Vợ chồng tôi đều là người Việt Nam, nhưng hiện sinh sống
và làm việc ở Nhật Bản. Chúng tôi kết hôn được ba năm và đã có một cô con gái
xinh xắn. Cũng vì con mà tôi chấp nhận tạm quên tấm bằng tiến sĩ khoa học môi
trường, ở nhà sinh rồi chăm con chờ đến khi con cứng cáp.
Mối quan hệ giữa tôi và mẹ chồng đang căng thẳng. (Ảnh minh hoạ)
Mới cách đây 7 tháng, tôi đã gửi cháu đi trẻ. Bắt đầu
hành trình tìm việc làm. Một phần tôi không muốn lãng phí bao năm học hành vất
vả và tấm bằng loại ưu của mình. Mặt khác tôi nghĩ mình cũng cần chứng tỏ bản
thân, phải là phụ nữ tự chủ về tài chính, không để phụ thuộc vào chồng. Và thật
may mắn, tôi đã xin được công việc phù hợp với khả năng, với kiến thức mà tôi
đã được học. Nhưng bạn biết đây, phụ nữ ở Nhật chuyện tìm kiếm công việc đâu có
dễ dàng. Để được chấp nhận, ngoài các điều kiện, quy định khác, trong hợp đồng
lao động tôi còn phải đồng ý một thoả thuận rằng không được sinh con trong vòng
ba năm đầu.
Tôi năm nay 31 tuổi. Chồng 35 tuổi. Thiết nghĩ, ba năm
cũng là khoảng thời gian cần thiết để tôi dần trở lại với xã hội, với đam mê
nghề nghiệp và cũng đủ để con gái yêu của chúng tôi lớn khôn hơn chút trước khi
vợ chồng tôi vạch kế hoạch đón thêm thành viên mới.
Nhưng quyết định trở lại với công việc của tôi lại chẳng
được nhà chồng ủng hộ. Với gia đình chồng, nhất là mẹ chồng – người chỉ có duy
nhất cậu con trai là chồng tôi, tôi như kẻ có tội vì đã dám lơ là chuyện sinh đẻ,
không chuyên tâm vai trò làm vợ, làm mẹ, không chịu sinh tiếp một đứa cháu trai
đích tôn cho dòng họ. Dù ở xa đến cả hàng ngàn cây số, nhưng không hôm nào bà
quên gọi điện cho vợ chồng tôi. Thủ thỉ có, tâm sự nhẹ nhàng có, rồi quát mắng,
thậm chí giận dỗi vùng vằng, đe doạ rằng nếu không chịu nghỉ việc để sinh con
thì không xong với bà.
Tưởng bà nói vậy rồi thôi. Lại nghĩ vợ chồng con cái
tôi ở xa, bà có muốn làm gì cũng kệ bởi chúng tôi đã có kế hoạch của mình, rằng
chuyện sinh con không phải lúc này.
Nhưng bà mẹ chồng “bá đạo” của tôi khiến cả hai vợ chồng
sửng sốt và kinh hãi khi bà tự mình lo mọi thủ tục để sang Nhật mà không bàn với
chúng tôi một tiếng. Và ngay sau bữa cơm sum họp đầu tiên, chủ đề bà mời vợ chồng
tôi ra phòng khách nói chuyện không gì khác là yêu cầu tôi nghỉ việc để sinh
con. Bà cho rằng, nếu để 3-4 năm nữa, lúc đó tôi đã nhiều tuổi, lại có khi tôi
lười đẻ, có khi tôi chẳng thể đẻ được nữa, nên bà yêu cầu phải có đứa cháu trai
thì mới để yên cho tôi thích làm gì thì làm.
Dù tôi đã giải thích hết nước hết cái với mẹ chồng rằng
mình chưa thể sinh con vào lúc này do vướng phải hợp đồng công việc với công ty
nước ngoài nhưng mẹ chồng tôi vẫn không chịu hiểu, thậm chí còn vứt tiền vào mặt
tôi, yêu cầu tôi nghỉ việc.
Bà bảo “Đây là 20.000 USD. Số tiền ban đầu tôi đưa cho
cô để cô thu xếp nghỉ việc và ở nhà sinh cho tôi thằng cháu đích tôn. Nhiệm vụ
của cô chỉ việc sinh, còn lại tôi nuôi. Tôi chỉ có chồng cô là con trai. Trách
nhiệm của tôi với dòng họ Hà là phải có người nối dõi”.
Tôi đang viết những dòng tâm sự với nước mắt ngắn nước
mắt dài và chưa biết làm cách gì với ý định của mẹ chồng, trong khi chẳng thể
trông mong gì ở chồng mình. Anh cũng đã xuống nước và năn nỉ tôi thực hiện theo
đúng mong muốn của mẹ mình. 31 tuổi. Nếu chấp nhận sinh con và lại tiếp tục chuỗi
ngày ở nhà trông con không biết đến khi nào tôi mới thực hiện được giấc mơ của mình? Hơn thế, bạn có nghĩ cách làm của mẹ chồng có phần xúc phạm và thiếu tôn trọng tôi không?
Hạnh Trân (Nagoya, Nhật Bản) (Hạnh Trân (Nagoya, Nhật Bản))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.