Giá xăng dầu hôm nay 25/6: Giá dầu đã không thể nối dài đà tăng
Giá xăng dầu hôm nay 25/6: Giá dầu đã không thể nối dài đà tăng
Nguyễn Phương
Chủ nhật, ngày 25/06/2023 08:31 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 25/6: Giá dầu đã không thể nối dài đà tăng của tuần trước vì cú sốc lãi suất tăng. Cả dầu Brent và WTI đều giảm hơn 3% cả tuần này.
Giá dầu thế giới cuối tuần ở mức thấp do các thương nhân lo ngại việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu. Các chuyên gia dự báo khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thêm hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay.
Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên ngày 23/6, trong bối cảnh các nhà giao dịch lo ngại các đợt tăng lãi suất của nhiều nền kinh tế có thể làm giảm nhu cầu, bất chấp những dấu hiệu nguồn cung thắt chặt lại, trong đó có dự trữ dầu thô của Mỹ giảm.
Trước đó, phiên 22/6, giá dầu Brent đã giảm 3 USD/thùng sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, mức tăng lớn hơn dự kiến của thị trường. Các ngân hàng trung ương ở Na Uy và Thụy Sỹ cũng tăng lãi suất.
Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đã giảm hơn 3,5% trong tuần qua.
Khả năng Mỹ tiếp tục tăng lãi suất dường như cũng dễ xảy ra hơn khi các quan chức Fed nhận định, có thêm hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay là một dự đoán "rất hợp lý".
Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu.
Tâm lý lo ngại rủi ro của các nhà đầu tư cũng làm tăng giá trị của đồng USD, điều này gây áp lực lên giá dầu.
Dữ liệu khảo sát cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng vào tháng 6/2023 do tăng trưởng dịch vụ lần đầu tiên giảm trong năm nay và đà sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất ngày càng sâu.
Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã chững lại, với dữ liệu về thị trường bất động sản, sản xuất và tiêu dùng thấp hơn dự kiến trong vài tháng liên tiếp.
Các mối quan ngại về khả năng suy thoái kinh tế và nhu cầu dầu sụt giảm đã “lấn át” các dấu hiệu cho thấy nguồn cung thắt chặt lại.
Báo cáo về lượng dầu dự trữ của Mỹ trong tuần này bất ngờ giảm 3,8 triệu thùng. Một yếu tố nữa làm nguồn cung thắt chặt đó là việc Saudi Arabia có kế hoạch cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 7/2023. Tuyên bố cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày của Saudi Arabia vào tháng 7 được công bố cùng với thỏa thuận OPEC+ nhằm hạn chế nguồn cung vào năm 2024.
Trước những đồn đoán về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ yếu ở Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, và mức độ cắt giảm lãi suất cho vay của Trung Quốc không được như kỳ vọng của thị trường, cùng với những nghi ngại về đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc đà khiến giá dầu thế giới ghi nhận đà giảm trong cả hai phiên 19-20/6.
Một số ngân hàng lớn đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 của kinh tế Trung Quốc sau khi số liệu trong tháng 5 được công bố vào tuần trước cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chững lại.
Tại thị trường trong nước, ngày 21/6, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 21/6.
Ở kỳ điều chỉnh ngày 21/6, giá xăng được giữ nguyên, còn giá dầu tăng nhẹ. Theo đó, trên cơ sở điều hành của liên Bộ, các doanh nghiệp niêm yết ở mức 22.015 đồng/lít đối với RON 95 và 20.878 đồng/lít với RON 92. Giá dầu diesel, dâu hỏa nhích nhẹ 133-146 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ BOG: Thực hiện trích lập Quỹ BOG: Thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 191 đồng/lít (kỳ trước 228 đồng/lít), xăng RON 95 ở mức 139 đồng/lít (kỳ trước 180 đồng/lít); dầu điêzen ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước 200 đồng/lít); dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước 200 đồng/lít); dầu mazut ở mức 100 đồng/kg (kỳ trước 200 đồng/kg). Chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu: Không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 25/6 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 20.878 đồng/lít (giữ nguyên so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON 95-III 1,137 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 22.015 đồng/lít (giữ nguyên so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 18.174 đồng/lít (tăng 146 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 17.956 đồng/lít (tăng 133 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.587 đồng/kg (giảm 132 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 12/6/2023-21/6/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Việc cắt giảm nguồn cung từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+); xuất khẩu và sản lượng dầu của Iran tăng bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ; Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong kỳ điều chỉnh tháng 6/2023 sau 10 lần tăng liên tiếp trước đó; những lo ngại nhu cầu năng lượng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu… các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 12/6/2023 và kỳ điều hành ngày 21/6/2023 là: 88,091 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 0,188 USD/thùng, tương đương tăng 0,21% so với kỳ trước); 93,316 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 0,182 USD/thùng, tương đương tăng 0,20% so với kỳ trước); 90,291 USD/thùng dầu hỏa (tăng 1,431 USD/thùng, tương đương tăng 1,61% so với kỳ trước); 91,716 USD/thùng dầu điêzen (tăng 1,497 USD/thùng, tương đương tăng 1,66% so với kỳ trước); 421,293 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 1,189 USD/tấn, tương đương giảm 0,28% so với kỳ trước).
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã phục hồi trở lại.
Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: tiếp tục giảm mức trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu và tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 18 đợt điều chỉnh, trong đó có 9 đợt tăng, 6 đợt giảm và 1 đợt giữ nguyên cả xăng và dầu, 1 đợt giữ nguyên xăng, tăng giá dầu. Và đợt điều chỉnh này giá xăng được giữ nguyên lần thứ 2 liên tiếp và dầu tăng nhẹ.
Tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước vừa qua, cho rằng nguồn cung trong nước vẫn còn bị động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm (cả về số lượng và chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho khách hàng; phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống (cả nguồn trong nước và nhập khẩu).
Bộ trưởng cũng lưu ý, các doanh nghiệp đầu mối cần có sự trao đổi thống nhất, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.