Thị trường chứng khoán ở Việt Nam thời gian gần đây có nhiều biến động mạnh. Các nhà đầu tư đang rơi vào cảnh thua lỗ, đây chính là yếu tố để các đối tượng lừa đảo lợi dụng để chiếm đoạt hàng tỷ đồng mỗi người.
Hàng loạt nhà đầu tư chứng khoán bị lừa tiền tỷ.
Lợi nhuận cao bất ngờ, có giao dịch T+0
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, anh Đoàn Mạnh Hải (tên nhân vật được thay đổi - PV) cho biết: “Từ cuối tháng 4/2022, tôi nhận được một cuộc điện thoại của một người lạ tự giới thiệu bên sàn chứng khoán MB. Thời điểm đó, thị trường chứng khoán hỗn loạn, các mã chứng khoán giảm giá mạnh khiến nhà đầu tư thua lỗ. Nắm bắt thông tin đó, nhân viên này đã mời tôi tham gia vào một nhóm trên Telegram. Ở đây, chúng tôi được chia sẻ video giới thiệu hướng dẫn đầu tư hiệu quả hơn”.
Cũng theo chia sẻ của chị Nguyễn Mỹ Hạnh (tên nhân vật được thay đổi - PV) - một nhà đầu tư khác cho biết, ban đầu chúng tôi không quan tâm đến video của người tự xưng là thầy nói trên video đó. Tuy nhiên, không hiểu một thời gian sau bỗng dưng lại nghe và dần có lòng tin hơn.
Mỗi nhóm mà các đối tượng lừa đảo thêm nhà đầu tư vào sẽ có một nhân viên chăm sóc, hướng dẫn hàng ngày để mua những mã chứng khoán có lãi cao. Tất cả giao dịch mua bán cổ phiếu phải nghe theo lời của nhân viên chăm sóc này để có mức lãi tối đa đến 600%. Chính điều này đã đánh vào lòng tham của các nhà đầu tư để họ bỏ tiền ra mua các mã chứng khoán.
Theo đó, mỗi người sẽ được cấp một tài khoản đăng nhập vào ứng dụng StockX và ban đầu sẽ được tặng 1 triệu đồng để giao dịch.
Sau một thời gian, ngày nào cũng nghe những “bài giảng” về đầu tư chứng khoán tại sàn StockX, các nhà đầu tư đã dần “ngấm” và muốn nhận được lãi cao nên đã đầu tư.
“Ban đầu, tôi không quan tâm, nhưng ngày nào cũng được nhân viên chăm sóc nhắn tin, gọi điện và được xem video hướng dẫn đầu tư. Do đó, không biết mình đã tin tưởng từ bao giờ, như bị che mắt mà quyết định đầu tư với số tiền ban đầu là 50 triệu đồng. Càng tin tưởng hơn khi thời gian đầu, tôi đầu tư đều có lãi và có thể rút tiền đó ra, nhưng không được rút hết mà chỉ khoảng 30% giá trị”, chị Hạnh nói thêm.
Đặc biệt, các mã chứng khoán trên StockX đều hiển thị biến động về giá như trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam chính thống nên càng tin tưởng hơn. Hơn nữa, giá mua các mã chứng khoán đều rẻ hơn đến một nửa so với các sàn khác nên lòng tham của các nhà đầu tư càng trỗi dậy.
Bên cạnh lợi nhuận cao, mua vào giá rẻ hơn nhiều so với thị trường, nhân viên chăm sóc ở nhóm Telegram của StockX còn cam kết T+0, tức giao dịch mua bán trong ngày để thu lợi nhanh hơn.
“Đúng như cam kết của nhân viên StockX, nếu mua cổ phiếu lúc 14h30 thì có thể bán được ngày và bán xong, nếu cổ phiếu đó bị giảm thì mình có thể mua lại được luôn và bán luôn trong ngày nếu nó tăng giá trở lại", chị Hoàng Khánh Linh, một nhà đầu tư khác chia sẻ.
Việc giao dịch T+0 của sàn StockX là bất thường bởi theo quy định của Luật Chứng khoán hiện hành chỉ cho phép các nhà đầu tư được bán cổ phiếu theo chu kỳ T+3 trên thị trường chứng khoán cơ sở, hiểu đơn giản là khi mua vào, người chơi sẽ phải đợi 3 ngày sau mới được bán mã cổ phiếu đó.
Mặc dù các nhà đầu tư đều biết quy định đó, nhưng nhân viên StockX cho biết họ là 1 quỹ có tên là Sequoia. Quỹ này có đang nắm giữ số lượng cổ phiếu lớn nên có thể giao dịch T+0 như vậy. Thực tế, mấy ngày đầu tiên, các nhà đầu tư giao dịch trong ngày được nên họ càng tin tưởng sàn StockX.
Thủ đoạn lừa đảo tinh vi, ứng dụng “ảo” lộ diện
Đối với những sàn giao dịch chính thống được cấp phép, người dùng có thể tải app trên kho ứng dụng Apple Store hoặc Google Play. Tuy nhiên, StockX chỉ là vỏ bọc của app khi để tải, nhà đầu tư sẽ được nhân viên gửi một đường link riêng.
StockX (bên trái) đã ngừng hoạt đồng thay tến bằng ứng dụng "ảo" APPE (bên phải). Ảnh KP.
Khi đã tải xong, người dùng có thể truy cập bình thường vào app “ảo” này để tham gia sàn chứng khoán StockX của các đối tượng lừa đảo. Ở đây, nhà đầu tư sẽ thấy mọi chức năng giống hệt các sàn chứng khoán trước đây họ từng tham gia. Do đó, các nhà đầu tư không chút nghi ngờ mà trao niềm tiên cho StockX.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Dân Việt, thực chất đây không phải ứng dụng mà chỉ là một địa chỉ website được đánh dấu trang và hình thức hoạt động như app. Đối với các ứng dụng thông thường, người dùng khi thao tác chỉnh sửa trên điện thoại sẽ có tùy chọn xóa ứng dụng, nhưng với StockX thi chỉ hiển thị “Xóa dấu trang”.
Theo các chuyên gia công nghệ, đây là một hình thức tinh vi nhằm lừa đảo người dùng để họ tải dấu trang như ứng dụng và sử dụng mà không hề hay biết. Các đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết của nhà đầu tư để tạo một địa chỉ website như ứng dụng gây nhầm lẫn và tạo sự tin tưởng.
Được biết, ứng dụng “ảo” StockX chưa được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, đồng nghĩa việc ngang nhiên hoạt động như hiện nay là trái phép.
“Hiện nay, chúng tôi không thể vào được StockX và báo lỗi 504. Để tiếp tục lừa những nhà đầu tư khác, hiện đường dây lừa đảo này vẫn đang tiếp tục hoạt động như với cái tên APPE và ảnh đại diện bên ngoài cũng được thay đổi. Tuy nhiên, thực chất các thức hoạt động, giao diện bên trong phần mềm “ảo” này không thay đổi so với StockX trước đây. Điều này đủ để thấy sự tinh vi của các đối tượng lừa đảo”, anh Hải khẳng định.
Sự thật phơi bày
Sau một thời gian đầu tư và thấy có lãi đủ nhiều, các nhà đầu tư muốn dừng “cuộc chơi” bằng việc rút tiền từ tài khoản ra. Tuy nhiên, sự thật bất ngờ đã phơi bày và các đối tượng lừa đảo đã lộ bộ mặt thật.
“Ngày 22/6/2022, khi tôi bán hết các cổ phiếu chứng khoán đã mua trước đó để rút tiền ra. Thế nhưng, nhân viên của sàn StockX bắt nhà đầu tư phải nộp 30% phí trên tổng lợi nhuận hiện có trong tài khoản. Thấy có phần vô lý nên tôi và mọi người kêu gọi nhau không nộp thêm bất cứ đồng nào bởi mọi người đã dồn hết tiền vào đấy rồi, thậm chí đi vay để dồn đầu tư nên bây giờ không có tiền nộp thêm nữa. Vẫn có trường hợp nhà đầu tư như tôi đi vay nóng để nốp 30% đấy và cũng mất luôn khi chúng khóa tài khoản, chấm dứt mọi hoạt động”, chị Hạnh chia sẻ.
Rất nhanh chóng, nhân viên chăm sóc của sàn chứng khoán “ảo” này ngay lập tức đe dọa, thách thức để nhà đầu tư lo sợ, hoang mang nhằm nghe theo lời các đối tượng lừa đảo này.
“Khi chúng tôi yêu cầu cắt 30% trong tổng số lãi đó, tức chỉ nhận 70% thì nhân viên chăm sóc không đồng ý. Bạn nhân viên này nói thêm, trong thời gian này rất nhạy cảm nên nếu chị không hợp tác (nộp 30% tổng lãi) thì tài khoản sẽ bị khóa. Cao tay hơn, chúng dùng “chim mồi” là những người giả danh nhà đầu tư đã có lãi và rút được tiền để nhắn tin trên zalo khuyên chúng tôi nộp 30% theo quy định. Thậm chí, tôi nhất quyết không nộp tiền, người này còn dọa sẽ mời luật sư để làm việc”, chị Hạnh nói thêm.
Sau khi nhận ra mình đã bị lừa, các nhà đầu tư đã cùng nhau làm đơn tố giác tội phạm gửi đến cơ quan công an. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng, những nhà đầu tư này vẫn chỉ nhận được câu trả lời của công an rằng đã tiếp nhận sự việc chứ chưa có hướng giải quyết.
Rõ ràng, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nhưng đến nay những đối tượng của đường dây này vẫn đang nhởn nhơ hoạt động lừa đảo để tiếp cận những nhà đầu tư với số tiền thu lợi bất chính để lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.