Kia sao, đây vậy

Thứ năm, ngày 06/01/2011 12:52 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ đánh bom vào nhà thờ Thiên chúa giáo ở Alexandria (Ai Cập), vụ ám sát Tỉnh trưởng Punjab ở Pakistan và việc các nhà truyền giáo Thiên chúa giáo ở Iran bị bắt giữ là những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa cộng đồng người theo đạo Hồi và cộng đồng người theo đạo Thiên chúa đã không còn như trước nữa trong các nước Hồi giáo.
Bình luận 0

Nếu như ở một số nước châu Âu trong thời gian vừa qua có những biểu hiện và xu thế bài xích người theo đạo Hồi và tìm mọi cách ngăn cản sự lan tỏa ảnh hưởng của đạo Hồi thì dường như bây giờ đã xuất hiện biểu hiện và chiều hướng đảo vai ở các nước Hồi giáo.

Kia sao thì đây vậy hay người đối với ta như thế nào thì ta đối với người cũng như thế - cái phương châm ấy nghe tưởng công bằng trong cuộc sống mà lại rất nguy hiểm trong vấn đề xung đột hay giao thoa văn hóa, cách biệt hay hài hòa tôn giáo trên phạm vi thế giới.

Thực tiễn ở châu Âu cho thấy những biện pháp chính sách bài xích, thậm chí cả thù địch, với người theo đạo Hồi chỉ làm phân rẽ nội bộ xã hội chứ không ngăn cản được trên thực tế một cách hữu hiệu ảnh hưởng và sự lan tỏa của đạo Hồi.

Cũng sẽ tương tự như vậy trong vấn đề đạo Hồi và Thiên chúa giáo ở các nước Ảrập. Xung đột văn hóa và đối đầu tôn giáo, dù ở châu Âu hay trong thế giới Hồi giáo, thì rồi cũng chỉ tạo ra những vòng xoáy bạo lực và hỗn loạn, thù hằn và nghi kỵ. Đó lại là môi trường thuận lợi cho những ý đồ chính trị hóa mối quan hệ giữa các nền văn hóa và các tôn giáo trên thế giới trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa phục vụ cho những lợi ích riêng hoàn toàn bất lợi cho cả đạo Hồi và Thiên chúa giáo. Nhưng xem ra, chiều hướng nói trên vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem