Trung Hiếu - Thùy Anh
Thứ sáu, ngày 16/02/2024 06:00 AM (GMT+7)
Đầu năm, những cành lê rừng Tây Bắc “chen nhau” xuống phố Hà Nội. Ít tiền, nhiều người dân vẫn sẵn sàng chi tiền triệu cho thú chơi này để trưng bày trong gia đình hết tháng Giêng.
Sau Tết, hoa lê rừng Tây Bắc đắt khách ở Thủ đô. Clip: Trung Hiếu.
Đầu năm, cành lê rừng "chen nhau" xuống phố ở Thủ đô
Những gốc lê rừng to, xù xì, rong rêu… đồng loạt xuống phố, khoe sắc hoa trắng muốt tinh khôi là hình ảnh quen thuộc, xuất hiện trên tuyến đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) mỗi dịp đầu năm mới.
Từ 6 năm nay, đã thành thông lệ, cứ đầu năm mới, bà Nguyễn Thị Minh (58 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) lại tất tả lên Lai Châu lựa mua những cành lê về bán. Bà Minh chia sẻ: “Năm nay tôi mở hàng từ mùng 4 tháng Giêng. Bán được vài ngày thì tôi thấy lượng khách năm nay cũng đông nhưng vắng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nào cũng vậy, trước ngày 20 tháng Giêng thì lượng khách sẽ đông, còn từ ngày 20 trở đi là sức bán ít dần, đến tầm mùng 6 tháng 2 âm lịch thì tôi sẽ dọn hàng về”.
Bà Minh cho biết, mỗi cành hoa lê có giá dao động từ 100.000 đồng đến 5 triệu đồng, tùy vào kích thước, thế cành. Người phụ nữ 58 tuổi nhấn mạnh: “Đầu năm như thế này thì tôi chưa bán được cành to nhiều đâu, các cành có giá từ 500.000 - 700.000 đồng là dễ bán nhất trong thời gian này”.
Bà Minh tâm sự, khi kinh doanh bà luôn mong muốn hàng của mình sẽ “buôn may bán đắt”, nhưng trong trường hợp “hết vụ” mà cây còn tồn, bà đành “dùng chiêu” bán đại hạ giá. “Nếu bán giá rẻ như thế thì mình sẽ bị lỗ vốn ấy, nhưng mà đến cuối cùng khi không có người chơi nhiều nữa thì lỗ cùng đành phải bán để còn dọn hàng đi về thôi chứ biết làm sao”.
Trước Tết bán đào, sang tháng Giêng lại đi bán lê rừng, bà Minh trò chuyện với phóng viên bằng giọng trầm buồn: “Khi người ta đi du xuân thì mình vất vả ở ngoài đường. Nghĩ thì tôi cũng hơi buồn một chút, nhưng mà vì không muốn làm gánh nặng cho con cái và muốn có thêm thu nhập đỡ đần con cháu nên tôi phấn đấu lao động cật lực những ngày này, xong rồi hết thời gian đi chợ thì tôi lại đi chơi sau”.
Chia sẻ về thu nhập bán lê rừng đầu năm, bà Minh nhẩm tính: “Có năm được nhiều thì tôi lãi khoảng 50 - 70 triệu đồng, còn ít thì được độ 20 - 30 triệu đồng. Không chỉ người dân Thủ đô mà nhiều khách hàng ở các tỉnh lân cận cũng đổ về khu vực đường Lạc Long Quân để chọn mua hoa lê rừng ngày đầu năm”.
Ít tiền, người dân sẵn sàng bỏ tiền triệu mua hoa lê rừng về chơi rằm tháng Giêng
Hào hứng dạo quanh các điểm bán lê rừng trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ) để lựa được cành hoa phù hợp nhất, anh Nguyễn Hồng Nam (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, thói quen chơi lê rừng sau Tết đã được gia đình anh duy trì từ nhiều năm nay. “Đầu năm mới, tôi thường lên khu vực hồ Tây để tham quan, vãn cảnh và mua các cành lê về chơi rằm tháng Giêng. Năm nay, giá hoa lê cũng không chênh lệch nhiều so với năm ngoái”.
Khi được hỏi về tiêu chí lựa chọn cành lê rừng, anh Nam tỉ mỉ cho hay: “Tôi thích những cành già, nhiều lộc, nhiều nụ và dáng nó phải thoát, nhìn vào là thấy vẻ thanh thoát, biểu trưng cho sự phát triển, vươn lên. Việc chọn cây thì giá cả là một phần nhưng mà quan trọng nhất là kiểu dáng cây phải phù hợp với không gian nhà mình nữa”.
Chị Đào Thị Kiều Oanh (Hoài Đức, Hà Nội), một người sành chơi lê rừng chia sẻ: “Như hàng năm mình chơi lê rừng phải đến gần hết tháng giêng, khi cành lê bắt đầu tàn thì mình lại bắt đầu chơi các cái lộc. Lộc lá của lê rừng khi nhìn vào sẽ mang tới cảm giác dễ chịu. Những gốc hoa lê càng sống ở núi cao, gốc cổ thụ, to, xù xì, rong rêu… càng có giá trị lớn và càng hút mắt”.
Theo chị Oanh, những năm trước, tới mùng 9 Tết chị mới đi lựa chọn lê rừng để chơi rằm tháng Giêng, tuy nhiên năm nay do có thời gian rảnh nên chị tranh thủ cùng chồng đi mua sớm hơn. “Đầu năm, mình đi cùng với chồng để chọn cành hoa theo sở thích của gia đình thì mình thấy rất thanh bình, nhẹ nhàng và hạnh phúc. Trong Tết chơi đào và mai còn ra Tết lại chơi lê rừng khiến cả tháng Giêng cứ bước chân về nhà là mình cảm thấy an yên, tràn ngập không khí mùa xuân”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.