Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương xác nhận thời gian qua, có tình trạng cơ quan kiểm soát một số nơi đánh giá hàng thiết yếu tập trung vào lương thực, thực phẩm nên một số hàng hóa tiêu dùng cá nhân như giấy vệ sinh, chất tẩy rửa, bột giặt… chưa được tạo thuận lợi trong việc vận chuyển.
Do đó, Sở đang phối hợp với Sở GTVT TP, Công an TP hoàn thành báo cáo tham mưu lãnh đạo TP để thống nhất các đơn vị linh động giải quyết cho hàng hóa lưu thông, đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Công ty CP Diana Unicharm ngày 28/7 cho biết, các nhà phân phối, nhân viên bán hàng của doanh nghiệp bị cơ quan chức năng chặn khi vận chuyển mặt hàng băng vệ sinh, tã, bỉm đến các điểm bán lẻ tại TP.HCM và nhiều tỉnh miền Nam.
Theo doanh nghiệp, nếu việc vận chuyển khó khăn, chuỗi cung ứng bị đứt thì mặt hàng này sẽ sớm thiếu hụt trên thị trường. Trong khi nhu cầu là có, nguồn cung thiếu hụt sẽ ảnh hưởng sức khoẻ, an toàn vệ sinh của người dân.
Trước mắt, để giải quyết khó khăn về khâu vận chuyển, UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu Sở GTVT, Sở Y tế, Công an TP cùng UBND TP Thủ Đức và các quận huyện tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện được ưu tiên lưu thông trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận tải hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống nhân dân (đã được cấp Giấy nhận diện có mã QR của ngành GTVT) tại các chốt kiểm soát (bao gồm các chốt tại cửa ngõ và trong phạm vi TP.HCM).
Tại các chốt kiểm soát ở cửa ngõ TP, trường hợp các phương tiện vận tải hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống nhân dân; vận tải nguyên vật liệu, thành phẩm, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu chưa được cấp Giấy nhận diện phương tiện (có mã QR), nhưng người điều khiển phương tiện và người đi cùng trên phương tiện có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn giá trị (trong vòng 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm), UBND TP.HCM đề nghị cho xe lưu thông qua chốt.
Liên quan thế nào là hàng thiết yếu, ngày 27/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ký văn bản khẩn đề xuất Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa "cấm lưu thông" thay vì liệt kê Danh mục "hàng hóa thiết yếu" được phép lưu thông.
Việc này nhằm tránh việc mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau về danh mục hàng hóa thiết yếu khi áp dụng Chỉ thị 16.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, thời gian qua, đã xuất hiện tình trạng một số địa phương còn lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách xã hội.
Nếu đề xuất này được thông qua, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần tham chiếu theo Danh mục hàng hóa cấm lưu thông (đây là danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm hoặc hạn chế lưu thông theo quy định của pháp luật).
Các hàng hóa, dịch vụ còn lại không nằm trong danh sách này sẽ được cấp "thẻ xanh" để lưu thông trên địa bàn, địa phương, hoặc từ địa phương này sang địa phương khác.
Trong khi chờ đợi đề xuất được thông qua, cũng trong ngày 27/7, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã gửi công văn tới Sở Công Thương các tỉnh, thành thông tin cụ thể về danh mục 4 nhóm hàng hóa thiết yếu để các địa phương tham mưu cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16.
Thứ nhất, nhóm thực phẩm các loại. Thứ hai là nhóm hàng hóa nguyên liệu phục vụ, bao gồm các mặt hàng như sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… Thứ ba, nhóm nhiên liệu, năng lượng (như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than…). Thứ tư là các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.
Theo Bộ Công Thương, trước đó, các doanh nghiệp một trong những vấn đề nổi cộm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh đó là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong quy định, chính sách áp dụng của các địa phương về kiểm soát lưu thông hàng hóa, quy định về thực phẩm thiết yếu…
Chẳng hạn, mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh này nhưng không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh khác nên các doanh nghiệp sữa cũng không thể giao hàng đến đại lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.