Giữ chân khách hàng, nhiều ngân hàng áp dụng "phí 0 đồng"

Quỳnh Chi Thứ tư, ngày 23/10/2019 14:25 PM (GMT+7)
Nhằm thu hút khách hàng cũng như tăng số dư tiền gửi không kỳ hạn, thời gian gần đây nhiều ngân hàng đồng loạt giảm phí dịch vụ, thậm chí áp dụng chính sách "phí 0 đồng".
Bình luận 0

Cuộc đua “phí 0 đồng”

Ghi nhận trên thị trường cho thấy nhiều ngân hàng giảm phí dịch vụ, thậm chí miễn phí chuyển tiền cho khách hàng trong thời gian gần đây.

img

Nhiều ngân hàng miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống cho khách hàng

Khảo sát tại một số ngân hàng, được biết ở giao dịch chuyển tiền nội mạng, nhiều ngân hàng đang miễn phí loại dịch vụ này, có thể kể đến như Techcombank, VietinBank, VPBank, HDBank, TPBank, SHB, SeABank, MSB...

LienVietPostBank cùng Ví Việt miễn phí nạp/rút/chuyển tiền cùng hệ thống, miễn phí dịch vụ thanh toán hoá đơn điện nước, truyền hình, Internet, học phí...

ABBANK miễn phí chuyển tiền cùng hệ thống qua Online Banking và Mobile Banking, bất kể giá trị giao dịch lớn hay nhỏ.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng áp dụng miễn phí dịch vụ cho khách hàng nhưng kèm theo điều kiện.

Chẳng hạn, VietCapitalBank áp dụng miễn phí chuyển tiền trong nước tại quầy và online. Ngoài ra, ngân hàng còn miễn phí rút tiền, phí thường niên, miễn phí sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử... cho gói tài khoản thương nhân dành cho khách hàng cá nhân, chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi trên, ngân hàng yêu cầu khách hàng duy trì số dư bình quân mỗi tháng trong tài khoản từ 5 triệu đồng trở lên…

Không chỉ miễn, giảm phí cho khách hàng cá nhân, một số ngân hàng còn áp dụng với cả khách hàng doanh nghiệp. Trên thực tế, xu thế "phí 0 đồng" bắt đầu nở rộ sau khi Techcombank tiên phong áp dụng chính sách "Zero Fee" cho tất cả các giao dịch trực tuyến qua F@st I-bank và F@st mobile của khách hàng cá nhân từ cuối tháng 9-2016 và mở rộng chính sách này với khách hàng doanh nghiệp từ tháng 10-2018.

Khách hàng lợi 1, ngân hàng lợi 2

Phân tích về xu hướng này, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng việc giảm phí dịch vụ ở các ngân hàng trong thời gian này có thể do từ đầu năm đến nay, CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) đã giảm phí dịch vụ cho các thành viên 3 lần, giúp cho cuộc đua tăng phí dịch vụ của các ngân hàng hạ nhiệt.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn là do có nhiều công ty công nghệ (Fintech) mở ra nhiều ví điện tử đã chia miếng bánh của ngân hàng, khiến các ngân hàng phải giảm giá dịch vụ để tăng tính cạnh tranh.

Việc giảm giá dịch vụ sẽ giúp các ngân hàng duy trì được lượng khách hàng lớn và ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc làm tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn, ngân hàng có thể dùng lượng tiền đó cho vay và sinh lời.

Thực tế, chỉ sau một thời gian áp dụng chính sách miễn phí cho khách hàng, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng huy động vốn của Techcombank đã tăng mạnh. Số liệu báo cáo tài chính quý II của nhà băng này cho thấy số tiền gửi khách hàng tăng 9,4% với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn và ký quỹ (CASA) trên tổng huy động đạt mức 30,4% tại thời điểm cuối quý II.

Ngoài ra, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến của Techcombank cũng tăng mạnh, qua đó giúp giảm bớt chi phí vận hành từ chi nhánh đến hội sở ngân hàng và lợi ích này lớn hơn nhiều so với “mất doanh thu”.

Ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc NH Phương Đông (OCB) - nhận định chính sách hạ giá, phí dịch vụ của các NH sẽ dần trở thành xu hướng vì việc khách hàng duy trì số dư không kỳ hạn sẽ giúp thanh khoản NH tốt hơn, nhất là trong bối cảnh NH Nhà nước siết tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% và dự kiến giảm về mức 30% trong hai năm tới.

Tiền gửi không kỳ hạn được tính vào vốn ngắn hạn, NH chỉ phải trả lãi khoảng 0,1-0,5%/năm, trong khi nếu huy động có kỳ hạn, mức lãi thường là 4-5%/năm. Nguồn vốn không kỳ hạn càng lớn càng giúp NH giảm giá vốn, gia tăng biên lợi nhuận.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, dù được hưởng lợi từ việc giảm phí dịch vụ nhưng việc các ngân hàng giảm giá dịch vụ sẽ khó trở thành xu hướng bởi đầu tư vào hệ thống ngân hàng số, các ngân hàng phải bỏ ra một chi phí đầu tư rất lớn, nên việc cung cấp dịch vụ phải được đền bù một cách xứng đáng. Do đó, việc giảm chi phí dịch vụ sẽ không sâu và mạnh.

“Đây là một động thái tốt của các ngân hàng, nhưng không thể trở thành xu hướng trong thời gian tới”, ông Hiếu nói.

Gửi ngân hàng 100 triệu đồng, hưởng lãi tới 8,9%/năm

Một ngân hàng vừa có thông báo chỉ cần khách hàng gửi tối thiểu 100 triệu đồng, có thể được hưởng lãi suất tới...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem