Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Không phải hạt điều, cũng chẳng phải hồ tiêu hay loài cây nào khác, cây cao su, đích thị cây cao su mới là loại cây trồng thể hiện trọn vẹn hồn cốt của tỉnh Bình Phước - miền đất đỏ trù phú của miền Đông Nam bộ.
Vì thế, cứ vào độ giáp Tết Nguyên đán, những cánh rừng cao su bạt ngàn thay lá, tỉnh Bình Phước lại khiến bao người ngỡ ngàng, ngẩn ngơ bởi vẻ đẹp lãng mạn trên mọi cung đường của tỉnh nhà...
Một cánh rừng cao su ở tỉnh Bình Phước khi chớm vào mùa thay lá, cảnh sắc đẹp như châu Âu. Ảnh: Tuấn.
Cây cao su được người Pháp trồng trên vùng đất này từ những năm đầu thế kỷ 20. Hơn một thế kỷ hiện diện, tới nay, vùng đất Bình Phước đã trở thành thủ phủ của cây cao su, với tổng diện tích hơn 230.000 ha.
Cao su trải rộng bạt ngàn từ huyện Lộc Ninh, về thị xã Bình Long, qua thị xã Phước Long, tràn về thành phố Đồng Xoài, ngược về Bù Đăng, rồi tỏa về huyện Đồng Phú…
Bất kỳ ai, một lần đi ngang qua Bình Phước, không chóng thì chầy, cũng rẽ vào những cung đường rợp bóng cây cao su.
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng là dịp nhiều nam thanh nữ tú đổ về những cánh rừng cao su rụng lá ở Bình Phước để có những tấm hình đẹp, lãng mạn. Ảnh: T.L.
Hàng năm, sau thời gian cho mủ, từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau (thường đúng dịp Tết Nguyên đán), rừng cao su sẽ thay lớp lá cũ vàng úa, bằng một lớp lá mới xanh non.
Đây cũng là mùa Bình Phước rợp lá vàng bay, từ những cánh rừng cao su rụng lá.
Trong thời tiết buổi sáng se lạnh, rất đặc thù của miền đất trung du, còn gì tuyệt vời hơn, khi ta tận mắt chiêm ngưỡng hàng ngàn, hàng vạn cây cao su uốn mình rụng lá.
Mỗi cơn gió thổi qua, hàng vạn chiếc lá cao su ngả vàng lại rơi rụng, tạo nên những âm thanh xạc xào lay động trái tim bao người.
Anh Nguyễn Quang Hùng - nhà nhiếp ảnh, hiện sinh hoạt tại Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Phước - nói: "Hàng năm, trước cảnh đẹp không thể cưỡng nổi từ những cánh rừng cao su thay lá.
Tôi lại bỏ công nhiều ngày liền đi săn ảnh cao su rụng lá. Vì lớn lên trên mảnh đất này, nên tôi hiểu và gắn bó với cây cao su từ những ngày còn đi học".
Ở khu vực thành phố Đồng Xoài, anh Hùng biết rành rọt cánh rừng cao su nào đẹp nhất vào mùa thay lá. Theo anh Hùng, do tình trạng đô thị hóa quá nhanh, nên cảnh trí rừng cao su rụng lá đẹp nhất, lãng mạn nhất, phải lùi xa thành phố khoảng hơn 10 cây số.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Quang Hùng là người chuyên săn ảnh rừng cao su mùa rụng lá ngày cận Tết Giáp Thìn 2024. Ngày giáp tết con đường qua rừng cao su trở thành đường hoa bởi những tiểu thương bán hoa Tết. Ảnh: N.Q.
Hướng về huyện Phú Riềng hoặc đi sâu về hướng khu vực Đồng Búa, thuộc huyện Đồng Phú, sẽ là những cung đường uốn lượn. Hai bên ven đường là những cánh rừng cao su lá vàng pha chút sắc đỏ au. Một cơn gió thoảng qua là hàng vạn, hàng vạn… lá cao su rụng rơi lả tả.
Cô giáo Nguyễn Ngọc Dung dạy học ở thành phố Đồng Xoài cho biết: "Không biết tự bao giờ, tôi mê mẩn, say mê cây cao su mùa rụng lá đến thế. Từ yêu cây cao su mà tôi yêu quê hương, yêu mảnh đất này biết chừng nào !".
