Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh: Đồng hành cùng hội viên tham gia chuyển đổi số trong nông nghiệp

Ngọc Mai Thứ hai, ngày 05/02/2024 05:40 AM (GMT+7)
Để góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, các cấp Hội Nông dân (ND) trong tỉnh Quảng Ninh đã tích cực tuyên truyền, trang bị kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên; tích cực phối hợp hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa…
Bình luận 0

Nông dân bán được nhiều hàng hơn

Cơ sở sản xuất chè Dũng Nga của anh Trần Sĩ Dũng (thôn 8, xã Đường Hoa, huyện Hải Hà) thời gian qua đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ. Anh Dũng cho biết: Trước đây anh tiêu thụ chè theo cách truyền thống, tuy nhiên trải qua 2 năm đại dịch Covid-19, việc việc xúc tiến thương mại và vận chuyển hàng hóa tiêu thụ sản phẩm theo phương thức truyền thống bị hạn chế.

Trong bối cảnh đó, với sự đồng hành của các cấp Hội Nông dân, gia đình anh đã ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, thúc đẩy thương mại điện tử, xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến...

Anh Dũng chia sẻ: Dù trong lúc dịch bệnh căng thẳng nhất, các thông tin, hình ảnh, video clip về quá trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm chè sạch, chè Ngọc Thúy... vẫn được tích cực đăng tải trên Facebook, Zalo, nhằm duy trì độ nhận diện, tăng sức cạnh tranh và tìm kiếm thêm khách hàng. Bên cạnh đó, anh cũng đưa sản phẩn lên các sàn thương mại điện tử.

Còn đối với HTX Nông - lâm - ngư nghiệp Thái An (TP.Móng Cái), ngoài kinh doanh theo hình thức truyền thống, thời gian gần đây, HTX cũng đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường. Nhờ chủ động bắt nhịp với chuyển đổi số, 2 năm gần đây HTX có doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng.

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh: Đồng hành cùng hội viên tham gia chuyển đổi số trong nông nghiệp
- Ảnh 1.

Cơ sở chế biến chè Dũng Nga đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và sử dụng hình thức thanh toán bằng mã QR. Ảnh: Hoài Anh

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới 2023 - 2028 của Hội ND tỉnh Quảng Ninh là sẽ tập trung vào một đề án, chuyên đề trọng tâm như: Đề án "Phát triển các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi gắn với các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân"; chuyên đề "Nâng cao kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên nông dân".

Ông Đỗ Ngọc Nam -

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh

Nhiều nông dân, chủ cơ sở sản xuất cũng mạnh dạn tham gia chuyển đổi số thông qua việc ứng dụng công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh. 

Tiêu biểu như ông Đồng Quang Cường- chủ trang trại chăn nuôi vịt tại xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên. Chia sẻ về mô hình của mình, ông Cường cho biết: Mỗi năm ông nuôi 5 - 7 lứa vịt thịt, mỗi lứa khoảng 7.000 con, đồng thời duy trì thường xuyên đàn vịt đẻ khoảng 7.000 con. Thời điểm hiện tại, tổng đàn gia cầm của gia đình ông đạt khoảng 15.000 con.

Để mô hình nuôi vịt đạt hiệu quả kinh tế cao, ông Cường đã đầu tư nhiều máy móc hiện đại như máy cho ăn tự động, nước uống tự động, hệ thống làm mát, khử mùi... Với máy cho ăn tự động, ông chỉ việc đứng ở kho cám, cho thức ăn vào máy. Bằng cảm biến, máy đẩy thức ăn qua các đường ống rồi vào khay đựng ở trong các khu chuồng nuôi.

Các thông số trong chuồng trại nuôi vịt đều được ông Cường mã hóa, chuyển tải và kết nối với điện thoại thông minh của mình. Do vậy dù ở bất kỳ đâu, ông Cường cũng nắm rõ tình hình thực tế trong chuồng, có thể trực tiếp điều chỉnh thông qua điện thoại.

Hội Nông dân giúp hội viên nâng cao kỹ năng về chuyển đổi số

Ông Đỗ Ngọc Nam - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trên 99.000 hội viên nông dân, chiếm khoảng 81,2% tổng số hộ nông dân toàn tỉnh. Thời gian qua, các cấp hội Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã liên tục triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ mang ý nghĩa thiết thực, bám sát đặc điểm địa bàn và nhu cầu thực tế của hội viên. Qua đó, vừa khẳng định được vai trò vị thế của tổ chức Hội ND, vừa là điểm tựa vững chắc, cổ vũ tinh thần đoàn kết, thi đua sôi nổi của hội viên trong lao động sản xuất, làm giàu chính đáng.

Theo ông Đỗ Ngọc Nam, đẩy mạnh chuyển đổi số đang được tỉnh Quảng Ninh và Trung ường Hội Nông dân Việt Nam xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Với vai trò của mình, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực lồng ghép nội dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vào phong trào, công tác hội.

Các cấp Hội đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số cho hội viên. Nội dung hướng tới các kỹ năng cơ bản để truy cập, khai thác các ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử; tạo lập, hỗ trợ kỹ thuật trong các trang web giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp. Từ đó giúp nông dân chủ động, tích cực tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thích ứng với yêu cầu phát triển xã hội.

Ngoài ra, các cấp hội cũng tích cực hướng dẫn hội viên trong việc tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; giới thiệu các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt...

Hội Nông dân các cấp cũng hỗ trợ nông dân về thông tin, xây dựng thương hiệu, giới thiệu và tiêu thụ nông sản; vận động cán bộ, hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế.

Theo lãnh đạo Hội ND tỉnh Quảng Ninh, bên cạnh nâng cao hiệu quả trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghệ số cũng giúp người nông dân thuận tiện hơn trong học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu thị trường, liên kết hợp tác sản xuất... Đây là điều kiện quan trọng, góp phần để nông nghiệp truyền thống dần chuyển đổi sang hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem