Kỳ bí lễ mở đất của người Dao Tiền ở Bắc Kạn, chỉ có thể tổ chức ở ngôi đình thiêng trăm năm tuổi?
Chiến Hoàng
Thứ ba, ngày 13/06/2023 14:06 PM (GMT+7)
Tháng 4 âm lịch hằng năm, người Dao Tiền ở thôn Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn lại tất bật chuẩn bị cho lễ mở đất. Đây là một trong 4 nghi lễ lớn trong năm của người Dao Tiền nơi đây nhằm mục đích cầu mùa màng trước khi vào mùa vụ mới.
Lễ mở đất và ngôi đình trăm tuổi của người Dao Tiền xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Clip: Chiến Hoàng
Ngôi đình trăm năm tuổi áp chế "vùng đất dữ"
Không chỉ được biết đến là căn cứ địa cách mạng quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thôn Bản Ca (xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) còn được biết đến bởi những đặc sắc văn hóa của người Dao Tiền. Đặc biệt, nơi đây có ngôi đình Bản Ca có lịch sử hơn trăm năm tuổi, được đồng bào Dao Tiền tin rằng có thể áp chế "vùng đất dữ".
Đình Bản Ca (thôn Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) được lập nên từ năm 1911. Hằng năm, tại ngôi đình này diễn ra rất nhiều nghi lễ của người Dao Tiền, trong đó có 4 nghi lễ quan trọng gồm: Lễ cầu sức khỏe, bình an diễn ra vào ngày 4 tháng Giêng; lễ cầu mùa tháng 4 âm lịch; lễ tạ ơn báo hiếu ngày 15/7 âm lịch và lễ tạ trời đất, ăn mừng lúa mới vào tháng 8 âm lịch.
Vào những ngày này, người Dao Tiền thôn Bản Ca lại tất bật quét dọn quanh ngôi đình thiêng để chuẩn bị cho lễ mở đất, cầu mùa tháng 4 âm lịch.
Sáng 12/4 âm lịch, khi sương còn chưa kịp tan trên các đỉnh núi, những người đàn ông trong bản đã tay dao, tay thớt mổ lợn, mổ gà chuẩn bị cho buổi lễ.
Ông Bàn Văn Cúng (người chủ trì, điều hành buổi lễ - PV) cho biết, vùng đất này trước đây là nơi cư trú của đồng bào Tày, tuy nhiên đây là "vùng đất dữ" nên người Tày đã di chuyển đi nơi khác. Khi người Dao Tiền đến sinh sống đã lập nên đình Bản Ca.
"Đình Bản Ca là ngôi đình thiêng, trong đình có 10 ban thờ, thờ Bàn Vương, thờ các vị thần núi, thần suối và thờ các dòng họ người Tày, người Dao Tiền có công khai phá, sinh sống cũng như lập đình trên vùng đất này. Các nghi lễ trong năm diễn ra tại đình Bản Ca mang ý nghĩa kết nối với các vị thần trong tín ngưỡng của người Dao Tiền, gửi gắm ước muốn của dân bản về vụ mùa bội thu, đời sống no ấm cũng như thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tính cố kết cộng đồng bền chặt của người Dao Tiền" - ông Cúng cho biết thêm.
"Lễ mở đất, cầu mùa của người Dao Tiền thôn Bản Ca đã có từ nhiều đời. Đình Bản Ca và lễ cầu mùa có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của người Dao Tiền nơi đây. Chúng tôi mong muốn được ngành văn hóa quan tâm, tu bổ, tôn tạo để lễ cầu mùa của người dân Bản Ca gắn với phát triển du lịch về nguồn ATK".
(Ông Bàn Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn)
Theo các cụ cao niên trong vùng, từ khi lập đình đến nay, việc cấy hái, nuôi trồng cũng thuận lợi hơn. Ngôi đình Bản Ca cũng giúp cho người Dao Tiền nơi đây gắn kết với nhau hơn thông qua những hoạt động văn hóa tín ngưỡng cộng đồng.
Người Dao Tiền nơi đây tin rằng, thôn Bản Ca có thể trở thành vùng đất có bờ xôi ruộng mật, cuộc sống của người dân trong thôn từng bước khấm khá chính nhờ có ngôi đình thiêng hàng trăm năm tuổi giúp áp chế "vùng đất dữ".
Trì chú, phát hạt giống trong lễ mở đất
Ngày chính lễ, mặt trời còn chưa ló dạng, người trong thôn đã lục tục kéo đến đình Bản Ca. Hôm nay, thôn Bản Ca tiến hành nghi lễ mở đất, cầu mùa. Khi các mâm lễ đã được bày biện trên các ban thờ, lúc này, thầy lễ Bàn Văn Cúng mũ áo chỉnh tề cũng bắt đầu lầm rầm những bài khấn của người Dao Tiền.
Mở đầu nghi lễ, thầy Bàn Văn Cúng hướng ban thờ Bàn Vương khấn chú mời Bàn Vương xuống làm trọng tài buổi lễ. Tiếp sau, thầy lễ bắt đầu những bài cúng các vị thần núi, thần suối, thổ công, thổ địa, người có công khai phá, dựng đình rồi các dòng họ trước đó từng sinh sống tại vùng đất này.
Tiếng thầy Cúng âm trầm, uy nghiêm. Những bài khấn của thầy lễ cứ vậy lan lan trong ngôi đình thiêng. Phía ngoài, những người đàn ông bắp tay cuộn săn như con suối mùa lũ, các sơn nữ trong trang phục Dao Tiền vẫn miệt mài với công việc của mình.
Chúng tôi có cảm giác, không khí linh thiêng không chỉ toát lên trong ngôi đình mà chừng như, cả vùng đất nơi ngôi đình án ngữ cũng ăm ắp khí thiêng. Thầy lễ lúc này vẫn chìm trong những bài khấn chú của mình.
Khi mặt trời chạm đỉnh núi, cũng là lúc những bài khấn của thầy lễ Bàn Văn Cúng kết thúc. Lúc này, thầy lễ cũng đã bắt đầu thực hiện nghi thức tra hạt. Đây là nghi thức mô phỏng hoạt động trồng lúa nương của người Dao Tiền từ vài trăm năm trước.
Người dân trong thôn lúc này cũng bắt đầu xếp hàng xin hạt giống đã được thầy lễ trì chú để về gieo trồng. Theo người Dao Tiền nơi đây, việc xin hạt giống này là để lấy may, giúp cho những mảnh đất canh tác của các gia đình bội thu trong mùa tới.
Kết thúc phần lễ, cả bản cùng nhau ngồi thụ lộc, ăn bữa cơm đoàn kết mừng mùa vụ mới.
Ông Bàn Văn Đức (thôn Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, đất nơi ngôi đình Bản Ca án ngữ khá rộng. Trước đây bà con trong thôn đã bàn bạc, thống nhất lấy một bãi đất, tạo mặt bằng để tổ chức phần hội.
"Nhiều người cũng mong muốn các lễ hội của thôn được tổ chức ở đây. Tuy nhiên sau nhiều lần thực hiện khấn chú, tung âm dương ở đình Bản Ca để xin đều không được, do đó mới không làm nữa"- ông Đức thông tin thêm.
Theo các cụ cao niên trong vùng, lễ mở đất, cầu mùa của người Dao Tiền ở thôn Bản Ca không có phần hội với các hoạt động văn nghệ dân gian mà chú trọng vào phần lễ, chính là để thỏa mãn nhu cầu tâm linh và đảm bảo sự trang nghiêm cho ngôi đình.
Vụ mùa mới của người Dao Tiền thôn Bản Ca đã bắt đầu. Trong lễ mở đất, cầu mùa, người dân Bản Ca luôn nhắc nhở nhau, cũng là nhắc nhớ chính mình phải chăm chỉ lao động sản xuất để có được lễ mừng lúa mới thật to, thật vui vào dịp tháng 8 âm lịch của năm.
Có thể nói, trải qua hơn trăm năm tồn tại, ngôi đình Bản Ca đã trở thành chỗ dựa tinh thần, giúp người Dao Tiền nơi đây an yên mà sinh sống, lao động sản xuất và truyền từ đời này qua đời khác ở nơi từng được cho là "vùng đất dữ" này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.