KTS Ngô Viết Nam Sơn: "Hoàn thành metro số 1, mới đi được 1/3 chặng đường"

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 14/10/2020 11:06 AM (GMT+7)
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, metro số 1 sắp đi vào vận hành, đánh dấu một bước phát triển mới của TP.HCM. Tuy nhiên, ông cho rằng, hoàn thành metro thì chỉ mới đi được 1/3 chặng đường; thử thách còn lại là không nhỏ nếu muốn thu hút người dân sử dụng.
Bình luận 0

Sau khi cập cảng Khánh Hội ngày 8/10 và sau đó được đưa về depot Long Bình lắp đặt trên đường ray; hôm qua (13/10), Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã tổ chức lễ đón đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Theo kế hoạch, quý I/2021 đoàn tàu sẽ được vận hành thử nghiệm trong depot, quý III/2021 vận hành thử nghiệm từ depot Long Bình đến Bình Thái. Và, cuối năm sẽ vận hành thử nghiệm đến Tân Cảng.

Toàn tuyến metro số 1 có tổng chiều dài gần 20km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương), sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Sau hơn một thập kỷ chờ đợi, tuyến metro số 1 đang chạy đua về đích trong niềm vui và mong chờ của chính quyền và người dân TP.HCM.

Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trò chuyện ngắn với TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia kiến trúc và quy hoạch, về kỳ vọng của tuyến metro số 1; cũng như những vấn đề TP.HCM cần thực hiện trong thời gian tới.

KTS Ngô Viết Nam Sơn: Hoàn thành metro số 1 là mới đi được 1/3 chặng đường, TP.HCM còn nhiều việc phải làm - Ảnh 1.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng metro đi vào vận hành, TP.HCM cần phải tiếp tục hoàn thiện trạm, xe buýt kết nối và các dự án xung quanh.

Sau nhiều nhiều năm chờ đợi, metro số 1 đang đón nhận nhiều tin vui và kế hoạch cuối năm sau sẽ vận hành. Ông kỳ vọng gì về tuyến metro này ?

Hiện metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang ở giai đoạn chuẩn bị hoàn thành. Đây là tiến bộ mới của TP.HCM, đánh dấu bước đầu phát triển đô thị về phía Đông theo mô hình TOD. TOD là mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Đây là xu hướng tiên tiến của thế giới.

Một thành phố lớn như TP.HCM, có đến hơn chục triệu dân thì việc phát triển metro là tất yếu, mới đủ sức phục vụ chuyên chở hành khách trong thành phố.

Có metro, điều này cũng bắt đầu đánh dấu việc người dân sẽ thấy hiệu quả của giao thông công cộng, khuyến khích họ sử dụng ngày càng nhiều hơn so với xe cá nhân.

Mới đi được 1/3 chặng đường

Để metro số 1 đạt hiệu quả, theo ông, TP.HCM cần làm tiếp những gì?

Dưới góc độ chuyên gia quy hoạch kiến trúc, tôi cho rằng TP.HCM cũng cần tỉnh táo đánh giá tình hình. Thực sự tiềm năng phát triển của metro đi kèm với phát triển quy hoạch rất lớn. Hoàn thành metro thì thực sự mình mới đi được 1/3 con đường thôi, thử thách còn lại là không nhỏ. TP cần cố gắng hơn trong việc hoàn thành quy hoạch cho đồng bộ.

Vậy chặng đường 2/3 còn lại TP.HCM cần làm là gì để phát huy hiệu quả của tuyến metro, thưa ông?

Tôi nhắc lại xây xong metro là chỉ mới hoàn thành 1/3 thôi.

1/3 còn lại là mạng lưới bãi xe xung quanh các trạm metro và mạng lưới xe buýt chằng chịt từ các trạm metro tỏa đi khắp nơi trong thành phố. Điều này phải nói là đang tiến hành quá chậm. Thật ra, nếu lý tưởng, khi metro hoàn thành thì các tuyến xe buýt này đã được đưa vào sử dụng rồi. Nhưng hiện chỉ mới bắt đầu tổ chức thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến metro.

Việc xây dựng các bãi xe xung quanh metro và các tuyến xe buýt đóng vai trò hàng đầu trong việc thu nhận hành khách về cho metro. Trong tình huống chưa hình thành mạng lưới xe, có thể thấy rằng năng suất xe chạy với lượng khách cao nhưng sức thu hút không cao, dẫn đến chưa hiệu quả như mong muốn.

Có thể thấy trước mắt, TP.HCM có thể bù lỗ cho việc vận hành metro trong thời gian khá dài trước khi đạt hiệu quả bởi khi hành khách nhiều, lấp đầy các tuyến thì tiền vé có được mới đủ vận hành. 

Khi chưa đồng bộ xe buýt và bãi xe, với kinh nghiệm các tuyến metro trên thế giới, tôi thấy người ta chỉ tò mò đi metro trong 1-2 tháng đầu, rồi lượng khách giảm dần do không có kết nối thuận tiện với metro.

KTS Ngô Viết Nam Sơn: Hoàn thành metro số 1 là mới đi được 1/3 chặng đường, TP.HCM còn nhiều việc phải làm - Ảnh 2.

Đoàn tàu đầu tiên của metro số 1 đã được lắp đặt trên đường ray tại depot Long Bình (quận 9). Ảnh: Quang Phương.

1/3 con đường còn lại là phát triển dự án cao tầng mật độ cao quanh các trạm dọc và quanh metro. Tôi thấy nhiều nhà đầu tư cũng nhạy bén đi vào phát triển mà thực ra cũng chỉ một số dự án thôi, chưa phải quy hoạch hoàn chỉnh. Trong bán kính 500-800 mét, phải quy hoạch đồng bộ và phát triển luôn dịch vụ thương mại, chung cư, cao ốc văn phòng.

Con đường đi đến phát triển đô thị TOD theo mô hình và kinh nghiệm thế giới, mình đã đi được 1/3 là điều đáng khuyến khích, nhưng cần ý thức rằng xây xong rồi là còn những vấn đề thử thách trước mắt cần giải quyết, chứ vẫn chưa đi đến cuối con đường.

Nên hoàn thành 100% rồi tính đến tuyến khác

Metro số 2 cũng đang gấp rút giải phóng mặt bằng. Theo ông, kinh nghiệm phát triển các tuyến metro sau metro số 1 là gì?

Có nhiều metro là lý tưởng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh không thể làm hết một lần thì tôi cho rằng quan trọng hơn là phát triển tuyến nào ra tuyến đó, hơn là khởi công 5-6 tuyến cùng lúc nhưng không có cái nào xong hết. 

Điều quan trọng trong mỗi tuyến, cần hoàn thành 100% dự án, chứ không phải xây metro xong là thôi, tức phải kết nối đồng bộ xe buýt và các dự án. 

Tôi cho rằng thay vì gấp rút khởi công tuyến số 2, 3 thì cần dồn lực tập trung cho tuyến số 1 trước rồi các tuyến khác tính sau. Đừng nghĩ rằng xây metro số 1 xong, bắt đầu ngay vào tuyến metro số 2 là sai lầm. Bởi chưa hoàn thành hoàn chỉnh thì xây rồi vẫn phải bù lỗ, chỉ có cái hoàn chỉnh 100%, làm tuyến khác sẽ bền vững hơn.

Tuyến metro số 2, 3 vẫn có thể chuẩn bị, nhưng cần dồn lực hoàn thiện 100% cho tuyến số 1.

Phương tiện cá nhân như xe máy tại TP.HCM rất nhiều, người dân cũng có thói quen sử dụng nó từ trước đến nay. Liệu có dễ thay đổi thói quen này khi các metro đi vào hoạt động không, thưa ông?

Thói quen có thể thay đổi được nếu như metro thực sự tiện lợi. Nếu có metro mà không có xe buýt kết nối thì sẽ không tiện lợi. Như tôi đã nói, làm xong hết đủ 3 thành phần: metro; mạng lưới trạm, xe buýt kết nối và dự án thì sẽ tiện lợi và thu hút người dân sử dụng. Nếu chỉ xây xong metro và nghĩ đủ rồi, không làm 2 phần kia thì dân sẽ không sử dụng đâu.

Metro sắp vận hành, bến xe Miền Đông mới vừa hoạt động, TP cũng thông qua chủ trương thành lập TP Thủ Đức, ông đánh giá thế nào về quy hoạch khu Đông hiện nay?

Quy hoạch khu Đông là dự án lớn, tôi nghĩ cần có quy hoạch bài bản nhưng hiện nay vẫn chưa có. Đây là một thử thách lớn cho thành phố sắp tới. 

Hiện đã có 1 bản quy hoạch sau cuộc thi quốc tế năm ngoái nhưng đề thi năm ngoái là phát triển một số khu vực khu Đông chứ không phải phát triển TP phía Đông. 

Bản quy hoạch này chú trọng khu đô thị mới nhưng không tính toán chuyện chỉnh trang. Trong khi đó, chỉnh trang đô thị chiếm hơn một nửa của TP phía Đông, thành ra có thể nói mình chưa có một quy hoạch tốt, hoàn chỉnh. TP.HCM cần nghiên cứu và chuẩn bị cho dự án này.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem