Không thể mãi giãn cách, cần thích nghi và sống chung với Covid-19

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 18/09/2021 17:47 PM (GMT+7)
Chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc giãn cách không thể mãi diễn ra và khi tỷ lệ tiêm chủng được nâng cao trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải dần sống chung với dịch, nền kinh tế phải sớm thích nghi.
Bình luận 0

Kết quả khảo sát gần 10.200 doanh nghiệp trên toàn quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tiến hành mới đây cho thấy, có đến 87,2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19; trong đó 72,3% doanh nghiệp tư nhân và 74,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo báo cáo, hầu hết các ngành nghề đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Đối với doanh nghiệp tư nhân, các lĩnh vực ảnh hưởng lớn hơn 90% như sản xuất may mặc, thông tin truyền thông, sản xuất sản phẩm thiết bị điện, sản xuất xe có động cơ, giáo dục, y tế, lao động, sản xuất đồ da, gỗ…

Thời gian phục hồi sau dịch lâu hơn bình thường

Ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc đầu tư, Trưởng phòng nghiên cứu Dragon Capital nhận định, số liệu vĩ mô tháng 8 và quý III có thể là dữ liệu xấu nhất trong rất nhiều năm trở lại đây, khi phản ánh gần như tất cả mọi ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 lên nền kinh tế.

Theo ông, Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thu hẹp sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. 

Mở cửa kinh tế TP.HCM: Không thể mãi giãn cách, cần thích nghi và sống chung với Covid-19 - Ảnh 1.

Hơn 700 người, phần lớn là lãnh đạo doanh nghiệp tham dự Vietnam CEO Forum theo hình thức trực tuyến. Ảnh chụp màn hình.

"Một số doanh nghiệp không đáp ứng được quy định, yêu cầu về nhà máy hoạt động trong thời gian dịch bùng phát. Việc giãn cách tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp FDI, đến người lao động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Lê Anh Tuấn đánh giá tại diễn đàn Vietnam CEO Forum diễn ra hôm 16/9, theo hình thức trực tuyến. Sự kiện do Hội Doanh Nhân Trẻ TP.HCM tổ chức, quy tụ hơn 700 người, phần lớn là lãnh đạo các doanh nghiệp trên cả nước.

Lĩnh vực sản xuất trở bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn trong tháng 8/2021. Một số doanh nghiệp phải tạm đóng cửa, trong khi đó, các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển dẫn đến sụt giảm về sản lượng, đơn hàng mới, sức mua và việc làm. Kết quả là sản lượng công nghiệp giảm lần đầu tiên trong 5 tháng do sản lượng sản xuất suy yếu.

Ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch HĐQT U&I Group, cho rằng việc phục hồi kinh tế có thể đạt khoảng 60-70% vào cuối năm sau. Theo ông, trước đây, các doanh nghiệp thường phải mất ít nhất 2 năm để phục hồi sau khủng hoảng, nhưng lần này sẽ mất thời gian lâu hơn.

"Khả năng tuyển lại nhân sự lại cực kỳ khó. Vì vậy, nếu các nhà máy vẫn tiếp tục cách làm cũ và không thay đổi về mặt công nghệ thì sẽ ảnh hưởng đến việc phục hồi", ông Tín nói thêm.

Không thể mãi giãn cách, cần sống chung với Covid-19

Ông Lê Anh Tuấn cho rằng việc giãn cách không thể mãi diễn ra và khi tỷ lệ tiêm chủng được đẩy mạnh trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải dần sống chung với dịch, nền kinh tế phải sớm thích nghi.

Mở cửa kinh tế TP.HCM: Không thể mãi giãn cách, cần thích nghi và sống chung với Covid-19 - Ảnh 3.

Theo chuyên gia, khi tỷ lệ tiêm chủng được đẩy mạnh trong thời gian tới, Việt Nam cần sống chung với dịch. Ảnh: Bạch Dương.

Dẫn quan điểm của Dragon Capital về về triển vọng kinh tế khi tiêm chủng được đẩy nhanh và nới lỏng giãn cách, ông cho rằng nhà đầu tư dường như đang hướng kỳ vọng vào một quý IV tích cực hơn so với quý III/2021, khi tình trạng giãn cách sẽ được nới lỏng dần. Tuy nhiên, tâm lý vẫn còn khá dè chừng, việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng sẽ giải tỏa tâm lý này nhà đầu tư.

Dragon Capital tin rằng các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng là đầu tàu kinh tế, phục hồi trở lại vào quý 4 và tăng trở lại mạnh mẽ vào năm 2022.

So với khối doanh nghiệp nhà nước thì khối doanh nghiệp tư nhân có sức phục hồi nhanh hơn vì họ tự quản nguồn tiền, họ có thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng về những kế hoạch sắp tới trong thời gian nghỉ dịch.

Ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch HĐQT U&I Group

"Ngay khi được mở cửa trở lại, họ sẽ có hướng đi khác, thậm chí có sự dấn thân lớn hơn nữa, sẽ có sự khác biệt lớn sau dịch", ông Tín nói và cho rằng bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, để vượt qua khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực tìm kiếm cơ hội, ý tưởng, đổi mới tư duy và thực hiện chuyển đổi công nghệ sớm.

Mở cửa kinh tế TP.HCM: Không thể mãi giãn cách, cần thích nghi và sống chung với Covid-19 - Ảnh 4.

Sản xuất tại công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt. Ảnh: DNCC.

Tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ Lê Trí Thông dành lời khuyên 3T cho doanh nghiệp: "Tỉnh táo" thoát ra khỏi những hào quang trong quá khứ; "Tài năng" - tìm ra nhân tài trong đội ngũ và "Tái tạo" - sau đại dịch, doanh nghiệp sẽ không thể đi theo con đường như cũ nên phải khởi động lại và tái cơ cấu doanh nghiệp.

Các chuyên gia cũng cho rằng dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại, triển khai một cách thận trọng và bài bản theo lộ trình. Tại nhiều thị trường quốc tế, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay thời điểm kinh tế mở cửa và các chuyên gia kỳ vọng nhìn thấy điều tương tự ở Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem