Hà Nội cần có những công trình nghệ thuật "để đời" thay vì trưng bày những hình thù quái lạ
Huy Hoàng
Thứ sáu, ngày 11/12/2020 18:15 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia văn hoá, chuyên gia Hà Nội học và một số nhà văn: Hà Nội cần quy hoạch và có những công trình kiến trúc nghệ thuật, những tác phẩm điêu khắc "để đời" thay vì có những hình thù quái lạ như "trái tim lông" đặt ở hồ Hoàn Kiếm.
Từ tối qua trên một số diễn đàn và mạng xã hội xôn xao vụ "trái tim lông" đặt ở hồ Hoàn Kiếm. Theo nhận xét của nhiều cư dân mạng, hình thù này nhìn "rẻ tiền", quái lạ mà lại đặt ở nơi là biểu tượng của thủ đô là không phù hợp, gây phản cảm.
Trả lời báo Vietnamnet, bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa cho hay: trái tim này được trưng bày tại khu vực vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ từ 11-13/12/2020 nằm trong khuôn khổ Lễ hội văn hoá dân gian trong đời sống đương đại.
Sự việc trên không chỉ khiến cư dân mạng bức xúc mà ngay cả một số nhà văn, chuyên gia Hà Nội học, chuyên gia văn hoá cũng phải lên tiếng.
Hoạ sĩ Lê Đình Nguyên chia sẻ hình ảnh một trái tim tua rua được đặt tại vỉa hè Hồ Gươm là hình ảnh rất phản cảm, không thể chấp nhận được và cần phải được dẹp bỏ ngay. Theo hoạ sĩ Lê Đình Nguyên đây là sự sáng tạo kệch cỡm.
Chia sẻ về vấn đề này Nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ với Dân Việt: "Khối hình trái tim đó được tạo dựng rất vô duyên, không mang tính thẩm mỹ. Tôi không biết vì sao một khối hình như vậy lại được đặt ở vỉa hè Hồ Gươm, nơi có nhiều người đi bộ, đặc biệt là có cả khách Tây thì đó là điều không thể chấp nhận, không thể tha thứ".
Điều đáng nói là đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội bị "ném đá" bởi những công trình không phù hợp với văn hoá nghìn năm văn hiến của Thủ đô. Còn nhớ năm 2016, chuẩn bị cho việc đón Tết Nguyên Đán Bính Thân, Hà Nội đã trang hoàng thành phố bằng hàng loạt hệ thống đèn trang trí trên khắp các tuyến phố. Tuy nhiên việc trang trí này đã vấp phải phản ứng trái chiều của người dân, bởi hệ thống đèn trang trí bị lạm dụng dẫn tới loè loẹt, rối rắm, khiến người đi đường hoa mắt.
Tại một số tuyến phố như Quán Thánh, Điện Biên Phủ, Phan Đình Phùng, Nguyễn Chí Thanh... có nhiều đèn hoa trang trí rất hoành tránh nhưng không đồng bộ trông rất rối mắt. Không phù hợp với cảnh quan tự nhiên vốn có của các tuyến phố mang đặc trưng của Hà Nội.
Đặc biệt tại đường Độc Lập, trước cửa lăng Bác là dàn hoa màu tím phát sáng vào ban đêm, nhiều người dân cho rằng kiểu trang trí này không phù hợp với khung cảnh trang trọng, trang nghiêm nơi đây.
Tại đài phun nước ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, người dân bất ngờ khi những bông hoa rũ xuống, màu sắc khá lạ nhất là khi có ánh sáng, màu sắc của hoa trở nên hồng hồng xanh xanh được lắp đặt. Sau khi công trình này được lắp đặt rất nhiều người dân tò mò đứng ngắm và đặt câu hỏi: Hoa gì và vì sao lại có màu sắc lạ lùng như thế, nó có ý nghĩa gì?
Nhiều ý kiến nhận xét, những bông hoa lạ này được lắp đặt Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục không được tinh tế, thiếu đi tính thẩm mỹ.
Trước những phản ánh của người dân về việc trang trí những "bông hoa" lạ, Sở VHTT Hà Nội đã cho dỡ đi, sau một ngày được trang trí.
Hà Nội cần có những công trình kiến trúc mang tính thẩm mỹ, nghệ thuật
Tâm lý mong muốn một Hà Nội đẹp với nhưng công trình kiến trúc nghệ thuật thể hiện được nét văn hiến nghìn năm là tâm lý chung không chỉ của cơ quan quản lý mà còn là mong muốn của người dân Thủ đô. Tuy nhiên thể hiện như thế nào cho đẹp, mang tính nghệ thuật và phù hợp khi đặt nơi công cộng lại là vấn đề cần bàn ở đây.
Ở nước ngoài những tượng đài hay công trình kiến trúc nghệ thuật dù to hay nhỏ đều có sự đồng thuận của người dân. Phù hợp lịch sử, văn hoá, hài hoà với môi trường xung quanh về quy mô, đồng thời có giá trị về nghệ thuật và mang tính biểu tượng để người dân được tự hào và yêu mến.
Nói về vấn đề này, nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến cho hay: "Tâm lý mong muốn Hà Nội đẹp hơn, có những công trình kiến trúc đặt nơi công cộng mang tính nghệ thuật là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên những công trình này được làm như thế nào, có tính thẩm mỹ phù hợp với công chúng hay không lại là cái mà chúng ta chưa xem xét kỹ.
Ở Việt Nam, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào người đứng đầu cơ quan quản lý. Sự hiểu biết về văn hoá, tính thẩm mỹ của người đó. Như chúng ta đã thấy vài năm gần đây, Hà Nội bị chê trách nhiều cũng bởi những công trình đó chưa thật sự mang tính thẩm mỹ, kiến trúc nghệ thuật. Chúng ta không thiếu những công trình mang tính sáng tạo nghệ thuật như: Tượng đài Vua Lý Thái Tổ hay Cột mốc số không…vậy tại sao chúng ta không đặt những công trình đó tại Hồ Gươm?".
Đồng quan điểm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho biết: "Bờ Hồ là trung tâm của Thủ đô, là nơi người dân đi dạo, ngắm cảnh và cảm nhận nét đẹp của Hồ Gươm, vậy mà cho dựng lên một khối hình có thể nói là quái dị. Tôi cảm thấy khối hình quái dị đó đặt ở Hồ Gươm là không bình thường. Vài năm trước, cũng đã từng có ý định dựng bức tượng King Kong khổng lồ từ bộ phim Đảo đầu lâu được quay ở Việt Nam bên Hồ Gươm. Nhưng vì dư luận phê phán gay gắt họ lại thôi.
Tôi có cảm giác bao nhiêu vẻ đẹp Thăng Long, bao nhiêu tác phẩm điêu khắc đẹp của các nghệ sĩ Việt Nam hình như chưa bao giờ có trong đầu những người quy hoạch thủ đô thời đổi mới. Vì thế, thi thoảng họ lại cho hiện ra giữa thủ đô một hình thù quái dị".
Chúng tôi cho rằng, trước những quyết sách liên quan đến "bộ mặt" của thủ đô, Hà Nội nên cân nhắc kỹ trước khi thực thi và nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia liên quan, tránh việc biến Hà Nội thành "nồi lẩu" thập cẩm gây phản cảm trong mắt cộng đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.