Làng gói bánh chưng tết lớn nhất tỉnh Nghệ An hối hả sắm gạo nếp, lá dong, thịt để
Làng gói bánh chưng tết lớn nhất tỉnh Nghệ An hối hả sắm gạo nếp, lá dong, thịt để
Thắng Tình
Chủ nhật, ngày 21/01/2024 19:40 PM (GMT+7)
Những nguyên liệu chính để gói bánh chưng như nếp, lá dong đã được chuẩn bị sẵn sàng. Nguồn thịt, đỗ xanh, hành củ để làm nhân bánh chưng cũng được người dân làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đặt trước. Tất cả đã sẵn sàng để vào vụ bánh chưng lớn nhất trong năm.
Làng nghề bánh chưng lớn nhất tỉnh Nghệ An hối hả vào vụ Tết
Những ngày cuối năm, làng nghề bánh chưng Vĩnh Hoà, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An rộn ràng không khí khẩn trương, tất bật để vào vụ bánh lớn nhất năm. Những nguyên liệu chính để làm bánh chưng như nếp, lá dong đều đã được các gia đình nhập về. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu để làm nhân bánh chưng như thịt lợn, đỗ xanh, tiêu… cũng đã được các gia đình đặt trước.
Làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An hối hả nhập nếp, lá dong, thịt lợn, hành củ để vào vụ bánh chưng dịp Tết Nguyên đán. Thực hiện: Thắng Tình
Làng Vĩnh Hòa từ bao đời nay đã nổi tiếng với nghề làm bánh chưng. Bánh chưng, bánh tét của làng Vĩnh Hòa từ lâu đã trở thành thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng. Các sản phẩm của làng Vĩnh Hòa không chỉ phục vụ thị trường trong tỉnh mà còn được nhập ra Bắc vào Nam. Nhờ nghề gói bánh chưng, người dân nơi đây có thu nhập ổn định, đời sống được nâng lên.
Đặc biệt, vào Tết Nguyên đán làng nghề bánh chưng Vĩnh Hòa nổi lửa thâu đêm suốt sáng. Những hộ làm bánh chưng thậm chí ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ, mỗi ngày chỉ chợp mắt 2 tiếng để gói bánh kịp giao hàng cho khách.
Tại gia đình bà Đào Thị Hợi (SN 1971, trú tại xóm Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành) hàng chục tấn nếp đủ các loại được chất khắp kho. Tại khu vực để gói bánh chưng các loại lá chuối, lá dong cũng được tập kết rất nhiều.
Bà Hợi cho biết, năm nay giá các loại nguyên liệu để gói bánh có tăng nhẹ. Vì thế hầu hết các gia đình đều tranh thủ nhập nguyên liệu sớm để chuẩn bị cho vụ bánh Tết.
Từ nhỏ bà Hợi đã biết gói bánh chưng. Đến bây giờ, bà Hợi đã làm nghề gói bánh chưng được hàng chục năm. Hàng ngày, bà Hợi vẫn gói bánh để giao cho các đại lý, khách hàng gần xa. Đến Tết Nguyên đán nhu cầu tăng cao, bà Hợi cũng phải thuê thêm nhân công mới kịp đáp ứng các đơn hàng.
Trang bị nồi điện công suất lớn, mỗi nồi nấu gần 400 cái bánh chưng
Ngày nay, hầu hết các hộ gia đình làm nghề gói bánh chưng ở làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành đã trang bị những chiếc nồi điện công suất lớn để nấu bánh chưng. Mỗi nồi điện có thể nấu khoảng 400 chiếc bánh chưng. Nấu bánh chưng bằng nồi điện giúp giảm công sức, tăng tốc độ, bánh chín đều, ngon và đẹp hơn.
"Mỗi dịp Tết Nguyên đán gia đình tôi làm khoảng hơn 1 vạn chiếc bánh chưng. Tùy theo nhu cầu của khách hàng mà có mức giá khác nhau. Những năm gần đây, nhiều đơn hàng lớn từ các tỉnh phía Nam đặt bánh chưng vào dịp Tết. Vì thế, bắt đầu từ ngày 20 tháng 12 Âm lịch, gia đình đã phải thuê thêm 15 nhân công mới đáp ứng đủ các đơn hàng", chị Phan Thị Tình (SN 1988, trú tại làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành) chia sẻ.
Những ngày giáp Tết, công việc của người dân làng Vĩnh Hòa bắt đầu từ khoảng 5h sáng. Mọi người trong gia đình đều được phân công những nhiệm vụ khác nhau. Người ngâm gạo nếp, người chẻ lạt, róc lá, người gói bánh.
Để bánh chưng được ngon, gạo nếp được chọn là loại ngon nhất, mình tròn mẩy, trắng. Gạo nếp được ngâm nước, rắc một ít muối trắng vào để khi ăn cảm thấy đậm đà. Nhân của bánh chưng làng Vĩnh Hòa gồm các nguyên liệu như: Đậu xanh, thịt và hành củ.
Hiện, tại làng Vĩnh Hòa có khoảng 220 hộ làm nghề gói bánh chưng và các loại bánh khác. Nghề bánh ở đây được cha truyền con nối, tạo nên thương hiệu, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.