Mùa gặt, nông dân Nam Định chỉ cần ôm đống bao bì chờ sẵn, thóc tươi không cần đem về nhà

Mai Chiến Thứ sáu, ngày 09/06/2023 05:14 AM (GMT+7)
Vụ xuân năm nay, thời tiết thuận lợi, sâu bệnh gây hại ít nên dàn lúa xuân trên địa bàn tỉnh Nam Định phát triển tốt. Năng suất dự kiến đạt 69,5 tạ/ha; cao hơn vụ xuân năm 2022.
Bình luận 0

Thời tiết ủng hộ, lúa xuân được mùa

Những ngày qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, tạnh ráo, nắng to, bà con nông dân trên địa bàn huyện Hải Hậu đã tích cực ra đồng, tập trung nhân lực, máy móc thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa xuân theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng".

Nông dân Nam Định vui mừng, phấn khởi vì lúa xuân được mùa - Ảnh 1.

Bà con nông dân thu hoạch lúa xuân. Ảnh: Mai Chiến.

Gần trưa, trời nắng như đổ lửa, bà Ngô Thị Thơm (xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu) đầu đội chiếc nón cũ, đứng trên bờ, hai tay ôm đống bao bì chờ máy gặt sang ruộng nhà mình. 

Bà Thơm bảo, vụ xuân năm nay, gia đình bà canh tác 4 sào lúa. Nhờ thời tiết thuận lợi, dịch bệnh gây hại trên lúa không nghiêm trọng, cùng với đó là chăm sóc đúng kỹ thuật nên ruộng lúa của gia đình bà chín vàng rực, bông lúa trĩu hạt, cúi nặng đầu.

Ngắt vài bông lúa chín ngay đầu bờ, bà Thơm ước tính, mỗi sào sẽ cho thu hoạch khoảng trên 2,5 tạ; năng suất cao hơn so với năm ngoái. Phấn khởi lắm.

"Nhìn chung vụ lúa xuân năm nay thời tiết ủng hộ, sâu bệnh gây hại ít nên dàn lúa phát triển, sinh trưởng tốt hơn năm ngoái. Số lượng hạt thóc trên bông lúa cao", bà Thơm vui mừng cho biết.

Còn bà Phạm Thị Hải (xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu) tâm sự, vụ xuân 2023, gia đình bà gieo trồng gần 27 mẫu lúa theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, chủ yếu trồng giống lúa Bắc thơm số 7, ST 25, Đài thơm 8… Toàn bộ diện tích lúa sau khi thu hoạch, bà bán thóc tươi ngay tại ruộng cho doanh nghiệp đúng như hợp đồng 2 bên đã kí, cam kết và thỏa thuận.

Nông dân Nam Định vui mừng, phấn khởi vì lúa xuân được mùa - Ảnh 2.

Nông dân Hải Hậu tranh thủ đưa thóc về nhà để phơi phóng. Ảnh: Mai Chiến.

Bà Hải đánh giá, so với năm ngoái thì năm nay lúa xuân được mùa, được giá hơn. Giá thóc tươi dao động từ 6.000 - 9.000 đồng/kg, tùy vào từng loại giống. Hiện tại, gia đình bà đã thu hoạch được trên 70% diện tích.

Theo ông Vũ Văn Triển, Trưởng phòng NNPTNT huyện Hải Hậu, vụ xuân năm nay, toàn huyện Hải Hậu gieo cấy gần 9.600 ha lúa (trong đó gieo sạ chiếm 23% diện tích), chủ yếu là các giống lúa thuần chất lượng cao, còn lại là lúa lai. Năng suất ước tính đạt khoảng 76 tạ/ha, tăng khoảng 0,4tạ/ha trở lên so với vụ xuân năm ngoái.

"Vụ lúa xuân 2023, cơ bản thắng lợi toàn diện. Tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện đều được mùa. Đặc biệt, giá thóc ổn định, không bị biến động, do đó thu nhập của bà con nông dân được tăng lên", ông Triển nói.

Bám sát diễn biến thời tiết, gieo cấy càng sớm càng tốt

Vụ xuân 2023, tỉnh Nam Định gieo cấy gần 71.000 ha lúa. Các địa phương thực hiện theo đúng cơ cấu giống của tỉnh đã xây dựng. Cụ thể, lúa thuần chiếm 93% diện tích, lúa lai chiếm 7% diện tích.

Nông dân Nam Định vui mừng, phấn khởi vì lúa xuân được mùa - Ảnh 3.

Thời tiết thuận lợi, dàn lúa xuân ở Nam Định phát triển tốt, bông lúa nặng trĩu hạt. Ảnh: Mai Chiến.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định, tính đến hết ngày 7/6, các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch được gần 61.000 ha lúa xuân. Trong đó, huyện Ý Yên thu hoạch được hơn 11.000 ha, Vụ Bản 7.500 ha, Nam Trực 6.200 ha, Trực Ninh 6.500 ha...

Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định nhìn nhận, vụ lúa xuân năm nay trên địa bàn tỉnh triển khai trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi; lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Năng suất lúa xuân ước đạt 69,5 tạ/ha, cao hơn so với vụ xuân năm 2022.

Hiện các huyện, thành phố đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân huy động lực lượng, phương tiện máy gặt khẩn trương thu hoạch lúa xuân nhằm hạn chế những ảnh hưởng bất thuận của thời tiết.

Đồng thời khuyến cáo người dân không đốt rơm, rạ, phơi thóc trên các trục đường giao thông, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường.

"Các địa phương phấn đấu đến ngày 20/6 sẽ thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa xuân và chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ mùa trong khung thời vụ tốt nhất", ông Chính nói.

Nông dân Nam Định vui mừng, phấn khởi vì lúa xuân được mùa - Ảnh 4.

Năng suất lúa xuân của tỉnh Nam Định ước đạt 69,5 tạ/ha, cao hơn so với vụ xuân năm 2022. Ảnh: Mai Chiến.

Ông Chính cho biết thêm, hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ lúa mùa 2023. Dự kiến, toàn tỉnh gieo cấy 71.800 ha, phấn đấu năng suất bình quân ≥ 50 tạ/ha; sản lượng ước đạt trên 365.000 tấn, trong đó có trên 292.000 tấn lúa chất lượng cao.

Để vụ mùa 2023 giành thắng lợi, ông Chính đề các địa phương bám sát diễn biến thời tiết, thực hiện phương châm gieo cấy càng sớm càng tốt; áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh.

Bên cạnh đó, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ cấu giống, phương thức gieo cấy và thời vụ gieo cấy lúa mùa nhằm chủ động ứng phó với biến đối khí hậu, bệnh lùn sọc đen và lúa cỏ.

Tỉnh Nam Định phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ, xong trước ngày 15/7.

Sở NNPTNT tỉnh Nam Định chỉ đạo, căn cứ điều kiện cụ thể, các địa phương cần tập trung thực hiện các mô hình tích tụ ruộng đất và liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa tập trung theo "cánh đồng lớn liên kết".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem