Lọc dầu Nghi Sơn trục trặc, lãnh đạo Bộ Công Thương lo... "mất ăn, mất ngủ"!
Lọc dầu Nghi Sơn trục trặc, lãnh đạo Bộ Công Thương lo... "mất ăn, mất ngủ"!
An Linh
Thứ năm, ngày 18/05/2023 16:46 PM (GMT+7)
Chiếm 40% lượng xăng dầu trong nước, thường xuyên xảy ra "sự cố" và phía Việt Nam chỉ nắm 20% lượng vốn nên Lọc dầu Nghi Sơn thường xuyên gây cho lãnh đạo Bộ Công Thương "mất ăn, mất ngủ".
Lãnh đạo Bộ Công Thương "mất ăn, mất ngủ" vì Nghi Sơn
Đây là thực tại được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương ngày 18/5 tại Hà Nội.
Trước lo ngại về việc dừng hoạt động của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) do rủi ro dòng tiền, tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 18/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: "Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn chiếm tới 35-40% nhu cầu của thị trường nội địa mà mỗi một lần trục trặc, bị làm sao thì chúng tôi mất ăn, mất ngủ".
Thứ trưởng Hải cho biết: Thực tế là như vậy, hiện nay Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn đã đang và sẽ tiếp tục gặp tình trạng như vậy. Chúng ta phải làm thế nào, liệu có "không ngủ" mãi được không, phải có giải pháp gì để xử lý dứt điểm tình trạng này?
Mới đây, lọc dầu Nghi sSn gửi rủi ro dòng tiền, có nguy cơ dừng hoạt động. Trong năm 2022, nhà máy này cũng bị trục trặc và khiến điều hành thị trường xăng dầu trong nước gặp nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói: PVN chỉ chiếm hơn 20% vốn chủ sở hữu, vốn nhà nước trực thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, Bộ Công Thương chỉ quản lý ngành dọc, theo thẩm quyền.
Lãnh đạo Bộ Công Thường thừa nhận thực tế: "Xăng dầu Nghi Sơn chiếm 35-40% thị phần xăng dầu Việt Nam nhưng thường xuyên không ổn định trong khi chúng ta phải ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhà máy này".
Ông Hải cho rằng: "Chúng ta không có quyền quyết định trong hoạt động của nhà máy, nhà máy hoạt động thì phải có 30-45 ngày bảo trì, chưa kể trục trặc kỹ thuật nên thường xuyên gặp phải tình trạng như vậy".
"Bộ Công Thương bám sát hàng ngày, hàng giờ xem nhà máy có bị gì không, giờ họ đùng một cái bị trục trặc, làm thế nào để đầu mối khác nhập khẩu xăng dầu trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị, khó khăn như vậy?" Ông Hải nêu khó.
Liên quan đến tình hình cung ứng xăng dầu của nhà máy Nghi Sơn, ông Trần Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than cho biết: Nhà máy Nghi sơn có vai trò quan trọng, chiếm 35-30% nguồn cung, sản xuất 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại, tháng 4 cung ứng 670 – 680 ngàn tấn xăng dầu các loại. Tháng 5 vận hành ổn định, tháng 6 cũng như quý III và quý IV, Nghi Sơn vẫn đang cố gắng đảm bảo vận hành sản xuất.
Về thiếu dòng tiền, ngày 19/4 Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Công ty liên doanh lọc dầu Nghi sơn, PVN, các bên góp vốn về tái cấu trúc bộ máy, tài chính của Nghi Sơn. Đây là vấn đề nội tại doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp và các bên tham gia góp vốn trên cơ sở các cam kết, tuân thủ pháp luật, báo cáo Uỷ ban quản lý vốn xem xét giải quyết chỉ đạo.
Vị này cho biết, quan điểm của Bộ Công Thương là Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn cần chủ động giải quyết khó khăn đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết tình hình giá, nguồn cung trong nước còn nhiều tiềm ẩn, trong đó có hoạt động của lọc dầu Nghi Sơn thiếu ổn định… Bộ Công Thương đề nghị theo dõi tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân đầu mối, đảm bảo nguồn cung, phục vụ tiêu dùng.
Theo dõi sát diễn biến xăng dầu thế giới, điều hành giá xăng dầu trong nước bám sát thế giới, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể.
bộ yêu cầu DN đảm bảo nguồn hàng trong nước và nhập khẩu, cung cấp đủ xăng dầu trong nước, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu, cung cấp đầy đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ, chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận cho khách hàng hợp lý, cam kết chặt chẽ với thương nhân sản xuất xăng dầu đảm bảo thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị với NHNN tiếp tục hỗ trợ thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu tiếp cận nguồn vốn, giảm khó khăn đảm bảo cung ứng. Uỷ ban quản lý vốn nhà nước đề nghị các nhà máy lọc dầu đảm bảo nguồn cung, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành xăng dầu nhịp nhàng đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.