“Hoang mang không hề nhẹ” khi “làm cỗ nhà nghèo” đãi bạn đọc báo điện tử Dân Việt
Chúng tôi từng “hoang mang không hề nhẹ” khi bắt tay “làm cỗ” đãi bạn đọc báo điện tử Dân Việt
Nguyễn Công
Thứ bảy, ngày 18/05/2024 12:57 PM (GMT+7)
Khối nội dung chủ đạo, mang tính bản sắc của Báo điện tử Dân Việt là mảng thông tin về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vậy, người làm báo "chuyên canh" ở "cánh đồng nội dung", những "đầu bếp" tham gia làm "mâm cỗ thông tin" với những chuyện phân tro, giống má; lúa, lang, lạc, lợn làm thế nào để thu hút được bạn đọc?
Tôi vẫn còn cảm nhận được một trạng thái tâm lý "thủng thẳng" yên tâm của mình trong thời kỳ phát triển của báo giấy Nông thôn ngày nay khi lượng phát hành của tờ báo nằm trong top đầu của làng báo Việt Nam. Đó là đầu những năm 2000. Kết quả phát hành của tờ báo là sự sáng tạo, nổ lực hết mình của Ban Biên tập, của mỗi đơn vị, cá nhân người làm báo Nông thôn ngày nay.
Sau một buổi chiều đầu mùa thu năm 2003, tại trụ sở của một xã vùng sâu của tỉnh Lào Cai, cảm giác yên tâm về số lượng phát hành Báo Nông thôn ngày nay càng được củng cố. Đó là một buổi chiều ở xã Mường Cang của huyện Than Uyên, tỉnh Lào Cai (huyện này sau đó đã chuyển và trở thành một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Lai Châu tháng 11 năm 2003).
Khi thảo luận với nhóm phóng viên, cán bộ tín dụng chính sách về cách giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn sử dụng vốn vay hiệu quả, ông Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Cang đã nói rằng, có mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp, hiệu quả thì bà con mới dám vay vốn. Chứ không có mô hình thì bà con chả dám vay vốn, nếu vay về mà không sử dụng thì khéo cục tiền vốn lại nằm đâu đó trong nhà, thậm chí nằm trên mái nhà như câu chuyện hài hước vẫn thường nghe kể.
Các mô hình chăn nuôi, trồng trọt được Hội Nông dân xã Mường Cang sưu tầm từ các báo, trong đó chủ yếu khai thác từ Báo Nông thôn ngày nay.
Đi theo tiễn đoàn công tác, trên con dốc còn lởm chởm đá, ông Chủ tịch Hội Nông dân xã đã tìm gặp tôi và nói một câu mà đến nay tôi vẫn còn nhớ được cảm giác "sung sướng". Ông nói đại ý, Báo Nông thôn ngày nay nội dung rất hay, cần thiết với nông dân, nông thôn, nhất là những địa phương vùng cao, miền núi.
Tất cả các bài về hoạt động Hội Nông dân, bài về Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đều được bộ phận chức năng, trong đó có Hội Nông dân xã tham gia sưu tập rồi đọc trên Đài truyền thanh xã cho dân tất cả các thôn, bản nghe được. Riêng các bài về các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tốt, phù hợp với điều kiện của địa phương được đọc đi đọc lại nhiều lần trên Đài truyền thanh xã.
"Đó là cách chúng tôi hỗ trợ bà con có nhiều lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp, từ đó họ mạnh dạn vốn vay tín dụng chính sách. Có mô hình tham khảo thì vốn tín dụng chính sách bà con vay mới phát huy được hiệu quả. Tôi đề nghị Báo Nông thôn ngày nay, khi viết về các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thì nên viết thêm số điện thoại của họ để những người như chúng tôi có cái để mà liên lạc, tìm hiểu, nếu cần và gần thì chúng tôi tổ chức cho nông dân đến tham quan, học hỏi…".
Phóng viên Huỳnh Xây (Văn phòng đại diện Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt khu vực ĐBSCL) là một trong những nhà báo năng nổ, yêu thích mảng thông tin, truyền thông về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt. Ảnh: HX.
Buổi chiều bảng lảng sương ở xã miền núi của tỉnh Lào Cai ấy tôi có một tâm trạng tốt, thực sự vui, bởi có những "món ăn" trên "mâm cỗ" thông tin của Báo Nông thôn ngày nay thực sự đến đúng đối tượng bạn đọc và được đón nhận một cách trân trọng, hào hứng, ý nghĩa.
Điều này cũng phản ánh tích cực như một dẫn chứng sống về kết quả của các cuộc khảo sát nhu cầu bạn đọc mà cứ dăm ba năm Báo Nông thôn ngày nay lại tổ chức một lần ở các quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Đó là mảng thông tin về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam luôn nhận được những tích đánh dấu lựa chọn của bạn đọc.
Vụ khủng bố 11/9 và cái nhìn về báo in với báo điện tử
Trước ngày lực lượng khủng bố Al-Queda cướp may bay lao thẳng vào tòa tháp đôi tại TP New York (Hoa Kỳ) sáng ngày 19/11/2002, chúng tôi bắt đầu học bài đầu tiên của môn: Báo chí điện tử.
Vụ khủng bố tàn khốc này cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người Mỹ gây chấn động toàn thế giới, làm đảo lộn hoạt động sản xuất báo của nhiều tờ báo có lượng phát hành lớn tại Việt Nam.
Hai chiếc máy bay thương mại do lực lượng khủng bố chiếm quyền điều khiển đâm vào tòa tháp đôi lúc 8h46 phút ngày 19/11/2002 giờ Hà Nội thì ngay lập tức một số tờ báo lớn của Việt Nam bắt tay ngay vào việc sản xuất số báo "đúp".
Nghĩa là, ngoài số báo chính đã phát hành từ ít nhất trước 5h30 sáng, thì các báo khẩn trương làm tiếp một số báo khác mà nội dung chỉ đề cập, thông tin về vụ khủng bố ở nước Mỹ.
Số báo "đúp" này của các báo bán đắt như tôm tươi. Tan học buổi sáng, mấy đứa sinh viên chúng tôi ra phố tìm báo mua thì đã hết. Các đại lý bán báo còn photo số báo đó rồi mang đi bán với giá về sau còn đắt hơn số báo "đúp" xuất bản bởi một số tờ báo lớn.
Sinh viên chúng tôi lên lớp mà trong lòng cũng "hoảng loạn" bởi sự khủng khiếp, mức độ tàn khốc, tàn bạo của vụ khủng bố ở bên kia đại dương.
Khi biết chuyện khan hiếm số báo "đúp" viết về vụ khủng bố ở nước Mỹ, đến các bản photo của số báo "đúp" cũng khan hiếm, thầy giáo môn Báo chí điện tử đã nói với chúng tôi: Các bạn ra ngay quán internet, vào mạng đọc báo điện tử, thông tin, hình ảnh về vụ khủng bố rất nhiều. Bạn nào biết, sử dụng tiếng Anh tốt là một lợi thế, thông tin tràn ngập.
Tôi đã ra mấy quán internet ở đường Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) truy cập vào các báo điện tử Việt Nam mà hồi bấy giờ số lượng còn khá ít ỏi. Tôi vào cả website của một số tờ báo lớn quốc tế nổi tiếng trên thế giới theo cách hướng dẫn của thầy giáo bộ môn Báo chí điện tử. Mặc dù trình độ tiếng Anh của mình còn sơ khai, nhưng đọc, xem theo kiểu "nghe nhạc hiệu đoán chương trình" cũng hiểu thêm ít nhiều về vụ khủng bố kinh hoàng tại nước Mỹ lúc bấy giờ.
Nhắc lại chuyện này, tôi muốn nói, tại một thời điểm, cùng một sự kiện như vụ khủng bố 11/9 ở thủ đô nước Mỹ, báo in đã thể hiện vai trò vượt trội. Nhưng báo điện tử cũng đã mở ra một quan niệm, lối suy nghĩ mới mẻ đầy sức cuốn hút về tìm kiếm, tiếp cận đại lộ thông tin đối với nhiều người, trong đó có tôi.
Tôi thích đọc báo điện tử, khám phá, tìm tòi thông tin từ báo điện tử từ đó.
Rồi "cơn lốc" mang tên báo điện tử, mạng xã hội ập tới trong bối cảnh bản thân tôi và nhiều phóng viên, biên tập viên của Báo Nông thôn ngày nay chưa được chuẩn bị về tâm thế, kỹ năng làm báo điện tử.
Còn nhớ, vào tháng 5/2014, sau khi "thử cảm giác ăn cơm bụi" tại một tiệm cơm bình dân trong một con hẻm nhỏ ỏ quận 1, TP Hồ Chí Minh, khi đã thưa người, tôi có nói với vợ chồng ông chủ tiệm rằng, đi vòng vòng mấy con phố mà chưa thấy sạp báo nào.
Ông chủ quán cơm nói, hồi giờ báo bán ế ẩm quá nên nhiều sạp đóng cửa. Vô mấy cái chợ lơn lớn may ra có còn sạp báo, mà ở đó trước giờ người ta bán cái khác là chính, bày thêm báo là bán kèm.
Tôi đã đi một lượt 3 chợ là Chợ Bến Thành, chợ Bà Chiểu, chợ Tân Định. Ở đâu cũng nhận được câu trả lời báo ế ẩm nên bỏ luôn khỏi bán. Người ta đang chuyển từ đọc tin tức, xem những câu chuyện từ báo in sang đọc báo điện tử trên điện thoại thông minh thông qua các nền tảng công nghệ và mạng xã hội. Câu chuyện này đã gieo vào lòng tôi một nỗi lo ban đầu còn mơ hồ, sau ngày càng rõ về tương lai của báo in, trong đó có Báo Nông thôn ngày nay nơi tôi đang làm việc.
Lần mò "làm cỗ" phục vụ bạn đọc báo điện tử Dân Việt
Xác định, tương lai của một tờ báo, trong đó có Báo Nông thôn ngày nay sẽ là báo điện tử và kênh phát hành báo điện tử là sự kết hợp của nhiều kỹ năng, thao tác thông qua các nền tảng đọc tin tức, chia sẻ video... Nhưng tôi lại là một trong những phóng viên "đi sau, bước chậm" vào lĩnh vực làm báo điện tử.
Báo điện tử Dân Việt ấn nút xuất bản 8/6/2010. Thời gian đầu, báo điện tử Dân Việt cơ bản chỉ là thao tác chuyển tin, bài từ báo giấy Nông thôn ngày nay lên bản điện tử.
Với tư cách là phóng viên báo giấy Nông thôn ngày nay, trong thời gian này, tôi đã viết và gửi được đăng báo điện tử Dân Việt. Và một số tin, bài, trong đó có 2 tin, bài được Ban Biên tập khen thưởng bởi nằm trong số những tin, bài có lượng đọc cao nhất trong một tuần xuất bản.
Vậy mà, mãi 7 năm sau, cùng với nhiều người khác, năm 2017 tôi mới chính thức tham gia những công việc cụ thể trong quy trình xuất bản báo điện tử Dân Việt.
Thực hiện chế độ sản xuất theo mô hình Tòa soạn hội tụ, nhân lực của Ban Hội và Tam nông, Báo Nông thôn ngày nay/Báo điện tử Dân Việt vừa tổ chức sản xuất, biên tập cho nhiều trang báo giấy, vừa đảm bảo số lượng, chất lượng tin, bài trên báo điện tử.
Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự hoang mang, áp lực khi "ông" Trưởng ban Hội và Tam nông mạnh dạn nhận nhiệm vụ từ Ban Biên tập. Nhiệm vụ đó là: Ban Hội và Tam nông trực tiếp tổ chức sản xuất, biên tập, xuất bản mảng thông tin về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên báo điện tử Dân Việt (tất nhiên, có những tin, bài quyền quyết định biên tập, xuất bản thuộc về Ban Biên tập).
Tôi đã nhiều lần nghĩ, làm báo giống như "làm cỗ" để đãi bạn đọc. Tất nhiên, trong mâm cỗ đó có món này, món kia, mặn, nhạt khác nhau. Nhưng rút cuộc, mâm cỗ đó phải có 1-2 món chủ đạo.
Đối với những tờ báo có tính thị trường cao (bán ra tại các đô thị, thành phố với số lượng lớn) món chủ đạo, "bài đinh" trong mâm cỗ của họ là các vụ án, chuyện "thâm cung, bên lề" của giới showbiz, các câu chuyện xã hội có nhiều ly kỳ, kịch tính mà nhiều người thường gọi là yếu tố "giật gân".
Vậy, tham gia làm mâm cỗ báo điện tử của Dân Việt ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chúng tôi sẽ "sản xuất, chế biến, gia giảm" món gì, như thế nào để thết đãi bạn đọc?
Và liệu mấy món "dưa, cà, mắm, muối kiểu nhà quê dân dã" với những câu chuyện, tin tức xoay quanh "mưa, nắng, phân tro, giống má, lúa, lang, lạc, lợn…" do chúng tôi làm ra có làm bạn đọc để ý, còn đạt đến độ ưa thích thì chúng tôi chưa dám chắc.
Thời thịnh hành báo in, các báo có lượng phát hành lớn ở các sạp và được đội quân bán báo dạo ưa thích chính là những tờ báo mà dân trong nghề gọi là "báo thị trường". Ở đó các câu chuyện, tin tức chủ yếu "hút khách" vẫn là các vụ án, chuyện showbiz, các câu chuyện lạ "giật gân"…
Và thực tế, đã nhiều lần cố gắng đưa báo ra sạp ngoài thị trường tự do, nhưng lượng phát hành của báo giấy Nông thôn ngày nay chỉ là con số khiêm tốn, nếu không muốn dùng từ "thất vọng".
Vậy, chuyển sang làm báo điện tử, ngoài vấn đề nội dung, chúng tôi còn một mối lo khác. Đó là "kênh" phân phối đưa báo điện tử Dân Việt, trong đó có khối nội dung nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến với bạn đọc bằng cách nào? Trong khi đó, việc đưa tin, viết bài về mảng nông nghiệp, nông dân, nông thôn không chỉ có báo điện tử Dân Việt mà còn của cả "một làng báo".
Vậy, cùng "bán" một mặt hàng có công dụng như nhau, giữa một "cái chợ bán buôn, siêu thị khổng lồ" về thông tin, báo Dân Việt phải làm thế nào để bạn đọc nhận diện được, quen với mặt hàng và có "trải nghiệm tiêu dùng" tích cực? Làm thế nào để tin, bài của Báo điện tử Dân Việt nhận được sự quan tâm, chú ý của các nền tảng công nghệ web, công nghệ truyền thông xuyên quốc gia đưa vào các vị trí "trưng bày" tốt nhất, giúp độc giả dễ nhìn thấy, dễ lấy nhất?
Liệu, nông dân, người ở nông thôn, người làm nông nghiệp vẫn là đối tượng bạn đọc trung thành của Báo điện tử Dân Việt như với báo giấy Nông thôn ngày nay một thời?
Khi chính thức tham gia làm báo điện tử Dân Việt, bản thân tôi và nhiều người khác làm theo kiểu lần, mò. Qua các buổi tập huấn nghiệp vụ, đối với tôi việc lần, mò vẫn diễn ra hàng ngày.
Từ việc vào "lùng sục, khám phá" hệ thống website, cho tới lần, mò theo dõi lượng truy cập, rồi làm quen với một loạt các thuật ngữ bằng tiếng Anh mà có người than là "nghe đau cả đầu". Thêm vào đó là mày mò, lần hồi, học và làm theo việc phát hành báo điện tử trên các nền tảng mạng xã hội, nền tảng số...
Chúng tôi đã không ngừng học hỏi, kể cả để ý học hỏi từ những điều tưởng như nhỏ nhất, nhưng rất quan trọng đối với báo điện tử; chúng tôi quan sát, tìm hiểu, kể cả "thám thính" cách làm, kinh nghiệm của các đồng nghiệp ở các báo điện tử uy tín, có lượng truy cập lớn ở Việt Nam.
Và một kênh học hỏi cực kỳ quan trọng giúp chúng tôi trưởng thành hơn trong quá trình làm báo điện tử-đó là học hỏi từ chính người nông dân. Mỗi một câu, một từ thể hiện trong một cái tin, một bài báo, nếu dùng đúng, dùng chính xác nhưng lại "mềm mại, bình dân, dễ hiểu" theo kiểu nói của nông dân là một lợi thế cho việc ấn nút xuất bản trên không gian điện tử.
Ơn giời, vừa làm, vừa học, vừa mày mò, lần hồi rồi liên tiếp các kết quả tích cực cũng đến với chúng tôi. Mỗi một dấu mốc cao hơn đạt được của Báo điện tử Dân Việt, của mảng thông tin bản sắc của tờ báo là về nông nghiệp, nông dân, nông thôn càng giúp chúng tôi tự tin hơn, cố gắng hơn, và nung nấu mong muốn làm tốt hơn.
Và cho tới hôm nay, tôi có thể tự tin khẳng định, Báo Dân Việt, cụ thể hơn là mảng thông tin về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã và sẽ có chổ đứng vững chắc trong lòng một tệp bạn đọc với số lượng đáng phấn khởi về tiềm năng tăng trưởng.
Lĩnh vực thông tin về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có thông tin về Hội Nông dân Việt Nam-cơ quan chủ quản của Báo Nông thôn ngày nay/ Điện tử Dân Việt có sự tăng trưởng bền bỉ và liên tiếp vượt qua các "kỷ lục" lượt đọc.
Tỷ lệ đóng góp lượt đọc của lĩnh vực thông tin về nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn đứng ở mức cao nhất trên toàn trang Dân Việt. Lưu lượng truy cập (traffic) khối nội dung nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên Báo điện tử Dân Việt ngày càng khỏe mạnh, da dạng, dồi dào có thể dự đoán, tiên lượng được...
Qua tham khảo cho thấy, tổng số lượt đọc trung bình/ngày của riêng mảng thông tin nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên báo điện tử Dân Việt có quy mô lớn hơn nhiều so với tổng số lượt đọc trong một ngày ở tất cả các khối nội dung ở nhiều tờ báo điện tử Việt Nam hiện nay.
Có thể tự tin khẳng định rằng, khối lượng, chất lượng mảng thông tin về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là tệp dữ liệu trên mạng internet có nền tảng bền vững tốt nhất của Báo điện tử Dân Việt.
Và điều đặc hết sức thú vị mà chúng tôi khám phá ra. Đó là, bạn đọc của chúng tôi không chỉ là cán bộ, hội viên, nông dân mà còn có một tỷ lệ rất lớn bạn đọc ở các thành phố, đô thị lớn, nhất là ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, thủ đô Hà Nội.
Qua theo dõi hiển thị báo cáo chi tiết đối tượng độc giả được cung cấp bởi một nền tảng của Google cho thấy, bạn đọc của Báo điện tử Dân Việt, nhất là bạn đọc các tin, bài lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn đến từ nước ngoài mà tỷ lệ nhiều nhất là bạn đọc từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Như một nhận định của một diễn giả đồng thời cũng là thầy giáo của tôi thời đại học khi trao đổi tại Báo điện tử Dân Việt rằng: Khả năng cao bạn đọc của báo Dân Việt ở các đô thị, thành phố lớn là những doanh nhân, người lao động của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; bạn đọc đó có thể là cán bộ, người lao động trong các cơ quan hành chính, quản lý nhà nước; bạn đọc đó còn là giới nghiên cứu, trí thức ở các học, viện nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp...
Đơn giản và bất ngờ hơn nữa, bạn đọc đó có thể là những người quan tâm, ưa thích mảng thông tin về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, muốn tìm hiểu, khám phá về mảng thông tin này. Thậm chí, người đọc đó có khi là một tiểu thương "Hà Nội gốc" bán hàng lưu niệm trên một con phố cổ nào đó của thủ đô.
Tất nhiên, trong xa lộ thông tin đồ sộ, đa dạng, phong phú với sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội và tính chất ngày càng hiện đại, tiện lợi của các thiết bị đầu cuối của hệ thống thông tin, truyền thông, dữ liệu trên Báo điện tử Dân Việt chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu to lớn của bạn đọc, ngay cả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhưng chúng tôi có thể yên tâm ở góc độ, đó là Báo điện tử Dân Việt luôn là một trong những sự lựa chọn đầu tiên của một tệp bạn đọc ngày càng tiềm năng.
Một điều tất nhiên nữa, trong quá trình chúng tôi đạt được những thành công quan trọng bước đầu không thể tránh khỏi như sơ xuất, mắc lỗi (chưa có sơ xuất, lỗi nào có tính chất nghiêm trọng). Quan trọng, những sơ xuất, lỗi đó được chúng tôi nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm để việc thông tin, tuyên truyền lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn tốt hơn, hiệu quả hơn, nhân văn hơn, đáp ứng yêu cầu đa dạng của bạn đọc hơn....
Thành tựu, kết quả tốt là nền tảng, giúp chúng tôi-những người làm báo điện tử Dân Việt-những người làm về mảng nông nghiệp, nông dân, nông thôn thay vì trạng thái "hoang mang" buổi ban đầu khi trực tiếp tham gia "làm cỗ" đãi bạn đọc nay là tâm thế vững tin khi đối mặt với những thách thức, hướng tới những việc làm mới, những "kỷ lục" mới trong tương lai.
Điều này đã giúp chúng tôi "kế thừa y bát", góp phần phát huy truyền thống phát hành báo mà "các tiền bối" của Báo Nông thôn ngày nay đã đạt được thời thịnh hành nhất, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.