Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 với chủ đề "Hà Nội kết nối năm châu" được diễn ra tại công viên Thống Nhất với sự tham gia của gần 100 gian hàng của các doanh nghiệp, cửa hàng, làng nghề của Hà Nội và 8 tỉnh, thành phố như Hà Giang, Sơn La, lạng Sơn, Hưng Yên.. cùng 6 đại sự quán các nước gồm Algeria, Argentina, Azerbaijan, Brazil, Ấn Độ, Iran, Nhật Bản, Mông Cổ, Lào, Liên bang Nga, Srilanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Pháp, Italia, Venezela.
Lễ hội ẩm thực văn hóa Hà Nội 2024 với nhiều hấp dẫn và mới lạ
Lễ hội đã thu hút hàng nghìn người đổ về công viên để được tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Theo quan sát của phóng viên, dọc con phố đi bộ Trấn Thái Tông, gần chục gian hàng phở được bày bán. Ngay từ sáng sớm, người dân và du khách đã đổ về đây, xếp hàng dài để mua phở.
Chia sẻ với Dân Việt, chị Lê Thị Thiết tại quầy phở Hà Nội xưa cho biết, gian hàng của chị đã bán hết 500 bát và hiện tại không còn bánh phở cũng như thịt bò để bán.
"Ngay từ sáng sớm, gian hàng của chúng tôi đã rất đông khách. Chúng tôi bán trợ giá cho người dân với mức giá 40.000 đồng/bát. Phở gồm có xào lăn, chín, nạm gầu. Ban đầu tôi nghĩ, chắc chỉ bán được 300 bát phở, nhưng không ngờ chưa tới 12h trưa, 500 bát đã hết vèo. Chiều nay, chúng tôi chắc cũng sẽ bán khoảng 500 bát nữa.
Phở vẫn luôn là món ăn yêu thích, lựa chọn đầu tiên của người dân, đặc biệt là du khách nước ngoài. Tối ngày khai mạc (28/11), chúng tôi bán cho rất nhiều khách nước ngoài, họ ăn và tấm tắc khen phở ngon. Cửa hàng chúng tôi nấu theo cách của phở Hà Nội xưa, nước trong, thanh, không đậm vị, mùi như nhiều cửa hàng phở khác", chị Lê Thị Thiết nói.
Theo chị Lê Thị Thiết, chị đã có 30 năm làm nghề phở nên phân biệt thế nào là phở Hà Nội xưa và phở ngày nay.
"Hà Nội là nơi hội tụ văn hóa ẩm thực, nghệ thuật… những nét tinh túy nhất của các tỉnh. Người Hà Nội xưa ăn phở cũng rất kỹ tính, sành ăn nên chính những người đầu bếp, những người mang những món ăn đặc trưng, tinh túy của các tỉnh về Hà Nội cũng phần nào lĩnh hội cách sành ăn, kỹ tính đó của người Hà Nội để điều chỉnh và tạo nên ẩm thực rất riêng, tinh tế cho người Hà Nội.
Nước dùng của phở Hà Nội xưa có hương vị ngọt tự nhiên, không bị đậm, nồng của hương liệu như quế, hồi, thảo quả. Cái khó nhất của phở Hà Nội xưa, đó là chọn xương, ninh xương, tẩy xương bò để làm sao nước dùng không bị gây mùi bò nhưng lại lưu được vị bò. Khó thứ hai đó là chia tỷ lệ xương bò và xương lợn làm sao để có được độ đạm, ngậy, béo, thơm của hai loại xương. Tiếp đến là ninh xương phải canh để vớt bọt, phải ninh thế nào để ra hết được độ ngọt của hai loại xương.
Rồi nêm các gia vị như gừng cho bao nhiêu là đủ để cảm nhận được chút cay, nóng của gừng. Nêm nước mắm ra sao cho vừa đủ vào thời điểm nào để nước dùng không quá đậm mùi nước mắm.
Ngoài ra, phở Hà Nội xưa cũng tạo nên nét riêng, sự tinh tế ở phần rau thơm. Trước tiên đó là hành, phải là hành củ, chẻ nhỏ được trần qua để ở trên bát phở. Kèm theo đó là tỏi phải được ngâm dấm nhưng là dấm gạo. Miếng tỏi phải trắng muốt khi cắn là giòn có vị chua nhẹ của dấm gạo và cuối cùng thứ không thể thiếu tạo nên phở Hà Nội xưa đó chính là rau húng láng.
Thứ rau thơm có hương vị thơm tự nhiên, nhè nhẹ mà không phải cay xè như húng bạc hà. Tất cả những điều đó điều là cái khó, sự kỳ công, tỉ mỉ của người nấu phở Hà Nội xưa", chị Lê Thị Thiết cho hay.
Cũng là một trong những hàng phở có thương hiệu nổi tiếng được người dân Hà Nội yêu thích là phở Ngọc Vượng.
Khác với phở Hà Nội xưa, phở Ngọc Vượng nước dùng không thanh như phở Hà Nội xưa. Thế nhưng rất nhiều du khách chia sẻ họ bị nghiện cái vị nồng của xương bò, vị đậm của nước mắm. Gian hàng phở Ngọc Vượng cũng đã bán hết 500 bát chỉ trong một buổi sáng.
Bên cạnh các gian hàng phở đắt khách thì bên trong của công viên Thống nhất những dãy gian hàng bày bán của các làng nghề giò chả Ước Lễ, cốm Làng Vòng, cốm Mễ Trì, xôi, chè Phú Thượng, bánh chưng Tranh Khúc, nem Phùng, bánh dày quán Gánh, bánh tẻ Phú Nhi, cháo gõ Quảng Phú Cầu, cháo se Hạ Mỗ, miến làng So… cũng tấp nập người tham quan, mua sắm.
Robot thông minh chế biến phở phục vụ khách. (Clip: Huy Hoàng)
Điều thú vị hơn, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 còn có sự xuất hiện của robot bán phở cho thực khách.
Thực khách mua phở và robot thông minh thực hiện các công việc của người bán phở như cho thịt bò vào bát, chan nước và cuối cùng mang bát phở nóng hổi ra tận bàn phục vụ khách. Rất nhiều du khách cảm thấy thú vị khi chứng kiến robot thông minh bán phở.
Chị Hoàng Thị Thanh Bình trú tại quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi chứng kiến robot bán phở thấy khá háo hức, bất ngờ và muốn thử. Những năm trước, tôi cũng đến Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội, nhưng không thấy có robot bán phở".
Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội có chủ đề "Hà Nội kết nối năm châu" nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của Thủ đô Hà Nội, xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu văn hóa, ẩm thực thông qua phát triển nền văn hóa, ẩm thực tinh túy, đặc sắc, chất lượng. Lễ hội còn giới thiệu, quảng bá hình ảnh Hà Nội là điểm đến du lịch, văn hóa, ẩm thực đặc sắc; là dịp để Thủ đô Hà Nội và Đại sứ quán các nước, các địa phương, tổ chức, cá nhân gặp gỡ, giao lưu, trưng bày quảng bá sản phẩm.
Năm nay, lễ hội có sự tham gia của 16 Đại sứ quán các nước là: Algeria, Argentina, Azerbaijan, Brazil, Ấn Độ, Iran, Nhật Bản, Mông Cổ, Lào, Liên bang Nga, Srilanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Pháp, Italia, Venezela; 8 tỉnh bạn: Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hưng Yên, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Quảng Bình với quy mô hơn 80 gian hàng.
Điểm nhấn của lễ hội là hoạt động bảo vệ, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể "Phở Hà Nội". Ban tổ chức triển khai hoạt động công bố quyết định "Phở Hà Nội" đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia…
Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội được diễn ra từ ngày 28/11-1/12 tại Công viên Thống Nhất, phố đi bộ Trần Thái Tông, Thành phố Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.