Hà Giang: Nuôi cá quý hiếm đặc sản và trồng vườn cây "lung tung", một nông dân bắt đất hoang "nhả vàng"
Hà Giang: Nuôi cá quý hiếm đặc sản và trồng vườn cây "lung tung", một nông dân bắt đất hoang "nhả vàng"
Minh Ngọc
Thứ sáu, ngày 11/09/2020 13:05 PM (GMT+7)
Sau hơn 20 năm bỏ phố vào nơi rừng rậm khai hoang, lập nghiệp, mảnh đất hoang hóa, đầy cỏ dại năm nào của ông Nguyễn Hữu Quân (TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang) nay đã "nhả vàng". Trang trại nuôi cá bỗng quý hiếm, cá đặc sản, trồng đủ thứ cây đang mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình ông Quân.
Trang trại trồng đủ thứ cây, nuôi đủ thứ con, trong đó có ao nuôi cá đặc sản, cá quý hiếm, "cá vua" của ông Nguyễn Hữu Quân (phường Quang Trung, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang).
Phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN có dịp đến thăm gia đình lão nông Nguyễn Hữu Quân ở Tổ 3, phường Quang Trung (TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang). Con đường dẫn tới ngôi nhà cũ
Cảm nhận đầu tiên với chúng tôi là được hít thở nguồn không khí trong lành của núi rừng, cảnh sắc thiên nhiên tươi mới nơi đây. Bao quanh ngôi nhà của ông Quân là những vườn cây đang cho trái sum suê, hướng ra phía trước căn nhà có một cao cá, bên bờ kè là rặng cau gần chục năm tuổi.
"Ở đây chẳng khác gì một khu nghỉ dưỡng sinh thái. Không khí mát mẻ, trong lành, có thể tự do câu cá, thưởng thức trái cây mà chẳng phải lo nghĩ gì..." - anh Lê Xuân Chiến, cán bộ Hội nông dân TP Hà Giang nói.
Khu ao cá của gia đình ông Quân đang nuôi loài cá bỗng quý hiếm. Đây cũng là một trong những loài cá đặc sản bán với giá rất cao.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu trang trại tổng hợp của mình, ông Quân vừa kể, trước năm 1997 gia đình ông sống ở trung tâm Thị xã Hà Giang (nay là TP Hà Giang), gia đình ông làm nghề buôn bán, tuy nhiên, diện tích đất đai hạn hẹp nên không thể mở rộng phát triển kinh tế.
Sau đó, ông đã quyết định bán căn nhà gia đình đang ở để mua mảnh đất ở tổ 3, phường Quang trung mà gia đình ông đang ở hiện nay.
"Thời điểm đó, khu này dân cư thưa thớt, bao quanh chỉ có rừng, núi, hoang vu, đất đai rộng mà không thấy ai canh tác nên tôi đã quyết định mua lại, chuyển cả gia đình vào ở hẳn trong này để khai hoang, sản xuất" - ông Quân nhớ lại.
Ông Quân nói tiếp, thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, nguồn nước ở xa, phải dẫn nước từ trong khe núi để người sử dụng cũng như phục vụ sản xuất. Hai vợ chồng làm quần quật từ sáng tới đêm, mà vẫn nghèo. Đất đai thì nhiều nhưng thiếu vốn để canh tác.
Sau hơn 20 năm bám đất, bám rừng, trải qua nhiều khó khăn, mảnh đất từng mọc đầy cỏ dại, hoang hóa năm nào giờ đây đã bắt đầu "nhả vàng". Với sự tích lũy có được ông Quân lại mua thêm đất để mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay diện tích đất sản xuất là 3,7ha. Trong đó, ông Quân nuôi gà ri, vịt, cá, trồng cây ăn quả, nuôi ong mật và trồng cây lâm nghiệp.
Không chỉ chăn nuôi đơn thuần các loại cây, con. Ông Quân đã thuần thục trong việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Từ khu chuồng nuôi, xử lý nước thải, cách phối trộn thức ăn đều được thực hiện theo một quy trình bài bản.
Thức ăn cho gà, vịt, ông Quân rất ít khi sử dụng thức ăn công nghiệp, thay vào đó là sử dụng cám ngô, thân cây chuối băm nhỏ ủ với men vi sinh. Đặc biệt, ông Quân còn xây bể để ủ phân gà làm phân bón cho cây ăn quả.
Hiện nay, trang trại của ông Quân luôn duy trì nuôi đàn gà khoảng 1.000 con (có thời điểm 2.000 con). Mới đây, ông tiếp tục nuôi 300 con vịt. Đối với cây ăn quả, có 200 gốc cam, 200 gốc bưởi, 200 gốc mận. Đặc biệt, với diện tích ao cá 1.000m2, ông Quân còn thả 100 con cá bỗng quý hiếm- còn được gọi là "cá vua", "cá tiến vua".
Cá bỗng được biết đến là loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, thịt chắc, thơm ngon, nên luôn được các thực khánh sành ăn tìm mua. Ngoài cá bỗng, ông Quân còn thả cá rô phi Đường Nghiệp.
Bên cạnh đó, trong vườn của gia đình ông Quân cũng luôn duy trì từ 50 - 100 đàn ong. Theo ông Quân, mật ong và ong giống lúc nào cũng là sản phẩm ông bán hết đầu tiên. Với khí hậu trong lành, đối với cây trái ông Quân không bao giờ phun thuốc hóa học nên mật ong luôn tự nhiên, chất lượng thơm ngon nhất.
"Bây giờ mới đang ở giai đoạn khởi đầu. Ngày xưa tôi chỉ trồng cây rừng, các loại cây ăn trái mới trồng nên năm nay mới bắt đầu cho thu hoạch, nguồn thu chính vẫn là từ chăn nuôi. Nghề nào cũng vậy, đều phải tự mình học hỏi, tìm tòi, học hỏi bạn bè, anh, em thì mới chăn nuôi được. Không biết gì thì không thể làm được" - ông Quân chia sẻ.
Ông Quân cho biết, từ mô hình tổng hợp nuôi trồng cây, con đã mang lại nguồn thu nhập 300 triệu đồng/năm cho gia đình ông.
Nói về mô hình trang trại tổng hợp của của ông Nguyễn Hữu Quân, anh Lê Xuân Chiến, cán bộ Hội nông dân TP Hà Giang cho hay, ông Quân là một trong những gương điển hình làm kinh tế giỏi của TP Hà Giang. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, ông Quân còn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt cho nhiều hội viên nông dân trên địa bàn TP Hà Giang.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.