Mở một loạt cửa hàng cà phê K Coffee, "vua tiêu" có tham vọng gì?

Thiên Hương (ghi) Thứ sáu, ngày 29/07/2022 11:23 AM (GMT+7)
Thị trường cà phê mới đây ghi nhận thêm một loạt quán cà phê mới mở tại TP.HCM có tên K COFFEE. Ông chủ đứng sau chuỗi cửa hàng cà phê này tự tin khẳng định: Chỉ bán cà phê 100% nguyên chất.
Bình luận 0

 Với tham vọng thay đổi khẩu vị uống cà phê của người tiêu dùng, quyết tâm định vị thương hiệu cà phê Việt trên bản đồ cà phê thế giới, "vua tiêu" Phan Minh Thông cho biết, sẽ không bán cà phê trộn bơ bắp, hương liệu.

Tham vọng xây dựng thương hiệu cà phê K Coffee của "vua tiêu"

Chia sẻ với báo chí, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh nói: "Mở đường đúng là rất mất công sức, nhưng tôi không tính vất vả của người tiên phong, tôi cũng không quan tâm lợi nhuận hay chi phí phải đầu tư bây giờ là bao nhiêu. Tôi mà chỉ mong lan tỏa câu chuyện làm cà phê, uống cà phê sạch ở Việt Nam".

Phúc Sinh đang được định vị là "vua hồ tiêu", là một trong những nhà xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu Việt Nam, vì sao ông lại quyết định mở một loạt cửa hàng cà phê trong bối cảnh thị trường cà phê trong nước đã gần như bão hòa? 

- Đúng là hạt tiêu mọi người biết đến chúng tôi rất nhiều, nhưng cà phê mới là mặt hàng Phúc Sinh làm với số lượng lớn. Chúng tôi sản xuất và xuất khẩu rất nhiều, mỗi năm bán từ 60.000 - 70.000 tấn cà phê nguyên liệu và cà phê chế biến cho khoảng 80 thị trường trên toàn thế giới. 

Đã quen với việc chỉ làm hàng chất lượng cho thị trường xuất khẩu, tôi luôn tự hỏi tại sao mình không phục vụ những mặt hàng đó cho người tiêu dùng trong nước. Làm thế nào để mọi người yêu thích cà phê có cơ hội uống cà phê 100% nguyên chất như khách hàng nước ngoài, với giá phải chăng? 

Mở một loạt cửa hàng cà phê, "vua tiêu" Phúc Sinh có tham vọng gì? - Ảnh 1.

"Vua tiêu" Phúc Sinh Phan Minh Thông từng có phát ngôn gây chú ý về cà phê Việt Nam.

Đặc biệt là trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam, chúng tôi càng nhìn thấy rõ cơ hội và động lực. Từ đó Phúc Sinh xác định nhiệm vụ cung cấp cà phê nguyên chất cho người tiêu dùng trong nước. Khi đã xác định rõ nhiệm vụ rồi thì chúng tôi làm việc với quyết tâm rất cao, cống hiến nhiệt tình. 

Chúng tôi không sợ thị trường bão hòa, vì nhu cầu tiêu dùng cà phê trong nước rất lớn. Thêm vào đó, nhiều người tiêu dùng đã bắt đầu khắt khe với cà phê hơn, tìm tới các cửa hàng cà phê sạch, cà phê nguyên chất. Đó là lợi thế của K Coffee Phúc Sinh.  

Đang quen với việc bán cà phê bằng container, giờ đi bán cà phê theo cốc, theo gói, ông gặp khó khăn gì không?

- Khó khăn thì nhiều vô kể. Đã nhiều năm trời người ta quen với uống cà phê trộn bơ bắp, cà phê bị mốc, lên men. Cái lưỡi của chúng ta đã quá quen với hương vị của cà phê hóa chất, hương liệu và phụ gia nên bây giờ, khi uống cà phê nguyên chất, nhiều người còn ngạc nhiên hỏi: Sao cà phê nhạt thế, sao cà phê này không sánh, không có màu đen?

Để thay đổi cách nhìn đó, tôi nghĩ cần một quá trình dài, không chỉ tốn công sức mà còn phải mất rất nhiều tiền bạc. Đó là thách thức lớn mà chúng tôi sẽ phải vượt qua. 

Bên cạnh yếu tố cà phê nguyên chất, đạt tiêu chuẩn châu Âu, K Coffee có gì để cạnh tranh với các thương hiệu cà phê khác?

- Thực sự chúng tôi là duy nhất trong việc xây dựng chuỗi phát triển cà phê bền vững tại Việt Nam. Cụ thể, Phúc Sinh có các nông trại liên kết với bà con nông dân, có nhà máy chế biến, nhà máy sản xuất, rang xay đóng gói và có hệ thống phân phối đến tay người tiêu dùng. 

Lâu nay, trong ngành cà phê Việt Nam, các doanh nghiệp chủ yếu quan tâm phần ngọn, đó là rang xay. Còn hầu hết nguyên liệu không truy xuất được, sản phẩm thiếu sự đồng nhất. 

Các doanh nghiệp phải mua cà phê trôi nổi trên thị trường, và bản thân các doanh nghiệp cũng rất đau đầu về vấn đề này. Nhưng để đầu tư được như Phúc Sinh, cần rất nhiều thời gian, vốn đầu tư rất lớn, có thể hàng trăm triệu đô. 

Phúc Sinh đã có một hành trình dài làm việc với hàng nghìn hộ nông dân ở nhiều vùng trồng cà phê khác nhau, như các tỉnh Tây Nguyên, Sơn La... Từ việc tiếp cận với nông dân, hướng dẫn, đào tạo họ trồng cà phê theo đơn đặt hàng của mình đều mất rất nhiều thời gian, sự kiên trì. 

Đội ngũ nhân viên kỹ thuật của K Coffee thường xuyên cùng các chuyên gia đến từ châu Âu đến làm việc với các nông hộ, hướng dẫn người trồng cà phê quy trình tưới nước tiết kiệm, bón phân hữu cơ, cách sử dụng các hóa chất nông nghiệp như vi sinh, kiểm soát IPM...

Rồi việc thu mua cà phê nguyên liệu, cũng lại là vô vàn thách thức. Nhà máy chế biến phải lựa chọn rất kĩ lưỡng từ các nông trại mà chúng tôi đang hợp tác. Phúc Sinh sẵn sàng mua cà phê chín với giá cao hơn bình thường.  

Mở một loạt cửa hàng cà phê, "vua tiêu" Phúc Sinh có tham vọng gì? - Ảnh 2.

Khách hàng trải nghiệm không gian tại K Coffee 238 - 240 Võ Văn Kiệt, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM. Ảnh: Võ Yến

Trên bao bì mỗi gói cà phê, Phúc Sinh cam kết “3 không”: Không màu hóa học, Không mùi gây hại, Không trộn đậu bắp, đậu nành. Không phải doanh nghiệp nào cũng dám tuyên bố như vậy.

Đó là lí do vì sao tôi tự tin khẳng định Phúc Sinh khác biệt so với phần còn lại của thị trường cà phê. Đó là phát triển bền vững, có nhà máy chế biến, nông trại, làm việc với nông dân nên chúng tôi có thể kiểm soát được nguồn hàng từ lúc trồng trọt cho đến tay người tiêu dùng.

Ông có thể cho biết mục tiêu trong tương lai gần của Phúc Sinh là gì?

- Chúng tôi mong muốn có thể tiếp cận được với hàng triệu người tiêu dùng; mong muốn những người yêu thích cà phê có cơ hội được uống cà phê nguyên chất của K Coffee. 

Phúc Sinh cũng quyết định mở một loạt quán cà phê trong vòng 3 năm tới, tiếp cận với ngày càng nhiều người tiêu dùng qua hệ thống quán, siêu thị, cửa hàng tiện ích, app Kphucsinh, các kênh online... 

Sau nhiều năm buôn bán nông sản ra thế giới, ông có thể chia sẻ triết lí kinh doanh của mình? 

- Một trong những giá trị lớn nhất, cũng là điều tự hào mà Phúc Sinh làm được, đó là thay đổi tư duy cho ngành hồ tiêu Việt Nam. Thời điểm năm 2003, khi Phúc Sinh xuất khẩu được rất nhiều hồ tiêu thì gặp phải vấn đề chất lượng. Lúc đó, các nhà xuất khẩu tiêu Việt Nam chủ yếu thu mua từ nông dân, sau đó sơ chế rồi bán trực tiếp. Chưa có nhà máy nào sản xuất tiêu sạch nên các nhà nhập khẩu châu Âu, Mỹ, Canada thường mua tiêu Việt Nam với giá rẻ hơn tiêu các nước khác. 

Vì vậy, tôi quyết định xây nhà máy và năm 2005 bắt đầu bán tiêu sạch. Sau 5 năm, Phúc Sinh vươn lên đứng thứ nhất và liên tiếp giữ vị trí này.

Với những kinh nghiệm đó, tôi quay sang làm thương hiệu cho cà phê Phúc Sinh. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, nhưng nghịch lí là nhiều người tiêu dùng trong nước lại phải dùng cà phê trộn bắp, đậu nành, hương liệu... Nếu cứ mãi đi xuất khẩu thô thì người dùng trong nước sẽ không có cơ hội thưởng thức các sản phẩm tốt nhất. 

Và chúng tôi đã đầu tư nhiều tỷ đồng vào xây nhà máy. Hàng loạt sản phẩm cà phê 100% nguyên chất ra đời, thậm chí chúng tôi đã sáng tạo ra trà Cascara - một loại trà được làm từ vỏ cà phê chín và là sản phẩm duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm này.

Triết lí kinh doanh của tôi, rất đơn giản, đó chính là mang những sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng cao đến tay người tiêu dùng Việt Nam. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem