Hà Nội: Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh lâm cảnh bần cùng vì bị nợ lương suốt nửa năm

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 18/11/2021 19:16 PM (GMT+7)
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bệnh viện Tuệ Tĩnh tại Hà Nội bị phản ánh nợ lương 160 nhân viên y tế hơn 6 tháng qua.
Bình luận 0

Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị tố nợ lương 160 bác sĩ, nhân viên y tế 6 tháng

Ngày 18/11, trao đổi với PV Dân Việt, chị Đặng Thị Thu Hiền (36 tuổi), công tác tại Khoa Nội, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, đơn vị thuộc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam phản ánh suốt nửa năm qua chị cùng hơn 160 cán bộ bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện chỉ nhận được 50% số lương của mình. Chính vì vậy, cuộc sống của mọi người vô cùng khó khăn, có người thậm chí phải bán rau, quả mưu sinh.

Chị Hiền chia sẻ đã làm tại bệnh viện đến nay 12 năm. Bình thường hàng tháng chị nhận được 6,6 triệu đồng. Thế nhưng, kể từ tháng 5/2021 tới nay, mỗi tháng chị chỉ nhận được 3,3 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi đó, không đủ để cho chị xoay xở sinh hoạt cho bản thân chứ chưa nói đến lo cho gia đình.

Hà Nội: Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh lâm cảnh bần cùng vì bị nợ lương suốt nửa năm  - Ảnh 1.

Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị tố nợ lương 160 bác sĩ, nhân viên y tế 6 tháng qua. Ảnh: Gia Khiêm

"Vợ chồng tôi có 2 con nhỏ, trông chờ vào số lương ít ỏi hàng tháng ấy duy trì cuộc sống. Nhiều đồng nghiệp của tôi lương chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Suốt 12 năm trời gắn bó với nơi đây giờ mà nghỉ việc cũng khó. Chúng tôi đã gửi đơn lên Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam giải quyết nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi gì", chị Hiền chia sẻ.

Cùng cảnh như chị Huyền, trao đổi với PV Dân Việt, chị Lê Thanh Bình (36 tuổi, công tác tại Phòng Tài chính Kế toán, Bệnh viện Tuệ Tĩnh) cho biết, 6 tháng qua cán bộ, y bác sĩ tại bệnh viện đã làm đơn phản ứng việc chỉ nhận được 50% lương. Ban giám đốc Bệnh viện cho biết, trong tháng 6, sẽ thanh toán đầy đủ.

Sau đó, khi nhận thấy không đủ điều kiện tài chính để trả lương đủ 100% cho cán bộ, Ban giám đốc Bệnh viện đã họp với các Tổ trưởng Công đoàn tại bệnh viện Tuệ Tĩnh để đưa ra ý kiến sẽ chỉ trả 50% lương cho cán bộ.

"Chúng tôi đã làm các biên bản để gửi lên Ban giám đốc yêu cầu chi trả 100% lương theo quy định nhưng không được lãnh đạo Bệnh viện phản hồi. Thậm chí, dù chỉ còn 50% lương nhưng trong tháng 10 vừa qua, Bệnh viện cũng không trả đúng hạn. Chỉ đến khi cán bộ, nhân viên phản ứng và có ý định ngừng việc tập thể, thì đến ngày 29/10, Bệnh viện mới chi trả lương. 

Vợ chồng tôi có 3 con nhỏ, chồng tôi làm nghề lái xe công việc cũng ảnh hưởng mấy tháng nay. Cả gia đình 5 người trông chờ vào đồng lương 4,8 triệu nay giảm xuống một nửa. Mức thu nhập đó không đảm bảo cuộc sống tối thiểu nhưng so với nhiều người khác ở đơn vị vẫn cầm cự được vì hai bên ông bà nội ngoại giúp đỡ. Thêm nữa có nhà cửa rồi nên cũng đỡ. Nhiều đồng nghiệp của tôi phải thuê nhà hay cách bệnh viện mấy chục km mới khổ. Không thể tin được bệnh viện ngay giữa thủ đô mà lại xảy ra tình trạng này", chị Bình nói.

Lý giải về nguyên nhân, theo chị Bình, trong một cuộc họp giao ban gần đây, Ban giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh thông báo thời điểm hiện tại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chưa tìm nguồn thu, vì vậy chưa có tiền để trả lương tháng 11/2021 cho người lao động.

"Một phần là do dịch, bệnh viện không có nguồn thu, phần khác, từ năm 2019, Ban giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh tự ý xin chủ trương từ bệnh viện công sang tự chủ. Chính vì thế 100% nguồn thu và hỗ trợ từ lượng bệnh nhân đến khám. Tuy nhiên, Tuệ Tĩnh nếu xét về năng lực sẽ không đáp ứng đủ điều kiện để tự chủ, nếu cứ tình trạng dịch bệnh này diễn ra, lượng bệnh nhân không có thì cán bộ, nhân viên y tế của chúng tôi sẽ sống như thế nào với đồng lương ít ỏi này", chị Bình suy nghĩ.

Bị nợ lương, nữ điều dưỡng của bệnh viện Tuệ Tĩnh bán rau mưu sinh

Chị Lê Thanh Huyền (điều dưỡng của khoa Phụ Sản) nhiều ngày nay phải bán thêm kiếm thêm thu nhập. Chị Huyền cho biết, bất đắc dĩ mới phải làm công việc này, với số lương ít ỏi chỉ được 2,3 triệu mỗi tháng như hiện tại, chồng chị không có việc làm, 2 người con đang tuổi ăn tuổi học. Tiền nhà, tiền điện, tiền sinh hoạt, tiền ăn đều phụ thuộc vào thu nhập của chị. 

Hà Nội: Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh lâm cảnh bần cùng vì bị nợ lương suốt nửa năm  - Ảnh 2.

Chị Lê Thanh Huyền (điều dưỡng của khoa Phụ Sản) nhiều ngày nay phải bán thêm kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Gia Khiêm

"Hiện công việc bán rau là nghề chính của gia đình, cũng không biết với tình trạng kéo dài như vậy, gia đình tôi sẽ phải sống như thế nào", chị Huyền nói.

"Trước khi có dịch Covid-19, từ năm 2019, sau khi bệnh viện xin cơ chế tự chủ, chúng tôi bị cắt hết thưởng chỉ để lại mỗi lương, là chúng tôi đã thấy khốn đốn lắm rồi. Nhưng hiện tại, dịch bệnh khiến chúng tôi càng lâm vào bần cùng hơn. Nhiều người còn phải chạy grab và ship hàng, cứ thế long đong, lận đận 6 tháng qua", chị Huyền nói.

Hằng ngày cứ sau 17h chiều tan ca làm tại bệnh viện, chị Huyền sẽ ra chỗ bán để ngồi bán rau tại phố Phan Đình Giót, quận Hà Đông, Hà Nội. Hàng hóa được chồng chị về quê tại Chương Mỹ từ sáng sớm, lấy của gia đình và một phần của anh em, người thân chở lên. Hàng hóa bao gồm rau, bưởi, trứng, nem chua, giò... Sau đó, chồng chị sẽ về lo cơm nước và dạy 2 con học bài, khoảng 19-20h thì lại ngược 4km lên với chị và giúp chị dọn hàng.

Ngồi nhẩm tính số tiền phải chi cho một tháng, chị cho biết, mỗi tháng tiền nhà và điện nước đã hết gần 4 triệu, tiền ăn xăng xe và điện thoại cũng rơi vào tầm 6 triệu/tháng. Trong khi đó, còn chưa kể tiền học cho 2 con nhỏ,… Nghĩ đến số tiền ấy, chị Huyền lại thở dài.

"Đầu tháng 10 vừa qua, vì không thể xoay xở, vay mượn của ai thêm nữa, tôi đã phải vay ngân hàng 50 triệu để chi trả cho việc sinh hoạt của 4 người trong gia đình. Sợ rằng hết số tiền này, 2 vợ chồng không biết sẽ tính kế gì tiếp. Bởi tiền lương cùng tiền lãi bán rau chỉ đủ cho tiền nhà và tiền xăng xe, các khoản còn lại không còn cách nào, phải đi vay để chi trả thêm", chị Huyền nói. 

Chị Huyền cũng cho biết, chị cùng mọi người đã nhiều lần làm đơn lên ban lãnh đạo cùng Bộ Y tế về việc xin quay lại cơ chế nhà nước thay vì cơ chế tự chủ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết. Cán bộ, nhân viên y tế vẫn phải chấp nhận việc thu nhập không đúng như hợp đồng đã ký. Như vậy không công bằng cho mọi người. Chị Huyền mong rằng, thời gian tới tình trạng của chị và mọi người tại bệnh viện Tuệ Tĩnh sẽ được giải quyết nhanh chóng, để mọi người được trở về cuộc sống bình thường như trước kia. 

Cũng như chị Huyền, chị Hiền mong muốn Bệnh viện Tuệ Tĩnh trở lại như cũ, được quyền lợi của mình và nhận được lương 100%, không mơ ước gì hơn để đảm bảo cuộc sống bình thường.

Hiện tại, tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã gửi đơn kiến nghị đến các các bộ, ban, ngành, trong đó có Bộ Y tế với mong muốn được cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ quyền lợi cho người lao động. 

Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã có một đoàn công tác tới làm việc với Bệnh viện Tuệ Tĩnh sau khi nhận được đơn thư của tập thể cán bộ, nhân viên bệnh viện. Bộ Y tế cũng đã có công văn trả lời về vấn đề này. 

"Do bệnh viện trực thuộc quản lý của Học viện, do vậy, những vấn đề khúc mắc của nhân viên trong bệnh viện, lãnh đạo của Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam phải có trách nhiệm trả lời rõ cho nhân viên. Về phía Bộ Y tế đã làm việc với bệnh viện, có biên bản kết luận rõ vấn đề này", vị lãnh đạo này cho hay.

PV Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem