Kỳ vọng kinh tế 2022: Nông nghiệp là bệ đỡ, công nghiệp chế biến chế tạo mới là đột phá

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 01/01/2022 07:00 AM (GMT+7)
Dù vừa bước qua một năm đầy khó khăn với tăng trưởng GDP thấp kỷ lục từ khi đổi mới, song nhiều chuyên gia vẫn tin tưởng và đưa ra những dự báo tích cực về bức tranh kinh tế 2022 của Việt Nam.
Bình luận 0

Nhiều thông tin tích cực cho kinh tế 2022

Nhấn mạnh, kinh tế 2022 sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro như lạm phát, rủi ro tài chính từ nợ quốc gia cho tới thị trường chứng khoán, bất động sản… nhưng theo TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, năm 2022 cũng là một năm có nhiều thông tin tích cực.

Tích cực đầu tiên là năng lực y tế, vaccine đã tốt hơn, và quan trọng hơn nữa là cách ứng xử bình tĩnh hơn và phù hợp hơn dù đại dịch vẫn còn diễn biến khó lường. Việc chuyển hướng chiến lược trong phòng chống dịch là một điển hình.

Điểm tích cực thứ hai là đà phục hồi kinh tế thế giới vẫn tiếp tục dù rằng tốc độ tăng trưởng sẽ giảm – đây là yếu tố rất quan trọng đối với nền kinh tế mở như Việt Nam về thương mại, đầu tư, du lịch, dịch chuyển chuyên gia…

Kinh tế 2022: Nông nghiệp là bệ đỡ, công nghiệp chế biến chế tạo mới là đột phá - Ảnh 1.

Nhiều thông tin tích cực cho kinh tế 2022. (Ảnh: LT)

Không chỉ trong chống dịch, theo TS Thành, Việt Nam đã nhận thức và đang chuẩn bị số liệu cách thức cụ thể về chương trình, các biện pháp hỗ trợ đủ liều đủ mạnh đủ quyết liệt và cố gắng thực thi cho đúng, trúng, kịp thời và hiệu quả. Đó cũng là thông tin tích cực cho kinh tế 2022 của Việt Nam.

Nếu nhìn ở cấp độ vi mô, người dân và doanh nghiệp qua trải nghiệm với đại dịch đã học được cách sống, cách làm ăn vừa đảm bảo có khả năng sống sót, trụ lại và dần phục hồi. Không chỉ vậy, ít nhiều chúng ta đã bắt nhịp với những xu hướng phát triển mới đòi hỏi mới như xanh, tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy chuyển đổi số,…

"Không phải ngẫu nhiên những đánh giá, dự báo của rất nhiều tổ chức trong và ngoài nước khá là gần với con số tăng trưởng GDP mà Chính phủ muốn đạt, tức là tăng trưởng năm tới từ 6 – 6,5%, đã được Quốc hội thông qua", ông Thành nhấn mạnh.

Cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% đề ra cho năm 2022 là "khá thận trọng", chia sẻ với PV Dân Việt, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính nhận định, không cần gói hỗ trợ mới, tăng trưởng GDP năm 2022 vẫn có thể đạt 7%.

"Tôi cho rằng, không cần phải có gói hỗ trợ lên tới hàng trăm nghìn tỷ như các đề xuất gần đây, chỉ cần thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ hiện có, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, các ngành bị kìm nén khá lâu do dịch bệnh sẽ nhanh chóng "bật dậy" và tôi tin rằng tăng trưởng GDP năm 2022 có thể lên tới 7% - 7,5%", ông Thịnh nêu quan điểm.

Thậm chí TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 có thể đạt tới 8%.

Lý giải nguyên nhân vì sao kỳ vọng tăng trưởng ở con số lạc quan này, TS Nguyễn Đức Độ phân tích, với tình hình phục hồi như quý IV/2021, GDP quý I/2022 có thể tăng trưởng khoảng 6%, còn cả năm 2022 có thể đạt hơn 8% nhờ một số ngành trong năm 2022 sẽ phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là các ngành dịch vụ như: Du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn...

Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP năm 2022 chỉ phải so với nền tăng trưởng thấp của năm 2021, do vậy mức tăng tới 8% cũng không phải là điều không thể.

Với quan điểm thận trọng hơn, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và Phát triển tài chính cho rằng, để tăng trưởng kinh tế 2022 đạt mục tiêu đề ra 6 – 6,5% trước những rủi ro rất lớn là Covid-19 vẫn chưa được khống chế, Việt Nam cần phải giải quyết rất nhiều "bài toán". Đó là, bài toán về sự nhất quán trong chính sách chống dịch, gỡ những "nút thắt" về nguồn lao động do nguồn lao động di cư về quê không quay trở lại làm việc khiến cho doanh nghiệp thiếu lao động. Ngoài ra, việc thực hiện gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cần được đẩy nhanh bởi nếu đến quý II/2022 mới triển khai, hiệu quả sẽ không đạt kỳ vọng.

Kinh tế 2022: Nông nghiệp là bệ đỡ, công nghiệp chế biến chế tạo mới là đột phá - Ảnh 3.

Động lực cho tăng trưởng kinh tế 2022

Bàn về động lực cho tăng trưởng kinh tế 2022, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn – Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế Việt Nam trong năm này, mặc dù mức tăng trưởng không có nhiều đột phá, xoay quanh mức tăng khoảng 2-3%.

Tuy nhiên, tăng trưởng của ngành nông nghiệp giúp đảm bảo cho hơn 30 triệu lao động, đảm bảo quốc kế dân sinh cho 60% dân số khu vực nông thôn và nền tảng cho quá trình đô thị hóa.

Về khả năng dẫn dắt đột phá, theo ông Tuấn ngành công nghiệp chế biến chế tạo là trụ cột. Theo đó, trong năm 2022, ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ thúc đẩy được mạnh mẽ, cả từ phía cầu kéo cả phía cung – đó cũng là điểm yếu của nền kinh tế trong năm 2021.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn là điểm đến đáng tin cậy, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. "Thời gian qua các chuyến công du của các lãnh đạo ra nước ngoài trong bối cảnh đại dịch, như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sang Mỹ, Thủ tướng sang châu Âu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sang Hàn Quốc hoặc Ấn Độ đã mang về rất nhiều cam kết đầu tư cho Việt Nam. Đó là niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam", ông Tuấn nhấn mạnh.

Trong năm 2022, ông Tuấn cũng kỳ vọng Chính phủ và các địa phương sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tái cấu trúc lại nền kinh tế. Từ đó, sẽ tạo ra các cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình tái cấu trúc đó và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Điều đó cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng không chỉ trong ngắn hạn mà còn tạo ra nền tảng có thể phục hồi bền vững hơn trong dài hạn.

Kinh tế 2022: Nông nghiệp là bệ đỡ, công nghiệp chế biến chế tạo mới là đột phá - Ảnh 4.

Xuất khẩu là động lực tăng trưởng kinh tế 2022. (Ảnh: D.V)

Còn theo TS. Võ Trí Thành nếu nhìn vào tổng cầu sẽ có 2 động lực cho phát triển kinh tế 2022 đó là xuất khẩu, gắn với tăng trưởng của kinh tế thế giới nhất là các đối tác của Việt Nam, đồng thời gắn với việc Việt Nam tận dụng tốt hơn việc mở cửa của nền kinh tế nước nhà.

Động lực thứ hai là đầu tư công, tuy nhiên bài toán hiện nay vẫn là làm sao có thể đẩy nhanh được giải ngân đầu tư công, tăng hấp thụ của nền kinh tế.

"Nói như vậy không có nghĩa rằng chúng ta không quan tâm đến đầu tư tư nhân. Điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta không quan tâm ít nhiều đến việc kích cầu tiêu dùng", ông Thành nêu quan điểm.

Về phía cung, gắn với đầu tư công ngành xây dựng sẽ phát triển tốt, hay với tăng trưởng kinh tế hiện nay và nhu cầu càng thể hiện trong đại dịch là hàng nông sản, thủy sản – đó là những "đường dẫn" cho tăng trưởng kinh tế 2022. Thậm chí nếu dẫn dắt khéo, những ngành khó khăn có thể bước có những bước đầu chập chững sẽ dần dần có bước phục hồi tốt hơn – theo ông Thành.

Còn theo các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán VnDirect, cầu nội địa phục hồi là bệ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế 2022 của Việt Nam.

Theo lập luận của tổ chức này, ngành dịch vụ đóng góp tỷ trọng lớn nhất vào GDP của Việt Nam, chiếm 41,6% GDP danh nghĩa vào năm 2019. Thật không may, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của người dân suy giảm trong giai đoạn 2020-2021.

Tuy nhiên, ngành dịch vụ dự báo sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022, với động lực chính đến từ việc mở lại các dịch vụ không thiết yếu và sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa khi thu nhập thực của người dân được cải thiện với dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,5% so với cùng kỳ trong khi lạm phát dự kiến tăng 3,45% so với cùng kỳ vào năm 2022, đạt mục tiêu của Chính phủ là kiểm soát lạm phát dưới 4,0%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem