Không phải vỡ nợ, đây mới là điều tồi tệ với nền kinh tế Nga

Huỳnh Dũng Thứ ba, ngày 17/05/2022 07:10 AM (GMT+7)
Mắc rủi ro về danh tiếng, hầu hết công ty nước ngoài đã không quay trở lại Iran ngay cả sau khi các lệnh trừng phạt lâu đời được dỡ bỏ. Điều tương tự có thể xảy ra với Nga. Vì vậy, nền kinh tế Nga có thể không bao giờ quay trở lại thị trường toàn cầu theo cách bình thường.
Bình luận 0

Đâu là những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đúng và sai khi tự hào về nền kinh tế Nga?

 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vẽ nền kinh tế Nga dưới ánh sáng tâng bốc trong bản cập nhật hôm 12/5 trên đài truyền hình Nga, ông chia sẻ về đợt tăng giá gần đây của đồng rúp và tình trạng lạm phát của đất nước so với các nền kinh tế lân cận, nhưng thông điệp của Putin mắc một số sai lầm khi nền kinh tế Nga có dấu hiệu rạn nứt rõ ràng, sau khi bị cô lập khỏi phần lớn nền kinh tế toàn cầu như một sự trừng phạt cho cuộc chiến tại Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vẽ nền kinh tế Nga dưới ánh sáng tâng bốc. Ảnh: @AFP.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vẽ nền kinh tế Nga dưới ánh sáng tâng bốc. Ảnh: @AFP.

Putin cho biết tỷ giá hối đoái của đồng rúp đang "tăng cường" và "có lẽ" có "động lực tốt nhất" so với bất kỳ loại tiền tệ nào trên toàn cầu, theo bản dịch các bình luận của ông do hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti cung cấp.

"Tỷ giá hối đoái của đồng tiền quốc gia, đồng rúp cũng đang tăng lên. Năm nay, nó có thể thể hiện động lực tốt nhất trong số tất cả các loại tiền tệ trên thế giới", ông nói tại một cuộc họp về các vấn đề kinh tế.

Nhưng đồng rúp Nga tăng giá trị giả tạo, bị thao túng

Có thể thấy, Putin không sai khi nói về hoạt động của đồng rúp - đồng rúp tăng giá trị hơn 11% so với đô la Mỹ tính đến thời điểm hiện tại, khiến nó trở thành đồng tiền có hoạt động tốt nhất trong số 31 đồng tiền nội tệ được tờ Bloomberg theo dõi.

Tuy nhiên, các chuyên gia thị trường và các chính phủ phương Tây khẳng định, hiệu suất của đồng rúp là do chính phủ Nga nâng cấp tiền tệ một cách giả tạo, thông qua các biện pháp kiểm soát vốn. Đồng rúp lao dốc trong những ngày đầu chiến sự Nga - Ukraine, chạm mức thấp kỷ lục, trước khi phục hồi nhanh chóng. Ngoài giá năng lượng tăng trên thị trường toàn cầu, sự phục hồi có thể là do một số chính sách từ ngân hàng trung ương Nga khuyến khích người dân nắm giữ đồng rúp, bao gồm cấm bán ngoại tệ và nâng lãi suất lên 20% vào ngày 28/2.

Nền kinh tế Nga hiện đã tránh được một sự sụp đổ tê liệt, nhưng các biện pháp trừng phạt đang được tiến hành sẽ làm gia tăng thêm nỗi đau kinh tế. Ảnh: @AFP.

Nền kinh tế Nga hiện đã tránh được một sự sụp đổ tê liệt, nhưng các biện pháp trừng phạt đang được tiến hành sẽ làm gia tăng thêm nỗi đau kinh tế. Ảnh: @AFP.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại nền tảng ngoại hối OANDA nói với trang DW mới của Đức: "Các động thái tiền tệ không đại diện cho các nguyên tắc cơ bản. Nhưng thường xuyên hơn, bạn sẽ thấy các nguyên tắc cơ bản lại được phản ánh trong tiền tệ với Nga là một ví dụ. Nhưng ngay sau khi các biện pháp kiểm soát vốn được Nga đưa ra, sau đó cũng chính điều đó làm mờ bức tranh kinh tế thực sự". Thậm chí, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết, đồng rúp Nga đang bị "thao túng rất nhiều".

Các chuyên gia cho rằng, sự thay đổi này không phải là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nga hoạt động thực sự, bởi Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới dự đoán GDP của Nga sẽ giảm lần lượt 8,5% và 11% trong năm nay.

Mức tăng trưởng lạm phát Nga cao kỷ lục trong hai thập kỷ qua vào tháng 4/2022

Thậm chí, trong bài phát biểu hôm 12/5, Putin khẳng định: "Lạm phát đang dần chậm lại, trong tháng qua tỷ lệ của tình trạng này đã giảm nhiều lần so với tháng 3. Mức tăng giá hàng tuần đã giảm xuống 0,1%, đã gần với mức tăng giá hàng tuần tương ứng với mục tiêu kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nga", người đứng đầu nhà nước tuyên bố. Putin cũng nhấn mạnh điều này tích cực như thế nào so với tình trạng lạm phát ngày càng trầm trọng ở châu Âu, đồng thời khẳng định một số nước châu Âu đang có mức tăng trưởng lạm phát hằng năm gần 20%.

Thòng lọng thắt chặt nền kinh tế Nga khi các lựa chọn nhập khẩu giảm dần. Ảnh: @AFP.

Thòng lọng thắt chặt nền kinh tế Nga khi các lựa chọn nhập khẩu giảm dần. Ảnh: @AFP.

Tuy nhiên, tuyên bố này còn sai lầm hơn nhiều. Bởi sau tuyên bố này thì Cơ quan Thống kê Liên bang Rosstatg cho biết trong tháng 4, mức tăng trưởng lạm phát hằng năm là 17,8% so với một năm trước đó. Con số này thấp hơn ước tính của các nhà phân tích là 18%, theo một cuộc khảo sát của Bloomberg với 16 nhà kinh tế, nhưng đây lại là mức tăng trưởng lạm phát hằng năm cao kỷ lục trong vòng hai thập kỷ qua từ năm 2002. Ngân hàng Trung ương Nga cũng dự báo lạm phát của cả năm 2022 có thể lên đến 23%, trước khi giảm dần trong năm tới rồi trở về mức 4% vào năm 2024.

Doanh số mảng bán ô tô của Nga sụt giảm tới 79%, dù Nga đang "lấp đầy"

Doanh số bán ô tô của Nga giảm mạnh nhất trong tháng trước do các lệnh trừng phạt làm suy yếu sản xuất trong nước, và hầu hết các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đã đình chỉ hoạt động sau cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin.

Theo số liệu của Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu, doanh số bán ô tô của Nga trong tháng 4 đã giảm 79% so với tháng 4/2021 xuống chỉ còn 32.706 xe được bán ra.

Dữ liệu bán xe hơi này cung cấp một cái nhìn về tác động mạnh mẽ của hàng trăm nhà sản xuất nước ngoài rời khỏi Nga, mặc dù gần đây Putin lưu ý rằng các nhà sản xuất Nga đang "lấp đầy" các công ty đa quốc gia đã rời khỏi Nga để phản đối cuộc xâm lược Ukraine trong bài phát biểu hôm 12/5 của ông, theo hãng thông tấn TASS.

Nga bất chấp hầu hết các dự báo kinh tế thảm khốc, suy thoái kinh tế đang rình rập. Ảnh: @AFP.

Nga bất chấp hầu hết các dự báo kinh tế thảm khốc, suy thoái kinh tế đang rình rập. Ảnh: @AFP.

Thực tế, các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine đã gây khó khăn cho ngành công nghiệp xe hơi trong nước khi nguồn cung phụ tùng cạn kiệt, dẫn đến việc buộc phải đóng cửa. Trong khi đó, hầu hết các nhà sản xuất ô tô nước ngoài có cơ sở sản xuất tại Nga, bao gồm Volkswagen AG, Ford Motor Co. và Mazda Motor Corp, đã tạm ngừng hoạt động tại nước này, trong khi các hãng khác cũng ngừng nhập khẩu xe.

"Vụ tai nạn" này cho thấy sự suy thoái kinh tế dữ dội từ cuộc chiến ở Ukraine, vì  vậy Nga trong năm nay có thể phải đối mặt với sự suy thoái sâu nhất trong gần ba thập kỷ.

Nga bị cắt khỏi chuỗi cung ứng phương Tây vì đây là đối tác không đáng tin cậy, điều sẽ đẩy nước này sớm vào suy thoái, đối mặt với một thời kỳ "công nghiệp hóa ngược"

Nước này cũng đã cố gắng tránh vỡ nợ nước ngoài và Tổng thống Putin khẳng định rằng, "chiến lược kinh tế chớp nhoáng" của phương Tây đã thất bại. Nhưng Elina Ribakova, phó trưởng ban kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế nói rằng, những chỉ số "bề ngoài" mà Nga đạt được "không có nhiều ý nghĩa đối với cuộc sống thực". Bởi các nhà sản xuất thép, nhà sản xuất hóa chất và công ty xe hơi của Nga đã cảm thấy gánh nặng của các lệnh trừng phạt nhằm làm tê liệt nỗ lực chiến tranh của Tổng thống Putin.

Kết quả là một cuộc khảo sát gần đây với hơn 13.000 doanh nghiệp của ngân hàng trung ương Nga cho thấy nhiều người đang gặp vấn đề khi đưa hàng hóa như vi mạch, phụ tùng xe hơi, bao bì vào nước này. Trong khi đó, tình trạng thiếu nguyên liệu thô hoặc phụ tùng đang buộc một số công ty phải tạm thời đóng cửa nhà máy hoặc tìm nơi khác.

Lệnh trừng phạt: Nỗi đau nào đang chờ đợi nền kinh tế Nga? Ảnh: @AFP.

Lệnh trừng phạt: Nỗi đau nào đang chờ đợi nền kinh tế Nga? Ảnh: @AFP.

Nhà kinh tế học Timothy Ash của BlueBay Asset Management nói rằng các biện pháp trừng phạt tổng thể đã mạnh tay hơn nhiều so với dự kiến của nhiều người. Ông nói: "Tôi nghĩ tác động lâu dài sẽ rất tàn khốc", đồng thời cho rằng việc "Nga bị cắt khỏi chuỗi cung ứng phương Tây vì đây là đối tác không đáng tin cậy" sẽ đẩy nước này sớm vào suy thoái.

Ngay cả Ngân hàng Trung ương Nga cũng thừa nhận rằng, khi các công ty tìm kiếm các nhà cung cấp khác nhau, đối phó với sự tẩy chay của các công ty vận tải biển hoặc không nắm được công nghệ họ cần, đất nước này cũng sẽ phải đối mặt với một thời kỳ "công nghiệp hóa ngược".

Bất cứ điều gì xảy ra, cho dù lệnh cấm vận dầu mỏ được đưa ra trong sáu tháng hay một năm thì đó sẽ là một "tác động nặng nề" đối với một nền kinh tế bị cô lập với phương Tây

Vốn dĩ, chính phủ Nga thực sự có huyết mạch tài chính của riêng mình, ngay cả khi bị áp dụng các mức trừng phạt chưa từng có. Nước này vẫn có thể bán được nhiều dầu và khí đốt - một trụ cột chính của nền kinh tế nước này. Mặc dù Mỹ đã công bố lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, nhưng châu Âu vẫn còn chia rẽ về cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga.

Châu Âu nhận được khoảng 40% khí đốt tự nhiên từ Nga, nước này cũng là nhà cung cấp dầu mỏ chính của khối, nhưng một số quốc gia Châu Âu cũng phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch của Nga so với các quốc gia khác, vì vậy việc cắt giảm nguồn cung đột ngột có thể gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế khu vực.

Kinh tế Nga sẽ không sớm phục hồi sau các lệnh trừng phạt do các quốc gia phương Tây áp đặt trong cuộc chiến ở Ukraine, và có thể bị thiệt hại thêm nếu các lệnh trừng phạt đó được mở rộng . Ảnh: @AFP.

Kinh tế Nga sẽ không sớm phục hồi sau các lệnh trừng phạt do các quốc gia phương Tây áp đặt trong cuộc chiến ở Ukraine, và có thể bị thiệt hại thêm nếu các lệnh trừng phạt đó được mở rộng . Ảnh: @AFP.

Nhà phân tích năng lượng Ole Hvalbye của Ngân hàng SEB cho biết: "Không có nghi ngờ gì về việc châu Âu sẽ gặp khó khăn trong vài năm tới, nếu không có dầu và khí đốt của Nga, nhưng điều này còn tồi tệ hơn nhiều đối với nền kinh tế Nga, vốn sẽ bị ảnh hưởng trong dài hạn". Có thể thấy, mặc dù Nga có thể có đủ tấm đệm tài chính để cung cấp trợ cấp cho những người nghèo nhất trong ngắn hạn, cũng như để bảo vệ đồng rúp, nhưung quan điểm về tính dài hạn là không chắc chắn.

Ole Hvalbye nói thêm: "Bất cứ điều gì xảy ra, cho dù lệnh cấm vận dầu mỏ được đưa ra trong sáu tháng hay một năm ... thì đó cũng sẽ là một "tác động nặng nề" đối với một nền kinh tế bị cô lập với phương Tây.

Bị đói đầu tư, ngày càng bị cắt đứt với thương mại tự do, Nga sẽ là trung tâm chịu khủng hoảng quốc tế trong nhiều năm tới

Vicky Pryce là thành viên hội đồng quản trị của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh và là cựu Giám đốc của Dịch vụ Kinh tế Chính phủ Vương quốc Anh khẳng định, trong lúc này, các lệnh trừng phạt đang dần nhân lên. Những vấn đề mới đang xuất hiện hoặc bị EU đe dọa gần như hàng ngày. Và nếu chiến tranh kéo dài và chuyển sang các vùng lãnh thổ khác tại Ukraine, thì sự rút cạn nguồn lực của Nga từ việc tài trợ cho quân đội, và những hậu quả đối với sự tăng trưởng sẽ càng rõ ràng hơn. Rốt cuộc, rất nhiều tài sản của Nga đã bị phương Tây đóng băng, nếu tính luôn các vụ tịch thu tài sản từ các nhà tài phiệt và kho dự trữ tiền tệ ngoại hối của Nga đang bị đóng băng. Trong khi đó, Châu Âu đang có những lời kêu gọi sử dụng một số tài sản bị đóng băng đó để giúp tái thiết Ukraine.

Không có gì ngạc nhiên khi theo một cơ chế trừng phạt tăng cường, IMF dự kiến xuất khẩu của Nga sẽ giảm mạnh hơn và không có sự phục hồi kể cả vào năm 2027. Khả năng đi vay của Nga trên thị trường vốn quốc tế và khả năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng. Lúc đó, Nga sẽ trải qua một thời gian dài với tốc độ tăng trưởng thấp hoặc không có, thiếu đầu tư mới, các bộ phận và chuyên môn.

Theo dự báo nội bộ của Bộ Tài chính, Nga đang phải đối mặt với sự suy thoái kinh tế sâu sắc nhất trong gần 3 thập kỷ khi áp lực từ các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt ngày càng gia tăng. Ảnh: @AFP.

Theo dự báo nội bộ của Bộ Tài chính, Nga đang phải đối mặt với sự suy thoái kinh tế sâu sắc nhất trong gần 3 thập kỷ khi áp lực từ các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt ngày càng gia tăng. Ảnh: @AFP.

Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về chủ quyền thị trường mới nổi tại Bluebay Asset Management, cho biết mức giảm 11% mà Ngân hàng Thế giới dự kiến sẽ có nghĩa là nền kinh tế Nga sẽ thiệt hại khoảng 200 tỷ USD, nhưng cho rằng đây chỉ là bước thiệt hại khởi đầu cho hoàn cảnh kinh tế của đất nước.

Ash nói: "Nga sẽ vẫn không trả được nợ nước ngoài trong nhiều năm tới, bị cô lập với thị trường vốn quốc tế, bị đói đầu tư, ngày càng bị cắt đứt với thương mại tự do và kinh doanh quốc tế - bị cắt khỏi chuỗi cung ứng hàng hóa và năng lượng của phương Tây - bị suy thoái và trì trệ, sa sút mức sống và tình trạng bay vốn và chảy máu chất xám tăng lên".

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Michael S. Bernstam, một nhà nghiên cứu tại Viện Hoover tại Đại học Stanford cho biết: "Nga không thể tiếp tục vì không có đầu vào của phương Tây, và sẽ mất hàng năm và hàng nghìn tỷ đô la để tạo ra chuỗi cung ứng của riêng mình. Bởi ngay cả những ngành công nghiệp quan trọng nhất của họ cũng đang gặp khó khăn", ông Bernstam nói, khi đề cập đến khí đốt và dầu mỏ.

Có những dấu hiệu về sự sụp đổ kinh tế sắp xảy ra ở Nga mặc dù đã có những lời lẽ trấn an từ Tổng thống Putin. Ảnh: @AFP.

Có những dấu hiệu về sự sụp đổ kinh tế sắp xảy ra ở Nga mặc dù đã có những lời lẽ trấn an từ Tổng thống Putin. Ảnh: @AFP.

Mắc rủi ro về danh tiếng, hầu hết các công ty nước ngoài đã không quay trở lại Iran, ngay cả sau khi các lệnh trừng phạt lâu đời đã được dỡ bỏ - và điều tương tự có thể xảy ra với Nga

Elina Ribakova, Phó trưởng kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở tại Washington, nói với RFE / RL's Russian Service trong một cuộc phỏng vấn. Đất nước Nga đang bước vào một giai đoạn có thể là rất khó khăn khi tác động của các lệnh trừng phạt dần dần hiện rõ, bà nói.

Triển vọng kinh tế dài hạn của Nga sẽ phụ thuộc một phần vào cuộc chiến tại Ukraine kéo dài bao lâu, Ribakova nói với RFE / RL. Nếu chiến tranh không sớm kết thúc, phương Tây sẽ không chỉ tiếp tục với kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, mà còn có thể triển khai khoảng hơn 400 tỷ USD trong quỹ ngoại hối cùa ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng để tái thiết nền kinh tế Ukraine.

Putin nhắc nhở thế giới rằng, ông vẫn mang trong mình một vũ khí kinh tế mạnh mẽ. Ảnh: @AFP.

Putin nhắc nhở thế giới rằng, ông vẫn mang trong mình một vũ khí kinh tế mạnh mẽ. Ảnh: @AFP.

 Ribakova gọi việc Nga chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế như vậy là một "vết nhơ" gây "tồi tệ hơn nhiều" cho hình ảnh của một quốc gia hơn là một vụ vỡ nợ. Bà chỉ ra rằng vì rủi ro về danh tiếng, hầu hết các công ty nước ngoài đã không quay trở lại Iran ngay cả sau khi các lệnh trừng phạt lâu đời đã được dỡ bỏ - và điều tương tự có thể xảy ra với Nga. "Tôi nghĩ rằng trong suốt cuộc đời của chúng ta, nước Nga có thể không bao giờ quay trở lại thị trường toàn cầu theo cách bình thường".

Bà cũng khẳng định, kinh tế Nga sẽ không sớm phục hồi sau các lệnh trừng phạt do các quốc gia phương Tây áp đặt trong cuộc chiến ở Ukraine, và có thể bị thiệt hại thêm nếu các lệnh trừng phạt đó được mở rộng để đánh vào xuất khẩu năng lượng.

Có thể thấy, các lệnh trừng phạt và cấm xuất khẩu của Mỹ và phương Tây đã đặt nền kinh tế Nga trên một "quỹ đạo rất khác", khiến cho loại hình phục hồi thường thấy sau các cú sốc kinh tế khó có thể xảy ra đối với riêng nước Nga.

Huỳnh Dũng  -Theo Bloomberg/Forbes/CNBC/News.yahoo/Nytimes


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem