Lãi vay ngày càng đắt đỏ

Huyền Anh Thứ năm, ngày 08/09/2022 08:38 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh dòng vốn hạn chế, nguy cơ lạm phát cao lãi vay cũng theo đà tăng lên và ngày càng đắt đỏ so với sức chịu đựng của nền kinh tế. Theo khảo sát của Dân Việt, lãi suất cho vay đã tăng từ 1- 2%/năm chỉ trong 3 tháng qua.
Bình luận 0

Ngân hàng Nhà nước đã cấp thêm hạn mức tín dụng cho các nhà băng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Đây là động thái hiển nhiên trong bối cảnh nền kinh tế cần được "tiếp sức" để tiếp tục quá trình phục hồi.

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, dòng vốn tiếp tục đổ vào nền kinh tế trong khi rủi ro lạm phát ngày càng cao không khác gì "lửa đổ thêm dầu", gây áp lực lên lãi suất huy động. Lãi suất cho vay cũng chịu tác động đi lên.

Nhiều doanh nghiệp, người vay vốn kinh doanh như "ngồi trên đống lửa" vì lo ngại phải vay vốn đắt đỏ hơn trước, trong khi cạnh tranh thì càng gay gắt do chi phí đầu vào vẫn đang tăng mạnh.

Lãi vay ngày càng đắt đỏ

Vay tiền mua nhà, chị N.H (Cầu Giấy, Hà Nội) đứng ngồi không yên vì lãi suất khoản vay tại một ngân hàng quốc doanh lớn ngày càng "leo thang".

Theo chia sẻ của chị H, tại thời điểm vay cách đây hơn 1 năm lãi suất chỉ 7%/năm. Tuy nhiên, đến nay lãi vay chị phải "gánh" cho khoản dư nợ này lên tới 9,3%/năm, tức là đã tăng 2,3 điểm %. Đặc biệt, trong các tháng gần đây, lãi suất liên tục được điều chỉnh.

"Lãi suất gần như tháng nào cũng tăng, như tháng trước 9,2%/năm thì nay là 9,3%/năm với khoản vay hơn 1,2 tỷ đồng. Lãi vay tăng, cộng thêm giá xăng dầu, hàng hóa tiêu dùng, đồ ăn thức uống,… cũng đội lên, trong khi đó thu nhập của gia đình không tăng thậm chí còn giảm so với thời điểm vay nên mỗi lần trả lãi, chúng tôi đều rất sốt ruột. Nếu ngân hàng thực sự chia sẻ với người dân như chúng tôi thì đừng đua nhau tăng lãi suất", chị H than thở.

Lãi vay ngày càng đắt đỏ - Ảnh 1.

Lãi suất huy động tăng, lãi vay ngày càng đắt đỏ. (Ảnh minh họa: BID)

Tương tự, anh H.T (chủ cửa hàng kinh doanh tạp hóa lớn tại Hoài Đức, Hà Nội) cũng đang "phiền muộn" vì gánh nặng từ lãi vay.

Anh T chia sẻ, Anh vay 500 triệu động để bổ sung vốn lưu động, lãi suất lên tới 12%/năm bởi "không mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ". Trong khi đó, cách đây 1 năm, anh chỉ vay với lãi suất 9,5%/năm.

"Tiểu thương chúng tôi còn gặp khó trăm bề nên mới phải đi vay. Nhưng việc tiếp cận vốn khó khăn, vay được thì lãi suất tăng vọt khiến chúng tôi rất chật vật", anh T chán nản cho hay.

Không chỉ các cá nhân, với doanh nghiệp cũng gặp tình trạng tương tự.

Chia sẻ với PV Dân Việt, lãnh đạo một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau từ bất động sản, vật liệu xây dựng, chăn nuôi,… trên địa bàn các tỉnh cũng cho biết, so với đầu năm nay lãi suất cho vay đã tăng lên đáng kể.

"Lãi vay hiện nay của doanh nghiệp là 10,2%/năm, mới tăng cách đây 4 tháng. Trước đó, lãi suất vay chỉ khoảng 8,5%/năm. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp mong muốn lãi vay chỉ khoảng 5% - 6%/năm", giám đốc một doanh nghiệp cho hay.

May mắn hơn các doanh nghiệp kể trên khi đã tiếp cận được chương trình hỗ trợ lãi 2% theo Nghị quyết 31/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, ông chủ doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi cho biết, nếu so với trước và sau hỗ trợ thì chi phí lãi vay của doanh nghiệp không "bớt được đồng nào".

Lý giải, ông chủ doanh nghiệp cho biết, tại thời điểm trước khi tiếp cận hỗ trợ 2% lãi vay doanh nghiệp đang trả ngân hàng cho khoản dư nợ 40 tỷ đồng là 6,2%/năm. Tuy nhiên, gần đây ngân hàng đã nâng lãi vay lên 8,2%/năm.

"Nhờ doanh nghiệp tiếp cận được chương trình hỗ trợ 2%, nên lãi suất tính ra còn 6,2%/năm - bằng với lãi vay trước đó doanh nghiệp trả cho ngân hàng. Như vậy, tính ra doanh nghiệp chưa "bớt được đồng nào". Tất nhiên, nếu so với xu hướng tăng lãi suất huy động và cho vay hiện nay, thì doanh nghiệp vẫn có lợi hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp khác", ông chủ doanh nghiệp này cho hay.

Ngược lại, đối với nhiều doanh nghiệp thì "vay được đã là mừng", bởi vấn đề mà các doanh nghiệp này đang phải đối mặt không phải là câu chuyện lỗ hay lãi mà là sự sống còn, là thanh toán. Vì vậy, để vay được vốn thì việc lãi vay cao hay thấp doanh nghiệp đều phải chấp nhận.

Lãi vay tăng cao cuối năm?

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng thừa nhận, lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại thời gian qua có biến động tăng.

Tuy nhiên, theo thống kê của Phó Thống đốc, lãi suất huy động chỉ tăng 0,25% và lãi suất cho vay là 0,24% - đây là mức tăng thấp nhất so với tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Hiện tại, lãi suất cho vay bình quân hiện chỉ từ 7,9 - 9,3%, kể cả dư nợ cũ và dư nợ mới; lãi suất huy động bình quân từ 6,3 – 6,8% đối với kỳ hạn trên 1 năm. Các mức lãi suất này so với các năm gần đây đã được duy trì khá ổn định.

Dự báo diễn biến lãi suất những tháng cuối năm, lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng, sẽ phụ thuộc vào nhiều ẩn số liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô và lạm phát. Tuy nhiên, trong vài tháng tới, lãnh đạo OCB dự báo lãi suất cho vay có thể tăng nhẹ 0,1-0,2%/năm do chịu áp lực mạnh hơn từ lãi suất đầu vào.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia, lãi suất cho vay sẽ chưa dừng đà tăng, khi mà lãi suất huy động tăng nhanh.

Cụ thể, chỉ trong những ngày gần đây, đã có tới gần 20 ngân hàng thương mại tiếp tục tăng lãi suất huy động trong những ngày gần đây và đẩy lãi suất tiết kiệm cao nhất lên 8,8%/năm.

Cũng theo giới phân tích, thời gian tới lãi suất huy động sẽ tăng nhanh bởi các ngân hàng đã được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, từ 1/10, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn sẽ phải giảm từ 37% xuống 34%, kéo theo việc các ngân hàng phải gia tăng nguồn vốn huy động dài hạn. Hai yếu tố này đẩy chi phí vốn bình quân của các ngân hàng cao hơn, kéo theo đó lãi suất cho vay tiếp tục tăng cao trong các tháng cuối năm.

Lãi vay ngày càng đắt đỏ - Ảnh 3.

Lãi suất cho vay sẽ chưa dừng đà tăng, khi mà lãi suất huy động tăng nhanh. (Ảnh: TN)

Công ty chứng khoán KB (KBSV) cũng nhìn nhận lãi suất huy động sẽ nhích lên nửa cuối năm trước áp lực lạm phát và nhu cầu tín dụng hồi phục. Với kịch bản lạm phát tăng 3,8%, KBSV dự báo lãi suất huy động nhiều khả năng tăng 0,5-1%, đẩy lãi suất cho vay tăng khoảng 0,4 - 0,7%/năm.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu thì khuyến nghị: "Hãy để mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 1%-1,5% từ nay đến cuối năm để kiểm soát lạm phát đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem