Mất việc, giảm giờ làm: Công nhân làm đủ nghề, vật lộn trong khủng hoảng

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 11/12/2022 07:33 AM (GMT+7)
Hơn 500.000 lao động trong cả nước bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế. Nhiều người giảm giờ làm, thậm chí mất việc. Công nhân, lao động đang phải loay hoay làm đủ nghề để sinh sống.
Bình luận 0

Giảm giờ làm, công nhân làm đủ nghề để mưu sinh 

5 giờ sáng, giữa cái lạnh "buốt xương buốt thịt", chị Nguyễn Thị N (29 tuổi), sống tại Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) vẫn phải bật dậy để đi chợ đầu mối lấy rau củ về bán ở ngã tư khu xóm. Chị N cho biết, từ ngày công ty giảm giờ làm, lương của chị giảm đi 1/3 chỉ còn hơn 6 triệu. 2 vợ chồng chị làm công ty, tổng tiền lương tháng cũng chỉ được 12-13 triệu đồng. Trong khi đó, vợ chồng chị phải nuôi 2 con nhỏ, ăn học.

Với thu nhập ấy, tiền ăn, tiền học, tiền sinh hoạt phí, tiền thuê nhà trọ ... không đủ. Vì thế, anh chị tranh thủ buôn bán thêm lấy chút đồng tiêu pha, ra vào.

"2 vợ chồng tôi xin làm ca so le. Sáng sớm, tôi dậy sớm ra chợ đầu mối lấy rau củ về, 7 giờ đi làm. Anh làm chiều, nên sáng dậy, lo cho 2 con ăn uống, đi học thì ra ngồi bán hàng. Tới chiều tối 16, 17 giờ, tôi tan ca thì về bán tiếp", chị N kể.

Ngoài rau củ, chị còn bán thêm cả mật ong, hải sản cấp đông nhà (Nghệ An) gửi ra. Thu nhập từ công việc bán buôn mỗi tháng cũng được thêm 3-4 triệu đồng. Hàng hóa ế ẩm thì mang về ăn, cũng tiết kiệm được tiền ăn.

giảm giờ làm

Hằng sáng, chị Nguyễn Thị N vẫn đều đặn đi lấy rau ở chợ đầu mối về bán kiếm thêm thu nhập. Ảnh:NN

"Cũng may nghĩ ra cách này nên vợ chồng tôi mới bám trụ được ở đất khách quê người thế này chứ nếu không giờ công việc khó khăn thì không biết phải làm sao", chị N nói.

Những năm trước đây, thời điểm cuối năm, công ty của chị Nguyễn Thị Hiền (Nghệ An) - làm ở một công ty FDI Khu công nghiệp Thăng Long tăng ca liên tục. Tết đến cộng lương thưởng, lao động cũng có 20-30 triệu đồng tiêu Tết. Thế nhưng năm nay kinh tế khó khăn, cuộc sống ảm đạm. Gia đình chị Hiền cũng cùng chung cảnh ngộ với các gia đình khác. Chồng chị Hiền phải nghỉ việc công ty, về chạy xe ôm nhưng do sức khỏe yếu nên ngày chạy, ngày không.

Chị Hiền trở thành lao động chính trong gia đình khi mà tiền lương tháng chỉ được 6,5 triệu đồng. Ước mơ chuyển nhà trọ của vợ chồng chị mãi không thể thực hiện được. 2 vợ chồng cùng 2 đứa con nhỏ ngày ngày vẫn phải sống trong căn phòng chật chội 10m2.

Về phía cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, cần có các giải pháp như hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền điện, nước; hỗ trợ cho vay không lãi để người lao động cải thiện, chăm lo đời sống công nhân.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

"Để có thêm tiền sinh hoạt, tôi mò mẫm bán thêm mỹ phẩm. Số tiền không nhiều nhưng cũng đủ để tôi mua thêm thức ăn cho các con", chị Hiền kể.

Kể cả 2 năm dịch Covid-19, chị Hiền cho rằng, đây là giai đoạn khó khăn với công nhân, lao động. "Cả năm nay thu nhập mới có 1 tháng đạt 10 triệu đồng, còn lại không tăng ca nên chỉ nhận lương cơ bản. Chồng tôi làm tự do bên ngoài, mọi năm việc cũng ổn nhưng đến năm nay thì khó khăn thật sự" - công nhân này tâm sự.

Cố gắng tìm giải pháp hỗ trợ công nhân, lao động bị giảm giờ làm, mất việc 

Chị N hay chị Hiền chỉ là một trong số 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đáng chú ý, trong tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm, có khoảng 31.000 lao động nữ trên 35 tuổi; 10.000 lao động nữ nuôi con nhỏ, đang mang thai.

giảm giờ làm

Bữa cơm đạm bạc của gia đình chị Hiền khi bị giảm giờ làm, tiền lương ngày càng giảm. Ảnh: NN

Khảo sát về đời sống, thu nhập của Viện Công nhân và Công đoàn trong tháng 10 và tháng 11/2022 trên 6.200 công nhân cho thấy kết quả đáng buồn. Trong số lao động mất việc thì chỉ 11,7% người lao động có tích lũy cầm cự được dưới một tháng; 16,7% duy trì được từ 1 - 3 tháng và 12,7% cầm cự được trên 3 tháng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết: "Giải pháp quan trọng nhất là cần cân đối việc làm cho mọi người lao động. Doanh nghiệp không nên sa thải công nhân hoặc chấm dứt hợp đồng với người lao động khi khó khăn".

Hiện nay, các đơn vị phải tập trung hỗ trợ để giữ chân người lao động. Để khi có đơn hàng mới, doanh nghiệp sẽ có lao động để sử dụng phục vụ sản xuất.

Theo chuyên gia này, doanh nghiệp có thể tìm kiếm thêm việc làm mới, cơ cấu lại ngành nghề, mở rộng thêm ngành nghề cho công nhân, lao động. Bên cạnh đó, có thể dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, giữ chân người lao động. Đồng thời, doanh nghiệp có thể hỗ trợ thêm cho người lao động từ quỹ phúc lợi. Khi người lao động thiếu việc làm, thì họ sẽ được một khoản hỗ trợ, giúp vợt qua lúc khó khăn này.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên viện trưởng Viện Khoa học Lao động thì khuyến nghị, cơ quan quản lý cần thực hiện cho được những chính sách đã ban hành nhằm hỗ trợ công nhân, lao động bị giảm việc, mất việc. Công đoàn cần chính thức hóa những chính sách tạm thời như hỗ trợ về nhà ở, ngoài những quy định cứng trong Bộ luật Lao động, bằng những ghi nhớ, văn bản dưới luật. Việc đứt gãy đơn hàng có thể còn diễn ra trong tương lai, nên dư địa về thu nhập, việc làm trong quá khứ từ xuất khẩu sẽ dần mất đi.

Bà Hương cho rằng đề xuất cho rút BHXH nhưng bảo lưu thời gian đóng là không được. Chỉ nên cho lao động rút phần họ đóng (8%) còn lại phần doanh nghiệp đóng thì phải bảo lưu. Bộ LĐTBXH đang nghiên cứu giảm số năm đóng để nhiều người hưởng lương hưu, nghe qua thì có vẻ nhiều người tham gia, nhưng hệ thống an sinh sẽ không bền vững bởi tiền lương hưu rất thấp. Nhiều người hiện đang hưởng lương hưu dưới mức chuẩn nghèo, nếu giảm số năm đóng nữa thì không biết khoản lương sẽ còn bao nhiêu.

Về lâu dài, công đoàn cần đề xuất giảm thời gian lao động bình thường trong tuần từ 48 tiếng xuống còn 40 tiếng. Thực tế thế giới đã giảm từ 35 tiếng xuống còn 32 tiếng. Làm được điều này thì những chính sách khác mới có ý nghĩa, thay vì để công nhân suốt ngày tăng ca. Tuy nhiên, cần nâng cao năng suất, chất lượng lao động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem