6 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu: Chấp nhận chịu phạt chứ không nhập xăng dầu về chịu lỗ

An Linh Thứ ba, ngày 25/10/2022 14:01 PM (GMT+7)
Theo đại diện doanh nghiệp và Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, bản thân các doanh nghiệp đầu mối đang lỗ 1.000 đồng/ lít xăng dầu nên họ không muốn nhập hàng về. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến họ không muốn nhập đủ tổng nguồn được giao.
Bình luận 0

Chỉ nhập chưa bán xăng dầu... đã lỗ

Mới đây, Bộ Công Thương vừa công bố danh sách 06 doanh nghiệp đầu mối không nhập đủ tổng nguồn tối thiểu mà Bộ Công Thương giao (trong đó có cả nguồn nhập xăng dầu từ nước ngoài và cả ở trong nước).

6 doanh nghiệp đầu mối không nhập đủ xăng dầu: Chỉ nhập về đã thấy lỗ? - Ảnh 1.

Tình trạng nhiều doanh nghiệp đầu mối không muốn nhập xăng dầu vì nhìn trước thấy lỗ (Ảnh An Linh)

Danh sách gồm: Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hưng Phát; Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên; Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel); Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam; Công ty TNHH Trung Linh Phát (mặt hàng xăng); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh.

Chia sẻ với PV Dân Việt, đại diện một trong 6 doanh nghiệp bị nêu tên nhập không đủ tổng nguồn tối thiểu cho biết: Họ sẵn sàng bị phạt chứ không thể chịu khoản lỗ mãi được. Từ tháng 4 đến nay, doanh nghiệp đã chịu khoản lỗ nhiều tỷ đồng do giá nhập tổng nguồn cao, trong khi giá bán lẻ điều chỉnh thấp, trong khi doanh nghiệp không được tính đúng, tính đủ chi phí.

"Hiện chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng và premium trong nước từ ngày 11/10 được áp dụng. Tuy nhiên, 3 tháng nay doanh nghiệp đã bị lỗ từ 500-600 đồng/ lít xăng dầu. Lỗ luỹ kế đến nay mỗi doanh nghiệp lỗ rất lớn nên nhập hàng về bán lại cho tổng đại lý, đại lý bắt buộc phải cắt chiết khấu. Cắt chiết khấu, thậm chí để chiết khấu âm, doanh nghiệp vẫn không cắt lỗ được. Buộc chúng tôi phải tạm ngưng, đó là việc bất khả kháng", đại diện doanh nghiệp nói.

Vị này cho rằng: "Giá xăng dầu thế giới biến động theo ngày, thậm chí giờ do diễn biến phức tạp địa chính trị. Chính vì vậy, các công thức tính giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu, chi phí định mức, premium, lợi nhuận… mà liên Bộ Tài chính - Công Thương đưa ra cần thay đổi theo kịp với diễn biến thực tế, bởi xăng dầu là hàng hoá tuân theo thị trường, nhưng ở Việt Nam lại được quyết định, điều hành giá bởi Nhà nước".

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam: Thị trường xăng dầu 2022 có những dị biệt do tác động từ thế giới thay đổi nhanh theo ngày, chính vì vậy các công cụ tính giá cơ sở, chi phí cho doanh nghiệp cần phải sát để tránh lỗ cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cho biết mong muốn lớn nhất của donah nghiệp hiện nay là chi phí được tính đúng, đủ. Không cần ưu đãi, biệt đãi.

Ông Bảo cho rằng, thực tế chi phí lưu thông xăng dầu (chi phí đưa hàng ra thị trường từ thương nhân phân phối đến cửa hàng bán lẻ) áp dụng 8 năm nay chưa điều chỉnh, trong khi theo quy định phải rà soát hàng năm. Các chi phí tạo nguồn (giá cả thế giới, premium, phụ phí, chi phí đưa hàng từ nước ngoài về, chi phí nhập từ các nhà máy lọc dầu trong nước...) mới thực hiện từ năm nay, nhưng cũng chưa được điều chỉnh sát thực tế.

Trong khi đó, chi phí nhập khẩu được điều chỉnh nhưng giá thực tế tăng rất cao, việc điều chỉnh các chi phí nhưng không sát thực tế khiến các doanh nghiệp lỗ trong quý II, riêng khâu tạo nguồn khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo ông Bảo, với tổng nguồn xăng dầu Bộ Công Thương dự tính giao các doanh nghiệp, chi phí doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ trên 1.000 đồng một lít. "Họ đã lỗ, giờ nếu lỗ thêm nữa sẽ không thể chịu được", ông Bảo nhìn nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem