Lào Cai: Nuôi vịt đặc sản, có con trên đầu mọc "hoa", nông dân bán đắt hàng, có hộ thu trăm triệu mỗi năm

Trần Quang Thứ ba, ngày 27/04/2021 13:00 PM (GMT+7)
Đến thăm một hộ chăn nuôi vịt đặc sản Sín Chéng ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai), nhiều người rất bất ngờ khi lần đầu nhìn thấy con vịt có đặc điểm kỳ dị đầu mọc nhúm lông xù như hình bông hoa. Nhờ nuôi loài vịt đặc sản này mà đến nay, nhiều hộ dân ở đây có thu nhập cao.
Bình luận 0
Độc đáo: Nuôi vịt Sín Chéng, có con đầu mọc hoa nông dân nơi đây luôn đắt hàng, có hộ thu trăm triệu mỗi năm - Ảnh 1.

Ngày 25/4, đồng chí Thào Xuân Sùng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đến thăm trại nuôi vịt Sín Chéng ở Si Ma Cai (Lào Cai).

Là hộ chăn nuôi vịt Sín Chéng đẻ trứng lớn nhất ở xã Sín Chéng, huyện Si Mai Cai, hiện gia đình bà Vàng Thị Ghếnh ở thôn Ngải Phóng Chồ đang nuôi khoảng gần 100 con. 

Vào thời điểm này, trung bình mỗi ngày, bà Ghếnh cung cấp cho khách đặt khoảng từ 70 - 80 quả trứng vịt đặc sản. Với giá bán 7.000 đồng/quả trứng vịt Sín Chéng, bà thu về trên dưới 500.000 đồng.

"Đàn vịt Sín Chéng của tôi đẻ trứng ngon lắm, nhưng khách đặt hàng nhiều quá cũng không đủ bán đâu", bà Ghếnh nói.

Dù trứng vịt Sín Chéng bán đắt hàng nhưng bà Ghếnh vẫn duy trì cách chăn nuôi vịt theo lối truyền thống là cho vịt ăn ngô hạt và ăn bổ sung ốc bươu vàng. 

Theo kinh nghiệm nuôi vịt đặc sản Sín Chéng, khi cho vịt ăn ngô thì lòng đỏ trứng sẽ to, có màu vàng đỏ đặc trưng, ăn thơm và ngậy. Nếu người nuôi cho vịt ăn thêm ốc bươu vàng sẽ giúp vịt đẻ đều và cho quả trứng to, vỏ dày hơn. 

Để bảo vệ đàn vịt Sín Chéng trong thời tiết lạnh ở vùng cao, bà Ghếnh và người dân Sín Chéng luôn chủ động rắc thêm trấu giữ chuồng khô ráo, giữ ấm cho vịt vào ban đêm. Cứ 2 ngày bà con lại dọn chuồng một lần, thu trấu và phân vịt làm phân bón cho cây mận, cây đào...

Độc đáo: Nuôi vịt đặc sản, có con đầu mọc "hoa", nông dân nơi đây luôn đắt hàng, có hộ thu trăm triệu mỗi năm - Ảnh 3.

Nhờ nuôi vịt Sín Chéng đẻ trứng, trung bình mỗi năm gia đình bà Vàng Thị Ghếnh ở thôn Ngải Phóng Chồ, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Cùng chăn nuôi vịt đặc sản ở Sín Chéng, nhưng ông Vàng Seo Lừ đang nuôi vịt Sín Chéng thương phẩm. 

Ngày 25/4, khi đến thăm trại nuôi vịt của gia đình ông Lừ, một số thành viên trong đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam rất bất ngờ khi nhìn thấy một con vịt có đầu mọc nhúm lông như hình bông hoa.

Theo ông Lừ, con vịt kỳ dị này ông để lại nuôi từ lứa vịt cuối năm 2020. "Nhiều năm nuôi vịt Sín Chéng nhưng đây là lần đầu tôi nuôi được con vịt có hình thù lạ như thế", ông Lừ nói.

Độc đáo: Nuôi vịt đặc sản, có con đầu mọc "hoa", nông dân nơi đây luôn đắt hàng, có hộ thu trăm triệu mỗi năm - Ảnh 4.

Ông Vàng Seo Lừ ở Sín Chéng, Si Ma Cai khoe con vịt đặc sản có hình thù lạ của gia đình.

Năm 2020, gia đình ông Lừ nuôi trên 700 con vịt Sin Chéng thương phẩm và ngan bản địa thu về khoảng trên 100 triệu đồng. Năm nay, chủ trại này dự kiến sẽ vẫn duy trì đàn vịt đặc sản  và ngan trên dưới 700 con để đảm bảo thu nhập cho gia đình.

Ông Lừ cho biết, đến nay, vịt Sín Chéng thương phẩm có giá bán từ 100.000 đồng đến 110.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giống vịt thường nhưng người nuôi vịt đặc sản ở Sín Chéng chưa khi nào lo ế hàng.

"Có thời điểm khan vịt, nhiều khách muốn ăn phải đặt hàng trước vài tháng mới có", ông Lừ tiết lộ.

Độc đáo: Nuôi vịt đặc sản, có con đầu mọc "hoa", nông dân nơi đây luôn đắt hàng, có hộ thu trăm triệu mỗi năm - Ảnh 5.

Qua thăm mô hình chăn nuôi vịt đặc sản và trồng mận của ông Vàng Seo Lừ ở Sín Chéng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt này rất hay nhưng để đạt hiệu quả cao hơn, ông Lừ phải nâng cấp chuồng trại nuôi vịt kiên cố hơn nhằm đàm bảo cho đàn vật nuôi luôn khỏe và tránh được thời tiết xấu.

Trao đổi với các thành viên trong đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Vàng A Vảng - Bí thư Đảng ủy xã Sín Chéng cho biết, tính đến tháng 4/2021, người dân tại các bản của Sín Chéng đang nuôi khoảng gần 10.000 con vịt Sín Chéng. Trong đó, có hộ nuôi gần 1.000 con/năm đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Vảng cho biết thêm, vịt Sín Chéng là giống vịt địa phương có đầu xanh, chân và mỏ vàng, giống vịt này có thân hình to hơn vịt thường. Vịt trưởng thành nặng từ 1,8-2,5kg. 

Vịt Sín Chéng thương phẩm được bà con ở xã nuôi trên dưới 4 tháng đều có thịt chắc, ngọt; trứng loài vịt này có tỷ lệ lòng đỏ cao và mùi thơm ngậy rất đặc trưng nên được thị trường ưa chuộng.

Cũng theo ông Vảng, năm 2012, Viện chăn nuôi Quốc gia đã quyết định đưa giống vịt Sín Chéng vào danh sách cần bảo tồn nguồn gen để nhân giống phát triển đàn gia cầm quốc gia. Đến năm 2013, vịt Sín Chéng chính thức được công nhận thương hiệu, trở thành đặc sản của huyện vùng cao Si Ma Cai.

Vịt Sín Chéng đã có thương hiệu và đang giúp nhiều hộ dân ở địa phương thoát nghèo nhưng Bí thư Đảng ủy xã Sín Chéng vẫn băn khăn vì việc phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi vịt đặc sản vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, khó nhất là thiếu diện tích mặt nước để nuôi vịt.

"Để bảo tồn nguồn gen và phát triển thương hiệu vịt Sín Chéng, chúng tôi rất mong được các cơ quan chuyên môn của Trung ương và tỉnh, huyện hỗ trợ cho bà con xây chuồng trại; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến; đồng thời khoanh nuôi khu vực thả, bảo đảm cho vịt đẻ trứng liên tục, phát triển tăng nhanh số đàn thương phẩm, không để lai tạp với giống vịt khác", ông Vảng kiến nghị.

Độc đáo: Nuôi vịt đặc sản, có con đầu mọc "hoa", nông dân nơi đây luôn đắt hàng, có hộ thu trăm triệu mỗi năm - Ảnh 6.

Trong chuyến công tác này, các thành viên trong đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đi thăm và khảo sát vùng trồng mận đặc sản ở Si Ma Cai.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem