Nhiều quyết định theo yêu cầu thực tiễn tại Kế hoạch triển khai Luật Điện lực
PV
Thứ bảy, ngày 14/12/2024 12:57 PM (GMT+7)
Ngày 11/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1544/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Điện lực được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2025.
Triển khai Luật Điện lực có lộ trình cụ thể từ ngày 1/2/2025
Kế hoạch nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến Luật Điện lực đến nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm trong ngành điện lực; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng điện sau công tơ, về an toàn điện, bảo đảm công trình điện lực và tuân thủ Luật Điện lực.
Trong Kế hoạch xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Điện lực, bảo đảm kịp thời, thống nhất và hiệu quả; Xác định cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Điện lực trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng yêu cầu cần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình tổ chức triển khai thi hành Luật Điện lực; xác định nội dung công việc phải đầy đủ, cụ thể; gắn trách nhiệm thực hiện phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức; Phát huy trách nhiệm tính chủ động, tích cực của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp, bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Điện lực.
Công tác triển khai Luật Điện lực có lộ trình cụ thể để bảo đảm từ ngày 1/2/2025, Luật Điện lực được triển khai thi hành đồng bộ, thống nhất, đầy đủ cùng với các văn bản quy định chi tiết thi hành trên phạm vi cả nước; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo tiến độ, hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Điện lực.
Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết
Kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề ra hai nội dung chủ yếu trong triển khai thi hành Luật Điện lực.
Về công tác hoàn thiện thể chế, chính sách,văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Điện lực theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn cần bảo đảm các nguyên tắc: Bảo đảm lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; Bám sát tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình xây dựng, ban hành Luật Điện lực; Bảo đảm kế thừa tối đa các quy định hiện hành “đã chín”, “đã rõ”, đã được thực hiện ổn định, hiệu quả trong thời gian vừa qua; đảm bảo duy trì, phát triển các chính sách, quy định đột phá đã được Chính phủ ban hành trong thời gian gần đây theo hướng cập nhật căn cứ pháp lý, các quy định mới của Luật Điện lực.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Danh mục các văn bản khác để thực thi Luật Điện lực kèm theo Kế hoạch này. Căn cứ Kế hoạch này và trên cơ sở tích hợp danh mục văn bản quy định chi tiết Luật Điện lực, Bộ Công Thương xây dựng, ban hành Kế hoạch cụ thể để thi hành Luật, bao gồm: Danh mục các văn bản để thực thi Luật Điện lực, các nội dung cần thiết khác để tổ chức thi hành Luật kịp thời, thiết thực, hiệu quả.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan tổ chức thẩm định kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Điện lực.
Về tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện hệ thống hóa, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực điện lực; rà soát để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Điện lực.
Các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến điện lực thuộc lĩnh vực mình phụ trách, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Điện lực.
Các bộ, ngành, UBND các cấp chủ động triển khai thực hiện các nội dung đã giao tại điểm a và điểm b của mục này, gửi Danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ về Bộ Công Thương trước ngày 1/3/2025 để tổng hợp, theo dõi, đôn đốc và phối hợp thực hiện theo quy định.
Về tổ chức thực hiện, Kế hoạch nêu Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ triển khai thực hiện nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện Kế hoạch này, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí.
Tại Kế hoạch, phụ lục về các danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã được nêu chi tiết, như giao Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (sửa đổi, bổ sung theo từng thời kỳ); Thông tư quy định thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; Quyết định định giá cụ thể Dịch vụ vận chuyển khí thiên nhiên bằng đường ống và dịch vụ tồn trữ, tái hóa, vận chuyển và phân phối khí thiên nhiên hóa lỏng cho sản xuất điện (Bộ Công Thương ban hành); Quyết định giao doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ làm chủ đầu tư dự án, công trình nguồn điện, lưới điện khẩn cấp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 14 của Luật Điện lực (do Thủ tướng ban hành)...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.