KTS Ngô Viết Nam Sơn: Đừng để quy hoạch nghìn tỷ đồng nhưng kẹt xe, ngập nước, không ai muốn sống
KTS Ngô Viết Nam Sơn: Đừng để quy hoạch nghìn tỷ đồng nhưng kẹt xe, ngập nước, không ai muốn sống
Hồng Phúc
Thứ hai, ngày 16/11/2020 11:00 AM (GMT+7)
Theo kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, quá khứ có nhiều dự án quy hoạch lớn nhưng không thành công, ngập nước, kẹt xe xảy ra. Để xây dựng thành phố đáng sống, người dân an cư lạc nghiệp, quy hoạch cần bài bản hơn, hội tụ nhiều yếu tố từ quy hoạch môi trường, sử dụng đất đến hạ tầng.
Với dân số hơn 10 triệu dân, kẹt xe, ngập nước mỗi khi mưa lớn, triều cường là vấn đề đau đầu người dân TP.HCM nhiều năm qua. Dự án, nhà cao tầng tiếp tục mọc lên, chen nhau ở các quận trung tâm, càng khiến vấn đề kẹt xe vào giờ cao điểm thêm trầm trọng.
KTS Ngô Viết Nam Sơn đã có cái nhìn thẳng thắn về quy hoạch đô thị tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng để chỉ ra phần nào nguyên nhân của tình trạng kẹt xe, ngập nước và nhiều công trình mang tính lịch sử, văn hóa biến mất. Ông cho rằng, trong tương lai, việc quy hoạch cần làm bài bản hơn, hội tụ nhiều yếu tố để Việt Nam có nhiều thành phố đáng sống, người dân được an cư lạc nghiệp.
Quy hoạch ngược so với phương Tây
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, quá trình quy hoạch, xây dựng đô thị tại Việt Nam có nhiều điểm tương đồng và khác biệt so với quy hoạch đô thị tại các nước, nhất là các nước phát triển phương Tây. Ông tự nhận mình là người may mắn khi làm việc với nhà nước, tư nhân và các đơn vị nước ngoài trong việc quy hoạch. Vì vậy, chuyên gia này khái quát chặng đường quy hoạch đô thị tại Việt Nam từ sau năm 1975, mỗi giai đoạn là những dấu ấn riêng.
Ông cho rằng, từ năm 1975-1990, thời kỳ sau chiến tranh, quy hoạch phát triển đô thị tại Việt Nam không có nhiều thay đổi đáng kể và chỉ xoay xở trong hạ tầng đã có trước đó. Các năm tiếp theo khi nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, quy hoạch đô thị vẫn tiếp tục gặp khó, khó nhất là trong vận động chính sách.
KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners - đưa ra quan điểm làm thế nào để xây dựng một đô thị đáng sống trong tương lai tại hội nghị lớn về bất động sản mới tổ chức tại TP.HCM. Ông dành nhiều thời gian nói về vấn đề quy hoạch đô thị tại Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng và hiến kế xây dựng các đô thị tương lai.
Với Đề án thành lập TP Thủ Đức, mới đây, Chính phủ đã đồng ý kết quả rà soát đánh giá khu vực dự kiến thành lập TP Thủ Đức theo tiêu chí đô thị loại 1 như đề nghị của Bộ Xây dựng. Chuyên gia cho rằng cần phải quy hoạch sao cho TP Thủ Đức phải là nơi an cư lạc nghiệp cho người dân. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò điều phối, tạo cơ chế phát triển; nhà đầu tư phát triển dự án; doanh nghiệp phục vụ dân sinh và chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực cùng góp ý, để xây dựng một nơi đáng sống cho nhiều nhóm dân cư.
Trao đổi thêm với phóng viên, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định, chỉnh trang đô thị sẽ là một trong những thách thức lớn tại khu Đông hiện nay và TP.HCM cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ, bài bản cho đề án lớn này.
Giai đoạn 2000-2008, quy hoạch, cơ sở hạ tầng gần như mới tăng tốc. Giá nhà đất bắt đầu tăng vọt. Tuy nhiên, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng thời kỳ này vẫn thiếu vắng những nhà đầu tư lớn. Sau khủng hoảng kinh tế, từ năm 2013 đến nay, quy hoạch, phát triển hạ tầng mới được đẩy mạnh trở lại với những dự án lớn hàng tỷ USD. Tuy nhiên, hạ tầng đô thị cũng đối mặt nhiều thách thức, tạo gánh nặng cho người dân. Ông dự báo giai đoạn tới là giai đoạn hội nhập với nhiều nhà đầu tư lớn.
"Quy hoạch tại Việt Nam giống các nước phương Tây là gặp nhiều áp lực sau chiến tranh. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất là trong khi nước ngoài chọn phát triển khu ngoại vi trước, mới phát triển trung tâm thì Việt Nam ngược lại, trung tâm làm trước, sau là ngoại vi. Việc quy hoạch này xuất phát từ nhiều nguyên nhân và để lại hệ luỵ là di sản biến mất, lô cốt, ngập nước, kẹt xe", KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu.
Quy hoạch thế nào cho những đô thị tương lai?
Chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, quy hoạch phát triển đô thị hiện nay là vấn đề quan trọng đối với mỗi thành phố. Quá khứ đã có nhiều dự án hiện đại, quy hoạch phát triển khách sạn 5 sao nhưng ngay phía trước là con đường ngập. Muốn người dân an cư lạc nghiệp phải xây dựng được môi trường sống, mỗi cộng đồng dân cư phải đáp ứng nhu cầu sống và làm việc hàng ngày. Đây là xu hướng trong phát triển đô thị.
Theo ông, quy hoạch đô thị phải kết hợp quy hoạch môi trường, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch hạ tầng.
Cụ thể, với quy hoạch môi trường, việc phát triển phải song hành với tác động môi trường. Nếu như trước đây, nhiều nhà đầu tư có phần tránh né thì hiện nay, phải là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Về quy hoạch sử dụng đất, buộc phải đảm bảo khu dân cư đáp ứng nhu cầu nhiều nhóm cộng đồng khác nhau, thu nhập khác nhau. Quy hoạch hạ tầng gồm hạ tầng xã hội, trường học, bệnh viện, dịch vụ… đi kèm.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, sắp tới sẽ là giai đoạn nhiều thách thức, đặc biệt với TP.HCM, TP đang triển khai nhiều dự án lớn tại khu vực TP Thủ Đức tương lai trên cơ sở sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức.
"Hiện đã có 1 bản quy hoạch sau cuộc thi quốc tế năm ngoái, nhưng đề thi năm ngoái là phát triển một số khu vực khu Đông chứ không phải phát triển TP phía Đông. Bản quy hoạch này chú trọng khu đô thị mới nhưng không tính toán chuyện chỉnh trang. Trong khi đó, chỉnh trang đô thị chiếm hơn một nửa của TP phía Đông, thành ra có thể nói mình chưa có một quy hoạch tốt, hoàn chỉnh. TP.HCM cần nghiên cứu và chuẩn bị cho dự án này", KTS Ngô Viết Nam Sơn thẳng thắn.
Theo ông, việc quy hoạch đô thị hiện nay cần học hỏi kinh nghiệm các nước tiên tiến, phối hợp giữa nhà nước và nhà đầu tư cùng thực hiện. Chỉ ra vấn đề nhà đầu tư chỉ lo làm dự án, còn hạ tầng đẩy cho nhà nước trong khi thiếu hụt ngân sách, ông cho rằng mỗi dự án hạ tầng không nên chờ ngân sách mà nên song hành thu chi, phối hợp tư nhân cùng thực hiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.