Liên tục nhấp nhổm với biên độ lớn, dự báo "nóng" về tỷ giá VND/USD

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 25/12/2021 07:33 AM (GMT+7)
Sau một thời kỳ ổn định, gần đây tỷ giá VND/USD bắt đầu nhấp nhổm với biên độ lớn. Trong năm 2022, tỷ giá VND/USD được nhận định sẽ chịu áp lực tăng, bởi “không thể không liên quan tới việc Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất”.
Bình luận 0

Tỷ giá VND/USD chịu áp lực tăng trong năm 2022

Trong báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam quý 1/2022, các nhà phân tích tại ngân hàng UOB cho biết VND đã tăng giá so với USD trong phần lớn thời gian năm 2021, nhất là sau khi Việt Nam đạt được thỏa thuận với Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 7 với trọng tâm Việt Nam sẽ không cố tình làm suy yếu đồng Việt Nam nhằm đạt được lợi thế thương mại.

Tỷ giá USD/VND sẽ đạt 23.400 VND/USD vào cuối năm 2022 - Ảnh 1.

Năm 2021, VND lên giá so với USD. (Ảnh: LT)

Theo đó, đồng VND chạm mức mạnh nhất kể từ tháng 2/2017 vào ngày 12/11/2021 tại mức 22.645 VND/USD so với mức 23.080 VND/USD vào đầu năm.

Tuy nhiên, trong tháng 12, VND đã đảo chiều giảm giá so với USD sau một loạt các đợt điều chỉnh tỷ giá tham chiếu từ Ngân hàng Nhà nước cùng với nhu cầu mua ngoại tệ từ nhóm khách hàng doanh nghiệp và hoạt động giao dịch ngân hàng tăng cao. Diễn biến này đã xóa sạch mức tăng giá từ đầu năm đến nay của VND.

Cũng theo các chuyên gia, mặc dù Bộ Tài chính Mỹ đã không đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng ngoại hối trong báo cáo mới nhất vào tháng 12, tuy nhiên Việt Nam hiện đang đáp ứng tất cả ba tiêu chí cho tên gọi này. Do đó, UOB cho rằng Việt Nam sẽ có các giải pháp xử lý để tránh việc các biến động gần đây được nhìn nhận là "giảm giá đồng tiền tạo lợi thế cạnh tranh".

Tỷ giá USD/VND sẽ đạt 23.400 VND/USD vào cuối năm 2022 - Ảnh 2.

Tỷ giá VND/USD sẽ đạt 23.400 VND/USD vào cuối năm 2022. (Ảnh: TN)

Trong thời gian tới, UOB dự báo tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục tăng cùng với xu hướng của các cặp tỷ giá giữa USD và các đồng tiền khác tại châu Á khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất vào năm tới.

Cụ thể, tỷ giá VND/USD sẽ ở mức 23.100 VND/USD trong quý 1/2022, 23.200 VND/USD trong quý 2/2022, 23.300 VND/USD trong quý 3/2022 và 23.400 VND/USD trong quý 4/2022.

Trước đó, trao đổi với Dân Việt, giảng viên Học viện Ngân hàng từng nhận định: VND là 1 trong số những đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong khu vực trong 9 tháng đầu năm 2021, tuy nhiên sẽ khó tránh khỏi áp lực đảo chiều trong những tháng cuối năm. Điều đó cũng đang được thể hiện trong những ngày gần đây. Thống kê của MBS cho thấy, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tăng 200 đồng/USD so với cuối tháng 11 và hiện giao dịch ở mức 23.675 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm và liên ngân hàng lần lượt giao dịch ở mức 23.195 đồng/USD, tăng 56 đồng/USD và 23.121 đồng/USD, tăng 185 đồng/USD.

VND có thể giảm giá không quá 2% so với USD trong năm 2022

Dự báo xu hướng của tỷ giá trong thời gian tới, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đã chỉ ra rằng, trong điều kiện Fed trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng nhanh hơn ECB, BOJ (xác suất xảy ra tương đối cao) sẽ dẫn đến khả năng USD lên giá tương đối so với các ngoại tệ mạnh khác; từ đó tạo ra áp lực giảm giá VND so với đồng USD.

"VND có thể giảm giá tương đối so với USD trong năm 2022, mức biến động được dự báo không quá 2% cho cả năm", các chuyên gia VCBS nhấn mạnh.

Tỷ giá USD/VND sẽ đạt 23.400 VND/USD vào cuối năm 2022 - Ảnh 3.

VND có thể giảm giá không quá 2% so với USD trong năm 2022. (Ảnh: CTV)

Đồng quan điểm, trong đánh giá nhanh về tác động đối với kinh tế - tài chính thế giới và Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV chỉ ra rằng, việc Fed tăng tốc siết hỗ trợ, có thể nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022 sẽ khiến cho đồng USD tăng giá với lý do chính là kinh tế Mỹ phục hồi khá tốt và lãi suất đồng USD chuẩn bị tăng và tạo ra sự biến động của tỷ giá trong nửa đầu năm tới.

"Với Việt Nam, tỷ giá có thể tăng nhẹ, nhưng không nhiều do kinh tế Việt Nam đang phục hồi (tăng trưởng khoảng 2% năm 2021 và sẽ phục hồi lên mức 6,5-7% nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện thành công Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội); lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (CPI tăng khoảng 2% năm 2021), nhưng sẽ gia tăng lên mức 3,4-3,7% năm 2022; cung – cầu ngoại tệ cơ bản ổn và cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư", ông Lực nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Lực lãi suất USD tăng đồng nghĩa với việc nghĩa vụ trả nợ bằng USD của nhiều quốc gia bị tăng lên, nhất là trong bối cảnh vay nợ của nhiều nước tăng nhanh thời gian qua.

Tuy nhiên, với Việt Nam, tác động này không nhiều do Việt Nam đang giảm dần vay nợ nước ngoài (nợ nước ngoài hiện đang ở mức 38,8% GDP đã điều chỉnh, so với mức 42% GDP bình quân giai đoạn 2010-2019), trong đó có nhiều loại ngoại tệ khác nhau, thời hạn dài (bình quân là 13,8 năm), lãi suất thấp (bình quân 1,35%/năm), theo Bộ Tài chính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt vay ngoại tệ cần lưu ý xu hướng lãi suất tăng này để có biện pháp quản lý rủi ro phù hợp.

Ngoài ra, có thể xảy ra hiện tượng đảo chiều dòng vốn đầu tư gián tiếp như đã từng xảy ra trước đây, do dòng tiền có xu hướng rút ra từ thị trường mới nổi, quay về thị trường Mỹ, EU…nơi lãi suất tăng lên và cũng là để "tạm thời trú ẩn" rủi ro.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem