Làm giàu khác người: Người đàn bà quê Bắc Ninh nhặt thứ cả làng vứt đi kiếm bộn tiền

Thứ tư, ngày 05/08/2020 13:10 PM (GMT+7)
Quá trình thu mua phế liệu, bà Đến phát hiện Phước Long (tỉnh Bình Phước) là thủ phủ hạt điều nhưng rất ít người làm gia công vỏ lụa lấy điều tấm, đa số tập trung gia công hạt điều lấy nhân xuất khẩu. Nhận thấy gia công vỏ lụa ít vốn, ít rủi ro nên năm 2015, bà Đến thu mua vỏ lụa để gia công lấy điều tấm.
Bình luận 0

Khát khao phát triển kinh tế để vươn lên trong cuộc sống, năm 2010, gia đình bà Nguyễn Thị Đến (SN 1960) rời quê hương quan họ Bắc Ninh vào khu phố 9, phường Long Phước, thị xã Phước Long (Bình Phước) lập nghiệp. 

Làm giàu khác người: Nhặt thứ cả làng vứt đi kiếm bộn tiền - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Đến, phố 9, phường Long Phước, thị xã Phước Long (Bình Phước) gia công vỏ lụa hạt điều lấy tấm.

Tài sản chỉ có sức khỏe và tinh thần lạc quan, ham lao động, 10 năm sau, gia đình bà Đến đã có cuộc sống khá sung túc. Không những vậy, hộ bà còn tạo việc làm cho những người xung quanh và nhiệt tình tham gia xây dựng các phong trào tại khu dân cư.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Thời điểm mới vào Phước Long, gia đình bà Nguyễn Thị Đến phải ở nhờ và đi làm thuê kiếm sống. Chồng và con trai đi làm thuê, còn bà Đến thu mua ve chai. Cả nhà chăm chỉ lao động, chi tiêu tiết kiệm với mong ước có được căn nhà để “an cư lạc nghiệp”.

 Tăng thêm sức mạnh tinh thần, ông bà đã chủ động đăng ký tham gia sinh hoạt tại các chi hội người cao tuổi, cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ… ở địa phương để vừa sinh hoạt vừa học hỏi phương thức làm ăn, phát triển kinh tế trên quê hương mới.

Nhờ tích cóp từ tiền làm thuê, mấy năm sau gia đình bà Đến đã sang nhượng được mảnh đất nhỏ bằng cách trả góp. Thấy gia đình bà Đến siêng năng lao động nên năm 2015, Hội Cựu chiến binh thị xã Phước Long vận động ủng hộ gia đình bà 30 triệu đồng xây nhà tình nghĩa. Nhờ đó, gia đình bà Đến đã có nhà ở và quyết tâm phát triển kinh tế ngay trên vùng đất giàu tình người này. Bà Đến chia sẻ: Lúc xây nhà, gia đình chỉ có ít tiền tiết kiệm nên chủ yếu tự xây. Không có nước, mỗi ngày tôi phải xách nước đổ vào bể chứa để trộn hồ. Tuy vất vả nhưng vốn lạc quan, tôi tin chỉ cần có sức khỏe thì sẽ vượt qua khó khăn.

“Nỗ lực không cần tuổi”

Quá trình thu mua phế liệu, bà Đến phát hiện Phước Long là thủ phủ hạt điều nhưng rất ít người làm gia công vỏ lụa lấy điều tấm, mà đa số chỉ tập trung gia công hạt điều lấy nhân xuất khẩu. Nhận thấy gia công vỏ lụa ít vốn, ít rủi ro nên năm 2015, bà Đến thu mua vỏ lụa để gia công lấy điều tấm. Công việc tuy vất vả nhưng phù hợp với người ít vốn. Bà Đến cho biết: "Vỏ lụa là phế phẩm của ngành sản xuất điều nên ít ai quan tâm, giá rẻ. Mới đầu không có chỗ làm, tôi phải quạt thổi vỏ lụa nhờ trên đất người quen. Thời điểm giá điều tấm cao, tôi lãi mỗi ngày từ 1-1,5 triệu đồng. Từ đi làm thuê, giờ tôi làm chủ và có thu nhập ổn định".

Năm 2016, bà Đến mua 3 máy quạt và mở nhà xưởng để gia công vỏ lụa lấy điều tấm. Bà thuê thêm 2 nhân công cùng vợ chồng bà trực tiếp làm. Có cơ sở sản xuất, bà tự tin thu mua số lượng lớn vỏ lụa để gia công. Nhờ giá điều tấm cao nên bà có lãi và trả hết chi phí đầu tư, đồng thời sửa sang nhà cửa, tích lũy được vốn. Tuy nhiên, nhận thấy mỗi năm ngành điều ở Phước Long chỉ sôi động từ đầu năm đến giữa năm, còn lại hoạt động 1/2 công suất nên bà tiếp tục thu mua ve chai, đồng thời mở tiệm tạp hóa và chăn nuôi gà Đông Tảo để tăng thu nhập. 

Bà Đến dự định đầu tư mua máy quạt có công suất lớn để tăng sản lượng. “Nghề này tuy vất vả nhưng ít rủi ro, đảm bảo cuộc sống và phù hợp với phụ nữ, nhất là ở Phước Long. Sau này lớn tuổi tôi sẽ truyền lại kinh nghiệm cho con dâu để nối tiếp cơ nghiệp của gia đình. Hiện tôi còn sức khỏe nên sẽ cố gắng phát triển nghề” - bà Đến chia sẻ.

Chị Lê Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN phường Long Phước cho biết: Bà Đến là hội viên nòng cốt của các phong trào ở khu phố 9. Tuy tuổi cao nhưng bà Đến năng động, nhiệt tình, gương mẫu tham gia các phong trào tại địa phương. Bên cạnh đó, bằng ý chí vươn lên thoát nghèo, bà Đến đã quyết tâm khởi nghiệp ở tuổi 50 và trở thành điểm sáng cho nhiều phụ nữ noi theo.


Nghị lực vươn lên thoát nghèo và làm chủ cuộc sống của bà Nguyễn Thị Đến đã truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ khó khăn ở thị xã Phước Long nói riêng và Bình Phước nói chung. Bà Đến là tấm gương phụ nữ chịu khó, không vì hoàn cảnh khó khăn mà buông xuôi. Ngược lại, bằng chính khả năng của mình, bà đã nỗ lực vượt khó với tinh thần lạc quan. Ngoài ra, bà còn có lối sống hòa đồng, chân thành nên được nhiều người yêu mến...".

Chị HỒ THỊ PHƯƠNG, phường Long Phước, Thị xã Phước Long

Phương Dung (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem