Hà Nội "mưa là lụt, không mưa cũng ngập": Tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng lý giải thế nào?

PVKT Thứ năm, ngày 03/11/2022 17:56 PM (GMT+7)
Chiều ngày 3/11, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã tham gia trả lời chất vấn về vấn đề vật liệu xây dựng, tình trạng "mưa cũng ngập, không mưa cũng lụt" như ở Hà Nội và hiện tượng tắc nghẽn giao thông tại các đô thị.
Bình luận 0

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã tham gia trả lời chất vấn

Về nghiên cứu vật liệu xây dựng mới thay thế vật liệu truyền thống, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong thời gian vừa qua, khi kiểm tra tiến độ triển khai dự án đường cao tốc tại Đồng bằng Sông Cửu Long, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu vật liệu thay thế cho cát sông khi triển khai dự án giao thông trọng điểm.

"Hiện nay, tổng nhu cầu cát sông làm vật liệu cho các công trình giao thông của Đồng bằng Sông Cửu Long là 39 triệu m3, trong khi thực tế chỉ đáp ứng được 26 triệu m3. Chính vì vậy, chúng ta đang thiếu cát nền phục vụ xây dựng", ông Thắng nói.

Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện triển khai quyết liệt công tác nghiên cứu vật liệu mới thay thế vật liệu truyền thống này.

Theo đó, các cơ quan đang nghiên cứu và đề xuất sử dụng cát biển để làm vật liệu san nền thay thế, do nguồn cát biển hiện có thể sử dụng lên đến 150 triệu tỷ m3. Nếu thành công, không chỉ Đồng bằng sông Cửu Long, mà có thể áp dụng trên cả nước để thực hiện các công trình.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết, đến cuối năm 2023 mới có kết quả rằng có sử dụng được cát biển thay thế cát sông hay không, song kết quả nghiên cứu bước đầu thấy rất khả thi. Tuy nhiên, cần tiếp tục xác minh thêm các yếu tố kỹ thuật khác, dù vậy Nhật Bản và các nước Trung Đông đã áp dụng thành công.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng có cho phép nhà thầu thực hiện dự án có thể sử dụng tro xỉ làm vật liệu đắp nền thay thế cho cát sông.

Hà Nội "mưa cũng ngập, không mưa cũng lụt": Tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng lý giải thế nào? - Ảnh 1.

Tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.

Liên quan đến vấn đề ngập úng trong đô thị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, nguyên nhân ngập úng do các chỗ ngập úng là chỗ thấp, sau khi sửa đường thì chỉ trải thảm lên, do đó cốt đường cao hơn cốt nhà, dẫn đến ngập úng.

Bên cạnh đó, cống rãnh khu đô thị trước đây thường là nhỏ, không đáp ứng yêu cầu; các Bộ, ngành có liên quan đã có chỉ đạo về chuyên môn để không làm tăng cốt đường.

Với tình trạng khu đô thị cũ vẫn ngập úng, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đó là vì kết nối giữa hạ tầng giao thông và hạ tầng khu đô thị trước đây không đồng bộ; trong quản lý vận hành cũng không lưu ý về xử lý thoát nước.

Bộ trưởng cho rằng, về giải pháp, đầu tiên cần quản lý chặt quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông để đảm bảo đồng bộ; tiếp theo cần quản lý tốt cốt xây dựng, không để cốt đường cao hơn cốt nhà.

Về tắc nghẽn ở các khu đô thị, nguyên nhân là do số lượng phương tiện giao thông lớn nhưng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp. Bộ Giao thông sẽ quản lý chặt quy hoạch đô thị một cách đồng bộ, phát triển phương tiện giao thông công cộng, thực hiện đồng bộ, nhanh chóng việc di dời công trình, trụ sở, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức giao thông của người dân.

Trả lời chất vấn liên quan đến vấn đề này trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu: "Trong thời gian qua, tình trạng ngập úng ở các đô thị, nhất là những đô thị lớn mặc dù được các địa phương quan tâm nhưng vẫn chưa được giải quyết căn bản, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân".

Theo Bộ trưởng Nghị, có 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: Thứ nhất là do biến đổi khí hậu tự nhiên. 

Nguyên nhân thứ hai do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, công tác xây dựng nhanh chóng, bê tông hóa ngày càng cao dẫn đến thoát nước giảm xuống.

Thứ ba, do công tác quy hoạch còn chưa đảm bảo yêu cầu, chưa đáp ứng đủ tầm nhìn về sự phát triển nhanh chóng của các đô thị. 

Thứ tư, các dự án triển khai theo quy hoạch thoát nước được phê duyệt còn hạn chế. 

Thứ năm, nguồn lực đầu tư đáp ứng hạ tầng đô thị trong đó có giao thông, thoát nước đô thị chưa đảm bảo yêu cầu.

Hà Nội "mưa cũng ngập, không mưa cũng lụt": Tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng lý giải thế nào? - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Chia sẻ về giải pháp giải quyết tình trạng này, ông Nghị cho biết Bộ Xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch bằng cách rà soát, điều chỉnh quy hoạch không còn phù hợp, khả thi.

Trong quy hoạch, cũng sẽ tính tới yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng, kết hợp quy hoạch thủy lợi với đầu tư hệ thống hạ tầng cho đô thị. Bên cạnh đó, ông Nghị nhấn mạnh siết chặt khâu quản lý từ công tác quy hoạch, cấp phép đến thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch.

"Bộ Xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch bằng cách rà soát điều chỉnh quy hoạch, hướng dẫn các địa phương rà soát điều chỉnh quy hoạch không còn phù hợp khả thi.

Trong quy hoạch mới sẽ tính tới yếu tố biến đổi khí hậu, kết hợp với quy hoạch thủy lợi của các vùng lân cận để hoàn thiện quy hoạch. Xác định cao nền khống chế của từng đô thị. Quản lý từ quy hoạch, cấp phép, thanh kiểm tra việc quản lý cao nền đô thị, tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống công trình thoát nước theo quy hoạch triệt để, khắc phục các tình trạng trên", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.

Trong phiên chất vấn chiều 3/11, đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) nêu việc đến năm 2045, Đồng bằng sông Cửu Long cần hoàn thành khoảng 400 km đường cao tốc, tương đương cần 39 triệu m3 cát san lấp, chưa kể các công trình công cộng, dân sinh khác. Vì vậy, nhu cầu cát san lấp là rất lớn, nhưng tiếp tục khai thác sẽ gây sạt lở, sụt lún, bức xúc trong xã hội. Ông đề nghị Bộ trưởng Xây dựng cho biết giải pháp đáp ứng nhu cầu để hoàn thiện các dự án cũng như phương án thay thế cát sông.

Đại biểu Trần Văn Lâm - đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang chất vấn, phát triển đô thị là nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, hiện thực trạng ngập úng đô thị xảy ra ở khắp nơi tương đối cao như Lào Cai, Đà Lạt, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ hay ở Hà Nội mưa là lụt và không mưa cũng ngập.

Bên cạnh đó, tình trạng kẹt xe, tắc nghẽn giao thông do mật độ xây dựng quá cao, không đảm bảo tỷ lệ hạ tầng giao thông với mật độ dân cư. Những vấn đề trên đã xuất hiện từ lâu nhưng ngày càng chậm, chưa thấy hướng ra. Vậy, với trách nhiệm quản lý của ngành trong cái vấn đề quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Bộ trưởng cho biết chủ trương, giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên để phục vụ cho việc xây dựng phát triển đô thị đạt được những cái kết quả tốt hơn trong thời gian tới?

Cùng với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã đề nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải trả lời những câu hỏi trên của đại biểu.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem