Đại biểu Lê Thanh Vân: Làm luật kiểu "ăn đong" đang "hành" dân, khổ doanh nghiệp!

Nguyễn Tuyền Thứ năm, ngày 25/05/2023 12:56 PM (GMT+7)
"Vòng đời luật pháp của chúng ta ngắn quá, kiểu 'ăn đong', điều này đã và đang 'hành' dân và làm khổ doanh nghiệp", đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Bình luận 0

Kinh tế tăng trưởng chậm, doanh nghiệp và đời sống người dân khó khăn

Thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội ở tổ sáng nay 25/5, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nêu ra một loạt nguyên nhân, thực tiễn khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm, doanh nghiệp và đời sống người dân khó khăn.

Theo ông Lê Thanh Vân, nhiều nhận định kinh tế năm 2023 là năm "mã hồi" của Covid-19. Quả thực đúng vậy. Những gì chúng ta chứng kiến, những gì khó khăn, kiệt quệ đã xuất hiện ngay từ đầu năm.

Đại biểu Lê Thanh Vân: Làm luật kiểu "ăn đong", tư duy ngắn hạn đang "hành" dân, làm khổ doanh nghiệp! - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, đoàn đại biểu Cà Mau (Ảnh: Q.H)

Ông Vân cho rằng, kinh tế khó khăn cũng do bối cảnh thế giới, tác động lâu dài của đại dịch khiến cầu giảm sút, trong khi độ mở nền kinh tế Việt Nam lớn, sự trồi sụt của kinh tế của chúng ta như hàn thử biểu tương ứng tác động.

Tuy nhiên, ông Vân cho rằng vấn đề nội tại của Việt Nam mới là quan trọng. Chất lượng thể chế kém thì cán bộ kém hơn chứ không phải do sự vận hành của doanh nghiệp, nền kinh tế kém. Rõ ràng sự vận hành kém này khiến bức tranh kinh tế ảm đạm, số doanh nghiệp giảm rất nhiều, số công nhân mất việc làm tăng.

Ông Vân lấy dẫn chứng: "Chỉ trong ngày 23/5, trung tâm dịch vụ việc làm hồ sơ của tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận hơn 22.000 hồ sơ thất nghiệp, buồn lắm!".

Hay tình trạng doanh nghiệp mất đơn hàng, không bán được hàng cũng ngày càng nhiều. Tôi tìm hiểu một số tiểu thương tại chợ Bến Thành thì được biết, có giai đoạn 2 tuần liền họ không bán được chút hàng nào. Cầu trong nước giảm, dân đang phải thắt lưng buộc bụng, doanh nghiệp nợ lương, lấy đâu chi phí!?

Theo ông Vân, chất lượng thể chế và chất lượng cán bộ của chúng ta còn kém. Thể chế là cơ chế vận hành của cả một hệ thống, bộ máy. Tôi cho rằng, chúng ta phải rà soát về thể chế, cần lập ra một ban chỉ đạo trung ương. Như vậy mới đủ mạnh để lập ra trật tự pháp luật nhất quán, xuyên suốt", đại biểu Vân đề nghị.

Theo ông Vân, có đại biểu quốc hội nêu vòng đời luật pháp (thời gian áp dụng, sửa đổi, thay thế -PV) của chúng ta ngắn quá, kiểu 'ăn đong', đã và đang 'hành' dân và làm khổ doanh nghiệp, đại biểu Vân nhấn mạnh.

Theo đại biểu Vân, có tình trạng hôm nay chính sách thế này, mai lại thế khác; đời chủ tịch này ủng hộ dự án, công ty, doanh nghiệp này nhưng đời chủ tịch sau lại không ủng hộ, doanh nghiệp lâm vào khó khăn, bị thu hồi dự án, trong khi đó doanh nghiệp đã bỏ ra cả trăm tỷ đồng vào dự án đó rồi. 

Nếu còn tình trạng này, doanh nghiệp khó sống, khó phát triển được, mà doanh nghiệp trong nước mới là chính, mới là của đất nước, cần phải nuôi dưỡng.

Ông Vân cho rằng đã có tình trạng doanh nghiệp án binh bất động vì sợ sai, sợ bị xử lý. Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất là giải phóng năng lực doanh nghiệp trong nước, đó là các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu, công ty khởi nghiệp. 

Về việc xử lý khi doanh nghiệp sai phạm làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, phá hủy nền kinh tế, ông Vân khẳng định cần phải trừng trị thích đáng. Nhưng khi doanh nghiệp sai lầm, vướng mắc bởi thể chế, chính sách pháp luật không ổn định cũng cần phải được xem xét một cách khách quan.

"Có như vậy mới tạo được lực lượng doanh nhân thực sự hùng mạnh, tự chủ", ông Vân nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem