Luật sư phân tích đúng sai việc Phó Bí thư huyện Phú Ninh xây trang trại trên đất chưa có “sổ đỏ”
Luật sư phân tích tình trạng pháp lý trang trại xây dựng trên đất chưa có “sổ đỏ” của Phó Bí thư huyện Phú Ninh
Trương Hồng
Thứ hai, ngày 03/04/2023 12:49 PM (GMT+7)
Đối với những trường hợp xây dựng trên đất chưa có sổ đỏ như ông Lê Văn Ninh, theo luật sư Nguyễn Công Tín, có điểm không phù hợp với quy định của pháp luật.
Xung quanh việc Phó Bí thư Huyện ủy Phú Ninh (Quảng Nam) Lê Văn Ninh xây dựng trang trại trên đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn gọi là "sổ đỏ", ngày 2/4 trao đổi với PV, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết bản thân chưa nắm thông tin. Nhưng việc này thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Ninh giao cho UBND huyện kiểm tra, báo cáo.
Bên trong trang trại của Phó Bí thư huyện Phú Ninh Lê Văn Ninh được xây dựng trên đất chưa có "sổ đỏ". T.H
Đối với những trường hợp xây dựng trang trại kiên cố trên đất chưa có sổ đỏ như của ông Lê Văn Ninh - Phó Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, P.V Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Công Tín - Công ty Luật Hợp danh FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng để làm rõ các vấn đề pháp lý.
Như Dân Việt đã thông tin, khu đất 3ha ở thôn Lộc Ninh, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh của ông Lê Văn Ninh (Phó Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, Quảng Nam) có nguồn gốc trúng đấu giá từ năm 2005 để làm trang trại, đến nay chưa được cấp "sổ đỏ". Hiện khu đất này đã xây dựng trang trại, có một số công trình kiên cố khác như nhà rường (nhà gỗ) và căn nhà cấp bốn…
Luật sư Nguyễn Công Tín cho biết, theo quy định tại Điều 3 Nghị định 53/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017, đối với đất chưa có "sổ đỏ", nhưng có giấy tờ hợp pháp về đất đai (như giấy tờ trúng đấu giá quyền sử dụng đất) vẫn được phép xây dựng (đối với các công trình miễn giấy phép xây dựng) hoặc cấp giấy phép xây dựng (với công trình thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng), nhưng dù thuộc trường hợp, người sử dụng đất cũng phải bảo đảm nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích.
Còn căn cứ Điều 10 Luật Đất đai 2013, trong trường hợp đất đang sử dụng là đất nông nghiệp khác, loại đất này được sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.
Đối với trường hợp trang trại của ông Lê Văn Ninh thuộc thôn Lộc Ninh, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh (ở nông thôn), luật sư Tín cho rằng có thể thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
"Mặc dù vậy, nhưng ông Ninh vẫn phải tuân thủ nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích. Theo quy định trên, loại đất kể trên chỉ được xây dựng những công trình nhà kính, chuồng trại và các công trình khác phục vụ cho mục đích trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, nghiên cứu, thí nghiệp học tập trong lĩnh vực nông nghiệp", luật sư Tín nói.
Luật sư Nguyễn Công Tín nói thêm, việc xây dựng nhà kiên cố nhà rường (nhà gỗ) trên đất nông nghiệp khác khi chưa được cấp sổ đỏ là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Còn đối với nhà cấp 4 phục vụ chỗ ở cho công nhân có thể được xem là công trình tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính của trang trại, thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, nhưng phải được dỡ bỏ khi công trình chính của trang trại được đưa vào khai thác sử dụng (Điều 131 Luật Xây dựng 2014).
Trường hợp cơ quan chức năng xác định nhà cấp 4 này sử dụng vào mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thì có thể xác định hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, có thể bị xử phạt hành chính và buộc tháo dỡ công trình vi phạm này.
Mặc khác, theo quy định của pháp luật về chăn nuôi (Luật chăn nuôi 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành), việc chăn nuôi trang trại phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu tại Điều 55 Luật Chăn nuôi năm 2018 như, vị trí xây dựng trang trại phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, chiến lược phát triển chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi.
Có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 1 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi; có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại.
Đặc biệt, theo quy định tại Khoản 2 Điều 55 Luật Chăn nuôi 2018, tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn (từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên) phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.
"Chính quyền địa phương nên tiến hành xác minh, xác định những công trình xây dựng có đúng mục đích hay không để có biện pháp xử lý phù hợp.
Đồng thời, hướng dẫn, yêu cầu công dân tuân thủ các điều kiện về chăn nuôi trang trại, trường hợp chăn nuôi quy mô lớn phải được cấp phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật", luật sư Nguyễn Công Tín cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.