Long An: Vùng đất “xương xẩu” Đồng Tháp Mười có những ông nông dân "vắt phèn" trồng cây gì mà ra tiền tỷ

Trần Đáng Thứ năm, ngày 18/03/2021 08:45 AM (GMT+7)
Sau những thập niên cải tạo đất tốn biết bao công sức, tiền của khu vực Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An) vẫn còn những vùng đất “khó trị” ngập nặng phèn chua. Vậy mà, có những ông nông dân trẻ khởi nghiệp vẫn "vắt phèn" ra tiền tỷ từ vùng đất “xương xẩu” này bằng những cánh đồng lớn trồng cây ăn trái ngút ngàn.
Bình luận 0

Tại xã Thạnh Lợi (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), một vùng đất còn ngập nặng phèn chua của vùng Đồng Tháp Mười. Những năm qua nổi lên một nông trại khóm (dứa) rộng 38ha, có giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng. Chủ nhân của trang trại trồng khóm khủng này là một nông dân 8X Trần Văn Điểm.

Khuất phục vùng đất “xương xẩu” ở Đồng Tháp Mười, những nông dân trẻ giàu nghị lực thu tiền tỷ - Ảnh 1.

Nông dân Trần Văn Điểm, xã Thạnh Lợi (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) giữa mênh mông trang trại trồng khóm vùng Đồng Tháp Mười.

Hiện, anh Điểm trồng 38ha khóm. Trong đó, anh thuê 33ha đất với giá 10 triệu đồng/ha/năm. Mỗi ha, anh nông dân này đầu tư khoảng 140 triệu đồng, gồm: Tiền thuê đất, giống, trả công, mua phân…

Để quán xuyến trang trại trồng khóm này, mỗi ngày anh nông dân Trần Văn Điểm phải thuê khoảng chục nhân công làm. Mỗi nhân công chính được trả 240.000 đồng/ngày.

"Nhân công chỉ làm 5 giờ/ngày với những việc, như: Làm cỏ, xử lý cho khóm ra trái, xịt thuốc…", anh Điểm cho biết.

Theo anh nông dân Trần Văn Điểm, để cây khóm có năng suất, giá cao…cần phải chọn giống tốt, xử lý cho ra trái khi cây khóm đạt yêu cầu…

Hiện, theo anh Điểm, tỷ lệ trái khóm loại 1 của anh đạt hơn 90%. Năng suất khóm bình quân khoảng 45 tấn/ha.

"Mặc dù cây khóm trồng một lần sẽ ăn suốt 3-5 năm mới phải trồng lại, nhưng chỉ đợt ăn trái đầu tiên mới có tỷ lệ trái khóm loại 1 cao. Sau đó, những vụ ăn sau trái khóm loại 1 ít dần,  tỷ lệ trái khóm loại 2, 3 nhiều hơn. Tất nhiên, giá khóm loại 2,3 chỉ bằng nửa giá khóm loại 1", anh Điểm chia sẻ.

Khuất phục vùng đất “xương xẩu” ở Đồng Tháp Mười, những nông dân trẻ giàu nghị lực thu tiền tỷ - Ảnh 2.

Thu hoạch trái khóm của anh nông dân Trần Văn Điểm, xã Thạnh Lợi (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Mỗi năm, nông dân trồng khóm thu hoạch 6, 7 đợt trái. Cứ 20 ngày, nông dân cho "đổ đá" (quy trình xử lý ra trái) một lần để khóm ra trái.

Sau thu hoạch trái khóm, nông dân lại bổ sung phân, thuốc cho cây khóm, đồng nghĩa  với việc chi phí đầu tư cũng khá cao. Trung bình, nông dân mất khoảng 50% chi phí trong doanh thu bán trái khóm.

"Trồng khóm tuy khá cực, nhưng lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Mỗi năm, nông dân có thể lời khoảng 100 triệu đồng/ha khóm", anh Điểm chia sẻ.

Anh Điểm cho biết, đang có kế hoạch trồng 38ha khóm. Hện nay theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng giá trị cho trái khóm, cũng như phát triển nghề trồng khóm bền vững vùng Đồng Tháp Mười.

Cũng như nông dân Trần Văn Điểm, mới đây nông dân 9X Lê Thành Nhân đã thuê 22ha đất để xây dựng nông trại chuối Nam Mỹ trên vùng đất phèn nặng tại xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An), nâng tổng diện tích trồng chuối của anh lên gần 30ha.

Anh Nông dân Lê Thành Nhân chia sẻ, cây chuối dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp hơn so với các loại cây ăn trái khác, mỗi năm thu hoạch được 2 vụ.

Khuất phục vùng đất “xương xẩu” ở Đồng Tháp Mười, những nông dân trẻ giàu nghị lực thu tiền tỷ - Ảnh 3.

Nông dân Lê Thành Nhân, xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) kiểm tra chuối tại khu sơ chế chuối. Trang trại trồng chuối già Nam Mỹ của anh Nhân góp phần làm bừng lên sức sống của vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An.

Thông thường chuối già Nam Mỹ trồng 8-9 tháng sẽ cho thu hoạch, năng suất chuối từ 40-45 tấn/ha/vụ.

Theo anh Nhân, chi phí đầu tư cho 1kg chuối mất khoảng 5.000 đồng, giá bán hợp đồng với đơn vị thu mua khoảng 7.000 đồng/kg, lợi nhuận 2.000 đồng/kg. 

Với năng suất bình quân 40 tấn/ha, lợi nhuận thu được 80 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn nhiều lần so trồng lúa.

Cũng như cây khóm, cây chuối già Nam Mỹ trồng một lần thu hoạch được 3 - 4 năm mới cải tạo trồng lại mới, nên càng về sau lợi nhuận càng ổn định.

Hiện, trang trại trồng chuối của anh Nhân đã được đầu tư hệ thống tưới tự động, hệ thống dây chuyền vận chuyển từ vườn đến nhà xưởng sơ chế, đóng gói.

Theo đó, tại trang trại chuối của anh nông dân Lê Thành Nhân, chuối sau khi thu hoạch được tập kết về nhà xưởng. 

Sau đó, chuối được chọn lọc kỹ, loại bỏ trái bị trầy xước vỏ, dập và rửa sạch rệp sáp, rầy bám, phân loại trái, rồi dán tem, hút chân không, đóng thùng vận chuyển về đơn vị thu mua.

Khuất phục vùng đất “xương xẩu” ở Đồng Tháp Mười, những nông dân trẻ giàu nghị lực thu tiền tỷ - Ảnh 4.

Tại khu sơ chế chuối già Nam Mỹ tại trang trại trồng chuối của anh nông dân Lê Thành Nhân, xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An).

Hiện, trang trại trồng chuối già Nam Mỹ đạt tiêu chuẩn VietGAP của nông dân trẻ Lê Thành Nhân không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.

Những trang trại trồng cây ăn trái, trang trại chăn nuôi giá trị kinh tế cao của những nông dân trẻ đang góp phần làm bừng sáng bức tranh kinh tế xã hội vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem