Hôm trước vừa xem tivi khuyến cáo, hôm sau thấy bò nhà mình bị bệnh viêm da nổi cục

Trần Khánh Thứ năm, ngày 05/08/2021 10:18 AM (GMT+7)
Bệnh viêm da nổi cục đã lan nhanh khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ. Một nông dân ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thốt lên: “Hôm trước xem tivi, hôm sau thấy bò nhà mình bị viêm da nổi cục”.
Bình luận 0

Mối nguy bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò nông hộ

Phước Long Thọ là một trong những xã có nhiều trâu bò mắc bệnh viêm da nổi cục của huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.

Theo thống kê, xã Phước Long Thọ hiện có hơn 500 hộ chăn nuôi bò, với hơn 3.400 con. Từ đầu năm  đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại 37 hộ chăn nuôi, với hàng chục con nhiễm bệnh. 

Người dân chăn nuôi bò ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Bích Ngọc

Người dân chăn nuôi bò ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Bích Ngọc

Gia đình ông Võ Thanh Phong ở xã Phước Long Thọ có 7 con bò, theo hình thức nuôi nhốt trong chuồng.

Ông Phong đã được nghe thông báo về căn bệnh viêm da nổi cục này lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Nhưng ông Phong cũng không thể ngờ căn bệnh này lây lan nhanh như vậy.

"Mới hôm trước thấy thông báo về căn bệnh này trên tivi, thì mấy hôm sau, đã có một con bò trong chuồng phát bệnh" - ông Phong kể.

Đối chiếu các triệu chứng xuất hiện trên con bò, với tài liệu mà địa phương phân phát; ông Phong đoán chắc bò nhà mình đã bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục, nên ông báo cáo lực lượng thú y.

Theo ông Giao Văn Sỹ - Trưởng phòng Nghiệp vụ chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), viêm da nổi cục là bệnh mới hoàn toàn, nên tỷ lệ tiêm vaccine của bà con còn ở mức thấp.

Vaccine bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò phải nhập từ nước ngoài về, Việt Nam chưa sản xuất được, nên số lượng có hạn.

Phần lớn đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu được chăn nuôi ở các nông hộ dân nhỏ lẻ, nơi mà công tác chăn nuôi an toàn sinh học chưa cao.

Toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có khoảng 58.000 con trâu, bò. Trong đó, 51.000 con được nuôi ở nông hộ.

Ông Sỹ nhận định, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát là lây lan trên địa bàn tỉnh.

Ngay khi bệnh xuất hiện, lực lượng thú y đã nhanh chóng khống chế bao vây các ổ dịch, không để bệnh phát sinh lây lan.

Theo ông Sỹ, để tránh nguy cơ bệnh lây lan diện rộng thì việc ngăn chặn không chỉ là nhiệm vụ của ngành chức năng mà còn là trách nhiệm của chính các hộ chăn nuôi.

"Đặc biệt trong giai đoạn mùa mưa, bà con không chăn thả trâu bò nhiễm bệnh ra ngoài trời để tạo thành nguồn lây nhiễm. Với bò chưa bị bệnh cũng hạn chế chăn thả trong vùng đã có dịch" - ông Sỹ khuyến cáo. 

Cán bộ thú y tiêm phòng vaccine bệnh viêm da nổ cục trên trâu bò ở huyện Hớn Quảng, Bình Phước. Ảnh: Lê Khương

Cán bộ thú y tiêm phòng vaccine bệnh viêm da nổ cục trên trâu bò ở huyện Hớn Quảng, Bình Phước. Ảnh: Lê Khương

Tại Bình Phước, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò cũng đã xuất hiện tại 2 huyện Hớn Quản và Chơn Thành.

Bác sĩ thú y Dương Quang Trung (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chơn Thành) cũng cho biết, nhiều bà con trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng chuồng trại còn sơ sài. Chuồng trại không được vệ sinh, chủ yếu là để ngoài trời tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.

Để đàn trâu bò phát triển khỏe mạnh, bác sĩ Trung đề nghị bà con cần đầu tư chuồng trại có mái che, thông thoáng, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng…

Bệnh viêm da nổi cục lan nhanh khắp các tỉnh Đông Nam Bộ

Tính đến nay, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò đã lan nhanh khắp các tỉnh Đông Nam Bộ, bao gồm: Đồng Nai, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Phước và  Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đồng Nai là một trong những địa phương sớm xuất hiện bệnh viêm da nổi cục. Vừa qua, UBND TP. Long Khánh đã quyết định công bố dịch bệnh viêm da nổi cục trên bò tại xã Bảo Quang.

Một con bò bị bệnh viêm da nổi cục ở tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Minh Dương

Một con bò bị bệnh viêm da nổi cục ở tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Minh Dương

Tại Tây Ninh, ngày 7/7, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện ở huyện Châu Thành. Ngày 16/7, bệnh xuất hiện tại huyện Tân Biên.

Tính đến cuối tháng 7, toàn tỉnh Tây Ninh ghi nhận 4 trường hợp bò mắc bệnh viêm da nổi cục tại 2 xã Ninh Điền (huyện Châu Thành) và xã Tân Phong (huyện Tân Biên).

Ông Nguyễn Thành Thúc – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, Chi cục đã tổ chức tiêm phòng 14.200 liều vaccine viêm da nổi cục để bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, Tây Ninh vẫn cần thêm khoảng 29.000 liều vaccine nữa để tiêm cho tổng đàn trâu, bò trong tỉnh.

Cuối tháng 6/2021, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện ở xã Tân Đức, huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận).

Xã Tân Đức có gần 200 hộ chăn nuôi bò với tổng đàn khoảng 900 con, trong đó đã có trên 100 con mắc bệnh.

Đầu tháng 7, toàn huyện Hàm Tân có hơn 200 con bò đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục.  

Ở huyện Bắc Bình, xã Bình Tân là một trong những địa bàn có đàn trâu, bò khá lớn với gần 7.000 con.

Theo UBND xã Bình Tân, bà con ở địa phương có tập quán nuôi bò, trâu theo hình thức chăn thả, và thường trao đổi mua bán gia súc giữa các địa phương nên nguy cơ lây nhiễm cao.

Trước đó, gần 100 con bò của 12 hộ dân ở thị trấn Lương Sơn (huyện Bắc Bình) cũng đã nhiễm bệnh.

Tiêm phòng vaccine bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò ở xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Văn Hùng

Tiêm phòng vaccine bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò ở xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Văn Hùng

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân cho biết, địa phương đã chủ động thực hiện công tác tuyên truyền cho bà con; cấp phát thuốc tiêu độc khử trùng.

Xã cũng đã thống kê số lượng người tham gia mua bán trâu, bò và yêu cầu tạm ngừng các hoạt động vận chuyển trâu, bò từ các vùng dịch về địa phương.

"Đồng thời kiểm soát luôn nguồn phân gia súc từ các vùng dịch lây nhiễm vào địa phương vì nông dân thường sử dụng phân bò, trâu để bón cho cây thanh long", ông Tuấn nói.

Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cho biết, hiện nay, đàn trâu bò trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chưa xuất hiện thêm bệnh viêm da nổi cục nhưng người chăn nuôi không vì thế mà chủ quan.

Các cấp ngành phải chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế bệnh xâm nhiễm và lây lan.

Sở NNPTNT đang phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành mức kinh phí hỗ trợ trợ cho việc mua vaccine tiêm phòng.

"Để tránh tình trạng lây nhiễm trên diện rộng như vừa qua ở huyện Bắc Bình và Hàm Tâm, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương phải thực hiện nghiêm túc kế hoạch của UBND tỉnh về phòng chống viêm da nổi cục trên trâu, bò", ông Tấn cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem