Hà Nội: Thực khách tấp nập ghé cửa hàng chay dịp đầu năm chuẩn bị đón rằm tháng Giêng

Trung Hiếu - Thùy Anh Chủ nhật, ngày 18/02/2024 10:52 AM (GMT+7)
Tại Hà Nội, các cửa hàng bán đồ ăn chay hầu như đều đã mở cửa để đón lượng khách đông đúc dịp đầu năm mới. Những mâm cỗ chay được nhiều khách hàng đặt mua từ sớm để “đón” rằm tháng Giêng sắp tới.
Bình luận 0

Hà Nội: Thực khách tấp nập ghé cửa hàng chay dịp đầu năm. Clip: Trung Hiếu.

Nhà hàng chay chật kín chỗ dịp đầu năm

Những ngày đầu năm Giáp Thìn 2024, trong khi nhiều hàng ăn vẫn “cửa đóng then cài” do nhu cầu ăn uống của người dân Thủ đô chưa cao thì nhiều quán ăn chay đã mở cửa phục vụ khách từ sớm.

Cửa hàng chay của chị Đỗ Thị Dung trên đường Nguyễn Cơ Thạch (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tấp nập khách ra vào từ trưa tới tối. Chị Dung cho biết, năm nay, quán của chị đã “khai xuân” từ mùng 8 Tết để phục vụ thực khách. Người phụ nữ 45 tuổi tiếp lời: “Hai năm nay tôi đều mở hàng vào ngày mùng 8. Số lượng khách đến trong thời gian này gấp 2 lần so với ngày thường. Nếu không đặt chỗ trước, nhiều người phải chờ từ 30 phút đến 1 tiếng để được dùng bữa”.

Theo chị Dung, số lượng khách đến ăn chay trong thời gian này gấp 2 lần so với ngày thường. Ảnh: Trung Hiếu.

Theo chị Dung, số lượng khách đến ăn chay trong các ngày tháng Giêng gấp 2 lần so với ngày thường. Ảnh: Trung Hiếu.

Theo quan sát của phóng viên Dân Việt, vào giờ cao điểm, ghế ngồi tại cửa hàng chỉ còn lác đác vài chỗ trống. Khách hàng ở đây bao gồm cả người cao tuổi, nhân viên văn phòng, sinh viên và những bạn nhỏ đi cùng bố mẹ... Hầu hết các “thượng đế” đều chờ dùng bữa trực tiếp tại nhà hàng.

Dự đoán trước cảnh đông đúc tại nhà hàng chay những ngày đầu năm mới, chị Nguyễn Thị Phương Lan (54 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phải đặt bàn tại quán trước một hôm để yên tâm cùng gia đình tới ăn trưa. Chị Lan cho hay: “Ngày Tết gia đình tôi ăn đồ mặn nhiều rồi, đầu năm thì cả nhà muốn ăn chay cho thanh đạm. Tôi thấy việc ăn chay rất tốt cho sức khỏe, làm cho cơ thể mình nhẹ nhõm. Với mức giá 150.000 đồng/người cho mỗi lần ăn buffet chay, tôi thấy khá hợp lý”.

Vừa dùng bữa, chị Lan vừa ngỏ ý mời cả gia đình tiếp tục đi ăn chay vào ngày rằm tháng Giêng năm nay. Chị hào hứng chia sẻ với phóng viên: “Nhà tôi từ người già tới người trẻ đều thích ăn chay, sinh nhật ai cũng ra hàng chay tổ chức. Ngoài gia đình, tôi cũng thường rủ anh chị em thân thiết ở cơ quan đi ăn chay ít nhất 1 lần/tháng, riêng tháng Giêng này tôi quyết phải “lên lịch” nhiều hơn”.

Các khách hàng trung niên thường ưa chuộng các món cuốn và salad chay. Ảnh: Trung Hiếu.

Các khách hàng trung niên thường ưa chuộng các món cuốn và salad chay. Ảnh: Trung Hiếu.

Chỉ vào thực đơn với các món ăn được xây dựng theo phong cách ba miền, chị Dung tâm sự: “Mỗi hôm, nhà hàng phục vụ cố định từ 75 - 80 món chay. Những ngày đầu năm mới công việc bận rộn, số lượng nhân viên phục vụ không bao giờ dưới 30 người. Tôi để ý rằng nếu một gia đình đông người tới dùng bữa thì trẻ em sẽ rất thích các món chiên, nướng ví dụ như mỳ Ý, pizza... Người lớn lại muốn thưởng thức đồ cuốn, salad hoặc các món truyền thống như bánh đúc nóng, bánh đa kê…”.

Chia sẻ về lý do đi ăn chay dịp đầu năm, chị Nguyễn Huyền Trang (32 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) niềm nở: “Trước đây, có hơn một tháng mình từng ăn chay trường, trong thời gian đó, mình cảm thấy sức khỏe của mình tốt hơn, da cũng đẹp hơn và đặc biệt trong mình có một nguồn năng lượng kiểu từ bi lan tỏa ra nên mình rất thích ăn chay và mình lựa chọn ăn chay vào đầu năm để năng lượng tích cực đó sẽ theo mình trong cả một năm tới”.

“Tới dùng bữa, mình được gặp rất nhiều người trong cộng đồng ăn chay, mình cảm nhận mọi người đều có trường năng lượng rất thiện lành để có thể hỗ trợ và giúp đỡ nhau, hay là lan tỏa những giá trị tích cực đến với cộng đồng ăn chay”, chị Trang nói thêm.

Mâm cỗ chay đắt hàng “đón” rằm tháng Giêng

Những ngày cao điểm, anh Phạm Thanh Tùng - chủ cửa hàng chay trên đường Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) phải thuê trên dưới 10 nhân viên để đáp ứng số đơn đặt hàng của khách. Mở hàng từ mùng 6 Tết, anh Tùng cho biết, trung bình một ngày, cửa hàng của anh phục vụ từ 30 - 40 suất cơm chay cho khách hàng. Thời gian còn lại, toàn bộ nhân lực sẽ tập trung nấu các mâm cỗ chay đã được các “thượng đế” yêu cầu.

Ngoài việc ăn trực tiếp tại quán, nhiều "thượng đế" đặt mua các suất đồ ăn chay về nhà thưởng thức. Ảnh: NVCC

Ngoài việc ăn trực tiếp tại quán, nhiều "thượng đế" đặt mua các suất đồ ăn chay về nhà thưởng thức. Ảnh: NVCC

“Ví dụ như ngày mai bên mình cũng phục vụ khoảng hơn 10 mâm, chủ yếu là các mâm để mọi người cúng gia tiên, mừng thọ... Đầu năm, nhiều nơi tổ chức các hội làng, họ cũng đặt mâm cỗ chay để cúng. Thời gian cao điểm làm việc bên mình sẽ rải rác từ giờ cho đến hết tháng Giêng”, anh Tùng nói thêm.

Chia sẻ về mức giá của các mâm cỗ chay, anh Tùng cho hay: “Có ba mức giá: 500.000 đồng, 750.000 đồng hoặc 1 triệu đồng cho một mâm cỗ chay bên mình. Đa phần, mọi người có nhu cầu đặt những mâm 500.000 đồng, còn lại những mâm có các thực phẩm đặc biệt hoặc khó tìm sẽ có mức giá cao hơn. Thông thường, việc chế biến những mâm cỗ chay không phức tạp như là chế biến mâm cỗ “mặn”, cho nên khách có thể đặt hàng trong ngày. Trong khoảng 2 tiếng, bên mình đã có thể hoàn thiện một mâm cỗ chay theo yêu cầu”.

Theo anh Tùng, tháng Giêng đông khách, giá cả các món chay tại cửa hàng của anh có mức giá “nhỉnh” hơn so với ngày thường một chút do giá thực phẩm đầu vào tăng và các chi phí phát sinh đi kèm đều tăng cao: “Nhà hàng vẫn đảm bảo khoảng giá không tăng quá 10%. Bên cạnh các mâm cỗ chay, nhà hàng mình còn bán cơm chay theo suất và thực phẩm chay”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem