu ở mức cao.
Để bù vào phần nguồn cung bị sụt giảm, Tổng thống Mỹ sẽ công bố kế hoạch bán lượng dầu còn lại trong kế hoạch giải phóng kho dự trữ chiến lược vào ngày 19/10 và chi tiết của chiến lược làm đầy kho dự trữ khi giá giảm.
Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, chính phủ nước này dự kiến bán 15 triệu thùng dầu từ kho dự trữ vào tháng 12, số dầu cuối cùng trong 180 triệu thùng được giải phóng theo kế hoạch thông báo đầu năm nay.
Theo các nguồn tin dẫn số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này giảm khoảng 1,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 14/10.
Theo các chuyên gia, giá dầu nhiều khả năng sẽ sớm gặp áp lực trở lại khi chưa có nhiều triển vọng tích cực. Với các yếu tố cung – cầu hiện tại, khó có thể kỳ vọng giá sẽ tạo ra được đà tăng vững chắc. Với rủi ro về suy thoái kinh tế vẫn còn rất lớn, đặc biệt Trung Quốc vẫn còn là “điểm yếu” khi GDP quý III được cho là khá tiêu cực bất chấp các biện pháp kích thích. Với vai trò là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2, chiếm đến gần 15% tổng nhu cầu dầu của thế giới, và là nước nhập khẩu dầu lớn thứ 1, sự suy yếu của Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường, đặc biệt khi nguyên nhân là do các chính sách mang tính dài hạn như Zero Covid kéo dài sẽ khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng trong trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, khả năng Mỹ tiếp tục mở kho dầu dự trữ chiến lược vẫn còn, khi nước này sắp bước vào thời điểm bầu Hạ viện và Thượng viện trong tháng 11. Đảng Dân chủ của Tổng thống Biden đối mặt với thách thức lớn là phải kiểm soát được lạm phát, đặc biệt là giá nhiên liệu là một trong các vấn đề được quan tâm hàng đầu. Hiện tại giá xăng tại Mỹ đang là 3,87 USD/gallon, và nhiều phân tích chỉ ra giá xăng phải duy trì dưới ngưỡng 4 USD/gallon mới có thể đảm bảo đảng cầm quyền không bị hứng chịu nhiều chỉ trích.
Tại thị trường trong nước, ngày 11/10, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 11/10.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10, giá xăng tăng 560 - 564 đồng/lít, trong khi đó, giá dầu tăng mạnh, lên tới gần 2.000 đồng/lít do nguồn cung bị cắt giảm.
Liên Bộ Công thương - Tài chính cho biết, trong kỳ điều hành lần thứ 2 trong tháng 10, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh cùng với việc tỷ giá USD/VND tăng, một số chi phí kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh tăng nên giá cơ sở xăng dầu đều tăng.
Để hỗ trợ cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu, chi Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel để hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Cụ thể, liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước là 451 đồng/lít); xăng RON 95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 600 đồng/lít), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 708 đồng/kg (kỳ trước là 741 đồng/kg).
Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng thực hiện chi Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel ở mức 200 đồng/lít và không chi quỹ đối với các loại xăng dầu khác.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 20/10 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 21.292 đồng/lít (tăng 560 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON 95-III 715 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 22.007 đồng/lít (tăng 564 so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 24.187 đồng/lít (tăng 1.979 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu không chi Quỹ Bình ổn giá 200 đồng/lít, giá sẽ tăng 2.179 đồng/lít và giá bán sẽ là 24.387 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 22.820 đồng/lít (tăng 1.132 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.094 đồng/kg (ổn định so với giá bán hiện hành).
Bộ Công Thương đang phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện các hành vi vi phạm.
Được biết, giá dầu thô tiếp tục biến động nên giá xăng dầu trong nước dự kiến tăng tiếp trong kỳ tới. Tuy nhiên, mức tăng còn phụ thuộc vào tình hình giá dầu thô thế giới trong vài ngày tới và mức chi/trích quỹ bình ổn giá. Ngược lại, nếu dầu thô giảm, giá xăng dầu trong nước có cơ hội giữ nguyên hoặc giảm. Việc điều hành giá xăng dầu trong nước còn tùy thuộc và diễn biến dầu thô trong những ngày tới.
Bộ Công Thương vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính kịp thời rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức... theo mức phù hợp với thực tế phát sinh.
Với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương đề nghị có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ; tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ để nhanh chóng thực hiện các thủ tục mua xăng dầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.