Dạy môn văn học, cô Dung từng say đắm thiên nhiên nước Nga qua truyện ngắn "Lẳng quả thông" của nhà văn Pautovsky.
Nơi đó là những rừng thông đầy lá vào mùa thu. Nhưng với những cánh rừng cao su rụng lá ở Bình Phước, "không hề thua kém rừng thông nước Nga trong truyện của nhà văn K.G. Pautovsky. Rừng thông mùa thu vàng của nước Nga và rừng cao su mùa rụng lá của tỉnh Bình Phước. Đều đẹp, đều trữ tình và lãng mạn" - cô Dung nói.
Chợ hoa thành phố Đồng Xoài dưới tán rừng cao su rụng lá trở thành đường hoa những ngày cận Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Nguyễn Quang Hùng.
Trong khi đó, với anh Lê Bình, lại yêu rừng cao su rụng lá vào những ngày giáp Tết nguyên đán. Và, anh Bình thích mỗi cánh rừng cao su nằm ở vùng ven thành phố Đồng Xoài.
"Do công việc bán buôn hoa tết, nên từ 20 tháng Chạp, tôi đã đăng ký chính quyền xin được bán hoa tết ngay dưới tán rừng cao su đang rụng lá. Tôi thích tán rừng này vào mỗi dịp Tết, vì nó giúp tôi có được cái tết đủ đầy".
Chợ hoa nằm dưới tán cao su đã vô tình tạo nên một cảnh quang tuyệt đẹp. Ngó lên trên là hàng ngàn cây cao su trơ cành sau rụng lá.
Ngó xuống mặt đất, là một rừng hoa vạn thọ, hoa cúc, mâm xôi… vàng hươm, kéo dài suốt con đường như dải lụa.
Phía sau những gian hàng bán hoa là lớp lớp lá vàng cao su rụng dày trên từng gốc cây, nền đất đỏ. Chợ hoa dưới tán rừng cao su rụng lá đã trở thành nét riêng của thành phố Đồng Xoài trong những năm gần đây.
Càng vào những ngày cận Tết, xuất hiện càng nhiều những nam thanh nữ tú, nhiều bóng hồng, nhiếp ảnh gia… đổ về những cánh rừng cao su để săn ảnh.
Chị Nguyễn Thị Lan Hương từ TP HCM cho hay: "Nhà tôi có đứa em sống ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Nên mỗi năm, vào dịp Tết, cả gia đình tôi lại đánh xe ngược về Bình Phước chơi. Trước là thăm em, sau nữa là thỏa sức ngắm cảnh, chụp ảnh, tự sướng… cảnh rừng cao su rụng lá".
Chị Hương cho rằng, ở Bình Phước, có những cung đường uốn lượn giữa bạt ngàn cao su. Mùa cao su rụng lá, càng tô đậm nét đặc sắc vô cùng lãng mạn mà lâu nay, người Việt chỉ thấy trong phim Hàn Quốc, với những cánh rừng phong, cây ngân hạnh…
"Lạc" vào những cánh rừng cao su thay lá ở tỉnh Bình Phước vào những ngày cận Tết, ngày Tết là một niềm hạnh phúc đối với du khách. Ảnh: T.L.
"Rừng cao su rụng lá ở Bình Phước cũng rất đẹp, rất trữ tình đâu kém cạnh gì rừng phong ở Hàn Quốc hay Canada. Thậm chí, rừng cao su còn có nét riêng, vì lá cao su vào thời điểm thay lá, thường chuyển từ sắc đỏ sang vàng một cách chậm rãi, nhẹ nhàng.
Không tách bạch một màu đỏ, hay một gam màu vàng riêng biệt như rừng phong, cây ngân hạnh ở nước ngoài" - chị Hương nói.
Tết đang từng giờ, từng giờ … đến rất gần. Vào những ngày này, trên những cung đường uốn lượn ngoạn mục xuyên qua bao cánh rừng cao su ở tỉnh Bình Phước.
Người ta dễ dàng nhận thấy một Bình Phước thật khác, thật lạ, thật yên bình và trữ tình đến tê người: Bình Phước cao su mùa rụng lá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.