"Mạng nhện" dây hàu bủa vây vịnh Bái Tử Long

Hải Long Thứ bảy, ngày 28/03/2020 13:30 PM (GMT+7)
Hàng trăm hecta mặt nước vịnh Bái Tử Long bị "bủa vây" do người dân nuôi hàu bằng dây phao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông thủy tại đây.
Bình luận 0

"Mạng nhện" dây hàu bủa vây vịnh Bái Tử Long

Mất an toàn đường thủy nội địa

Anh Vũ Văn Minh (TT.Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) là người thường xuyên lái xuồng cao tốc từ Vân Đồn đi các xã đảo Quan Lạn, Bản Sen… Anh Minh cho biết, khoảng hơn một vài năm trở lại đây, việc nuôi hàu, ngao trên vịnh Bái Tử Long mang lại lợi nhuận cao, bởi vậy nhiều hộ dân ở huyện Vân Đồn đã ồ ạt nuôi hàu bằng bè tre, hoặc bằng dây phao.

Phương pháp đang được áp dụng chủ yếu hiện nay là nuôi hàu bằng dây phao. Tuy nhiên, những dây phao dài hàng trăm mét, đan vào nhau như mạng nhện "bủa vây" mặt vịnh Bái Tử Long, chắn lối đi lại của tàu, thuyền.

img

Dây hàu "bủa vây" mặt vịnh Bái Tử Long như những cái bẫy đối với tàu, thuyền đi lại qua đây.

Anh Minh cho biết thêm, nhiều hộ không được cấp giấy phép nuôi trồng nhưng cứ thấy chỗ trống là thả giống chiếm giữ. Nhiều luồng đường thủy bà con vẫn đi lại trước đây, giờ cũng bị thả phao xốp, căng dây thừng.

“Đi ban ngày thì còn nhìn thấy dây phao để tránh chứ nhiều hôm tôi đi ban đêm, va phải bãi hàu là chuyện bình thường, rất nguy hiểm. Người dân thả nuôi vô tội vạ không cần có quy hoạch hay giấy phép gì. Chính quyền huyện cũng bất lực vì cả vịnh rộng hàng nghìn hecta không thể quản hết được”, anh Minh cho biết.

img

img

Huyện Vân Đồn chỉ có 414/1.163 hộ dân có quyết định giao đất, cho thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích khoảng 959ha, còn lại 749 hộ dân chưa được cấp phép, nuôi trồng tự phát hoặc nằm ngoài quy hoạch, với tổng diện tích 591ha.

Theo ông Nguyễn Hải Anh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý Đường sông số 3, qua cuộc khảo sát vào cuối năm 2019 của công ty và Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Ninh, phát hiện nhiều tuyến, luồng đường thủy đã bị lấn chiếm, phương tiện thủy không thể lưu thông. Tàu bè khi lưu thông dễ đâm va vào các vật dụng, phao xốp, dây thừng dẫn đến tai nạn, chìm đắm phương tiện.

Còn theo báo cáo của UBND huyện Vân Đồn, hiện trên địa bàn huyện Vân Đồn có 14 tổ chức và 1.163 cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất bãi triều, mặt nước nuôi trồng thủy sản, tập trung ở các xã Hạ Long, Bản Sen, Đông Xá, Thắng Lợi, Quan Lạn, Ngọc Vừng và thị trấn Cái Rồng, với tổng diện tích trên 3.500ha.

Căn cứ theo Quyết định số 4209/QĐ-UBND ngày 15/12/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, diện tích này tăng khoảng 400ha.

img

Nhiều hộ nuôi hàu cứ có mặt nước trống là thả phao xốp, căng dây chiếm giữ.

Rất nhiều trường hợp nuôi trồng thủy sản không nằm trong quy hoạch; vượt ranh giới được giao, cho thuê; lấn chiếm mặt nước, vi phạm hành lang ATGT thủy nội địa; không chấp hành cam kết bảo vệ môi trường.

Qua rà soát, chỉ có 414/1.163 hộ dân có quyết định giao đất, cho thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích khoảng 959ha, còn lại 749 hộ dân chưa được cấp phép, nuôi trồng tự phát hoặc nằm ngoài quy hoạch, với tổng diện tích 591ha. Đối chiếu với quy hoạch nuôi trồng thủy sản, trong tổng số 414 hộ dân được cấp phép, hiện có 82 trường hợp đến nay không còn phù hợp quy hoạch, 161 trường hợp đã hết thời hạn giao đất, thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản.

Theo thống kê, xã Đông Xá có đến 183 trường hợp nuôi trồng thủy sản chưa được cấp phép, không phù hợp với quy hoạch hiện tại; xã Ngọc Vừng có 135 trường hợp chưa được cấp phép và 7 trường hợp vi phạm tuyến luồng đường thủy; xã Hạ Long có 127 trường hợp chưa được cấp phép, xã Bản Sen cũng có trên 20 trường hợp chưa được cấp phép.

Ông Đinh Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bản Sen, cho biết, xã đã yêu cầu người dân nuôi trồng thủy sản ký cam kết không nuôi trồng vi phạm luồng thủy và người dân cũng đã cam kết nuôi hết vụ sẽ thu dọn toàn bộ phao xốp. Nhiều trường hợp để dây hàu, ngao tràn ra đã bị xử lý cắt gọn lại.

“Cái khó của chúng tôi là địa bàn rộng, địa hình trên biển phức tạp, phương tiện tuần tra, kiểm soát không được trang bị, nên không thể kiểm soát được hết. Chỉ cần một tuần không có lực lượng chức năng đi kiểm tra là người dân có thể lấn chiếm, hình thành nên những bè mảng nuôi trồng thủy sản lớn trên biển”, ông Kiên cho biết.

Khó xuất khẩu, bệnh dịch đe dọa

Việc người dân ồ ạt nuôi hàu dây trên vịnh Bái Tử Long không chỉ mất ATGT đường thủy mà người nuôi ngao, hàu còn đối mặt với nhiều khó khăn như: khó tiêu thụ, chất lượng giống không đảm bảo, dịch bệnh đe dọa…

img

Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long kiểm tra việc nuôi trồng thủy sản vi phạm ranh giới.

Mới đây nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19, do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên trên địa bàn huyện Vân Đồn đang còn tồn hàng nghìn tấn ngao hai cùi, hàu chưa thể xuất bán. Bên cạnh đó, do nuôi trồng ở mật độ lớn, nguồn thức ăn phù du cạn kiệt nên ngao hai cùi có hiện tượng chậm lớn, chất lượng kém hơn hẳn những năm trước.

img

Việc nuôi trồng ồ ạt, không theo quy hoạch khiến người nuôi hàu, ngao ở Vân Đồn đối diện với nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, hiện trên địa bàn huyện Vân Đồn, ngao hai cùi, ngao hoa còn tồn lượng ước đạt gần 3.000 tấn và hơn 10.000 tấn hàu Thái Bình Dương, hàu cửa sông tập trung chủ yếu tại huyện Vân Đồn và Hải Hà.

Trước đó năm 2012, do nuôi với mật độ lớn, dịch bệnh, người nguôi tu hài ở huyện Vân Đồn đã bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Thời điểm đó cũng có khoảng trên 1.000 hộ đầu tư nuôi trồng tu hài trên vịnh Bái Tử Long.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem