Giãn cách xã hội, doanh nghiệp đề nghị giảm 50% phí trước bạ với ôtô: Mercedes GLC 200 sẽ giảm hơn 100 triệu đồng

Q.D Thứ ba, ngày 17/08/2021 14:00 PM (GMT+7)
Thực tế cho thấy, trường hợp quy định mức ưu đãi thu lệ phí trước bạ đối với ô tô giảm 50%, sẽ làm giảm chi phí khi đăng ký sở hữu xe ôtô. Từ đó, kích thích người tiêu dùng lựa chọn loại xe này.
Bình luận 0

Đề nghị giảm 50% phí trước bạ với ôtô trong nước 

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc xem xét mức lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo đó, vừa qua Công ty cổ phần Thành Công Motor Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu kiến nghị của Công ty cổ phần Thành Công Motor Việt Nam, đánh giá và tính toán kỹ tác động, trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, trong bối cảnh dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2021.

Thực tế cho thấy, trường hợp quy định mức ưu đãi thu lệ phí trước bạ đối với ô tô giảm 50%, sẽ làm giảm chi phí khi đăng ký sở hữu xe ôtô. Từ đó, kích thích người tiêu dùng lựa chọn loại xe này.

Chẳng hạn, với cùng phân khúc xe ôtô chở người dưới 9 chỗ ngồi hiện đang chịu mức thu lệ phí trước bạ 10-15% tùy từng địa phương, thì khi được giảm 50% sẽ chịu mức thu còn 5 - 7,5%.

Giả sử với ôtô có giá trị 600 triệu đồng khi đăng ký quyền sở hữu, thông thường chủ xe phải nộp 60-90 triệu đồng. Nhưng nếu được giảm 50% chỉ phải nộp 30-45 triệu đồng thì số tiền người dùng được hưởng lợi tuỳ giá trị của xe, xe có giá trị cao hơn thì mức hưởng lợi cao hơn.

Đề nghị giảm 50% phí trước bạ với ôtô: Mercedes GLC 200 sẽ được giảm hơn 100 triệu đồng - Ảnh 1.

Đề nghị giảm 50% phí trước bạ với ôtô trong nước. Ảnh: VinFast

Đối với doanh nghiệp, việc quy định mức ưu đãi thu lệ phí trước bạ đối với ôtô bằng 50%, sẽ kích thích người tiêu dùng sử dụng loại xe này. Phần khuyến mãi lẽ ra trước đây dùng để hỗ trợ 50 – 100% lệ phí trước bạ cho khách hàng sẽ được dùng cho các khuyến mãi khác nhằm tăng lực cạnh tranh và thu hút khách mua.

Tuy nhiên, chia sẻ với Dân Việt về vấn đề này, Sales của một hãng xe hạng sang cho rằng, nếu không có chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, thì rất ít hãng xe có thể tự "cắt máu" bằng cách hỗ trợ phí trước bạ cho khách hàng, trừ trường hợp hãng cần đẩy các loại xe đang bị tồn kho nhiều, dành lại thị phần hoặc kích cầu cho sản phẩm mới ra.

"Ví dụ, với dòng xe lắp ráp trong nước như Peugeot đang phân phối, phí trước bạ sẽ rơi vào tầm hơn 100 triệu đồng/xe, doanh nghiệp không thể tự hỗ trợ được. Do vậy, nếu đề xuất được thông qua trong thời điểm giãn cách dài ngày vì dịch Covid, người dân đang tập trung cho các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng tiêu sản như ôtô bị chững lại sẽ hỗ trợ những người đã có dự tính sẽ quyết tâm mua xe, từ đó giúp doanh nghiệp rất nhiều để hồi phục sau đại dịch", vị này cho hay.

Trong khi đó, Sale của hãng xe Mercedes cho biết, đơn cử như xe Mercedes GLC 200 bản tiêu chuẩn  lắp ráp tại Việt Nam có giá niêm yết là 1.749 tỷ đồng hiện đang chịu 12% lệ phí trước bạ, nếu giảm 50% thì khách hàng sẽ tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng, chưa kể những chương trình khác đi kèm của đại lí.

Tồn kho tăng cao 

Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô tháng 7/2021 của các doanh nghiệp thành viên đạt 16.035 xe, giảm 32% so với tháng 6/2021.

Đây là tháng thứ ba liên tiếp doanh số bán ô tô của các doanh nghiệp bị sụt giảm. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, doanh số bán của các doanh nghiệp thành viên VAMA đạt 166.516 xe các loại, trong đó xe lắp ráp trong nước đạt 94.109 xe, nhập khẩu đạt 72.407 xe.

Đề nghị giảm 50% phí trước bạ với ôtô: Mercedes GLC 200 sẽ được giảm hơn 100 triệu đồng - Ảnh 2.

Doanh số bán ô tô sụt giảm. Ảnh: Anh Quân

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm, toàn bộ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đạt sản lượng 185.300 xe. Còn Tổng cục Hải quan cho hay, 7 tháng đầu năm, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam là 98.000 xe.

Hiện nay, nhiều địa phương thực hiện giãn cách, tạm dừng làm thủ tục đăng ký xe mới, cùng với việc các đại lý bán lẻ phải đóng cửa dài ngày để chống dịch càng khiến cho tiêu thụ ô tô giảm mạnh.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), số lượng xe ô tô đăng ký mới giảm liên tục. Cụ thể, trong tháng 4/2021, số ô tô đăng ký mới ngày cao nhất đạt gần 2.500 xe; tới tháng 6/2021, ngày cao nhất đạt gần 1.600 xe; tới ngày 26/7, số xe đăng ký mới chỉ còn 235 xe và tới 2/8, số đăng ký mới là 147 xe, giảm 80% so với trung bình các ngày trước đó.

Trong bối cảnh này, các chương trình ưu đãi giảm giá bán xe được xem là cứu cánh để các nhà sản xuất, đại lý phân phối ô tô vớt vát doanh số bán hàng, đồng thời hạn chế lượng xe tồn kho.

Chi phí bán hàng các doanh nghiệp kinh doanh ôtô phình to 

Báo cáo tài chính các doanh nghiệp kinh doanh ôtô hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, mặc dù tính lũy kế 6 tháng đầu năm đều có sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, nhưng chỉ tính riêng quý II/2021 lại ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận đáng báo động.

Đề nghị giảm 50% phí trước bạ với ôtô: Mercedes GLC 200 sẽ được giảm hơn 100 triệu đồng - Ảnh 3.

Chi phí bán hàng nhiều doanh nghiệp phình to. Ảnh: HAX

Cụ thể, quý II/2021, doanh thu thuần của CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Hose: HAX) - Nhà phân phối Mercedes lớn nhất Việt Nam đạt 1.250 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi ròng chỉ đạt gần 6 tỷ đồng, giảm đến 25%. Nguyên nhân do doanh nghiệp phải gia tăng hơn 8 tỷ đồng chi phí bán hàng, lên mức 28 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ 20 tỷ đồng), doanh nghiệp lí giải trong kỳ đã mạnh chiến lược quảng cáo qua các nền tảng trực tuyến nhằm thúc đẩy bán hàng.

Tương tự, chi phí bán hàng của những công ty khác như CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (HOSE: SVC -  nhà phân phối nhiều hãng ôtô như Toyota, Volvo, Honda, Mitsubishi cũng tăng 26%, lên 120 tỷ đồng; CTCP CityAuto (HOSE: CTF) - nhà phân phối For tăng 7%, lên mức 46 tỷ đồng..

Trong khi đó, so với thời điểm quý III và IV/2020, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 về việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, thì doanh thu của những HAX, CTF, SCV đi ngang, thậm chí thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019, nhưng lợi nhuận lại tăng trưởng gấp nhiều lần.

Cụ thể, quý III/2020, doanh thu HAX đạt 1.741 tỷ đồng, tăng 31%; lãi ròng tăng đến 264% so với cùng kỳ. Doanh thu SCV đạt 3.900 tỷ đồng, giảm 13%, nhưng lợi nhuận sau thuế hơn 67 tỷ đồng, tăng 43%. Chỉ số doanh thu tại CTF là 1.545 tỷ đồng, giảm 3%, lãi sau thuế 935 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 8 tỷ đồng.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem