Nam Định: Quyết không cho tàu cá ra khơi nếu không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Lãng Hồng Thứ bảy, ngày 04/09/2021 11:20 AM (GMT+7)
Cùng với cả nước, những năm qua tỉnh Nam Định đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC). Vậy, Nam Định đã gặt hái được những kết quả gì, chưa làm được gì trong công cuộc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)?
Bình luận 0

Xử lý nhiều tàu, thuyền vi phạm

Hàng năm, Sở NNPTNT tỉnh Nam Định tổ chức quán triệt nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT về việc ngăn chặn tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài đến các ngành, các cấp chính quyền cơ sở.

Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân các quy định của pháp luật liên quan đến khai thác IUU bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các lớp tập huấn; in và phát hàng nghìn tờ rơi, bản đồ ranh giới các vùng biển Việt Nam; vận động các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm ranh giới các vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản…

Mặc dù UBND tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều văn bản nhưng cấp huyện chưa có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. 

Công tác chỉ đạo điều hành tại một số địa phương chưa thực sự quyết liệt. Các sở, ngành, địa phương đã tuyên truyền nhiều lần nhưng một số chủ tàu, thuyền trưởng vẫn cố tình vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản.

Nam Định: Vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản - Ảnh 1.

Chủ tàu Bùi Văn Thanh (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) thường xuyên cập bến ở Cảng cá Ninh Cơ. Tàu của gia đình anh đã lắp đặt thiết bị VMS. Ảnh: M.C

Ông Hoàng Mạnh Hà - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Nam Định thông tin: Trong năm 2020, toàn tỉnh xử lý 74 vụ vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản với tổng số tiển xử phạt gần 520 triệu đồng. 

Trong đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh xử lý 50 vụ, phạt hơn 450 triệu đồng; Sở NNPTNT Nam Định xử lý 24 vụ, phạt gần 64 triệu đồng.

Riêng 7 tháng đầu năm 2021, các cơ quan chức năng xử lý 46 vụ với tổng số tiền xử phạt là hơn 368 triệu đồng. Cụ thể, Bộ đội Biên phòng xử lý 35 vụ, phạt 247 triệu đồng; Sở NNPTNT Nam Định xử lý 12 vụ, phạt 123,5 triệu đồng.

Lý giải nguyên nhân vẫn còn tình trạng nhiều tàu cá vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản, ông Hà thổ lộ: "Do ngư dân chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác chưa cao mặc dù đã được cơ quan chức năng nhiều lần tuyên truyền, hướng dẫn. Công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu dựa vào lực lượng Bộ đội Biên phòng…".

Tiến độ lắp đặt thiết bị VMS chưa đạt

Toàn tỉnh Nam Định có 2.140 tàu đánh bắt cá. Trong đó, có 530 tàu bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); tuy nhiên tính đến ngày 22/7/2021, tổng số tàu cá đã lắp thiết bị VMS là 457 tàu (đạt 86,22%), còn lại 73 tàu chưa lắp chủ yếu đang nằm bờ sửa chữa.

Theo cơ quan chức năng, tiến độ lắp đặt thiết bị VMS chưa đạt theo lộ trình quy định là do còn nhiều chủ tàu chưa quan tâm đến việc đầu tư lắp đặt thiết bị VMS, một số người dân có tâm lý coi thường pháp luật…

Thậm chí, một số tàu, thuyền đã lắp thiết bị VMS còn tùy tiện tắt thiết bị VMS. Qua thống kê từ năm 2020 đến nay, tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 - 24m mất tín hiệu thiết bị VMS từ 10 ngày trở lên là 553 lượt. 

Tàu có chiều dài từ 24m trở lên mất tín hiệu thiết bị VMS dưới 10 ngày là 190 lượt, từ 10 ngày trở lên là 10 lượt.

Nam Định: Vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản - Ảnh 2.

Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác ở Nam Định gặp nhiều khó khăn. Ảnh: M.C

Ông Hoàng Mạnh Hà - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Nam Định bộc bạch, Sở NNPTNT Nam Định đã phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện ven biển xây dựng quy chế phối hợp quản lý, khai thác, xử lý dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá.

Trong đó, quy định các bước xử lý tàu cá mất tín hiệu thiết bị VMS, tàu cá vượt ranh giới vùng biển được phép khai thác, tàu cá hoạt động sai vùng trong giấy phép khai thác thủy sản.

Chi cục Thủy sản cũng đã gửi thông báo điều tra, xác minh 201 tàu cá mất tín hiệu trên 10 ngày và 2 tàu cá vi phạm ranh giới vùng biển Việt Nam.

"Thời gian qua, đơn vị tổ chức thường trực hệ thống giám sát tàu cá chặt chẽ, thông báo chủ tàu, yêu cầu thuyền trưởng bật tín hiệu thiết bị VMS trở lại đối với tàu cá mất tín hiệu, yêu cầu thuyền trưởng đưa tàu quay trở lại vùng biển được phép khai thác đối với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài", ông Hà nói.

Không cho tàu cá ra khơi khi chưa lắp đặt VMS

Bà Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định cho hay: Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành lĩnh vực khai thác thủy sản, đặc biệt là các quy định về chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức, đa dạng phong phú.

Thường xuyên theo dõi hoạt động của tàu cá qua hệ thống giám sát tàu cá nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về vận hành thiết bị giám sát hành trình; tàu cá hoạt động sai vùng, tàu cá vượt ranh giới vùng biển Việt Nam.

Nam Định: Vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản - Ảnh 3.

Tổng số tàu cá ở tỉnh Nam Định đã lắp thiết bị VMS là 457/530 tàu. Ảnh: M.C

Bên cạnh đó, tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm để răn đe các trường hợp cố tình vi phạm khai thác IUU; hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng không vi phạm khai thác IUU trước khi đi khai thác thủy sản.

Rà soát lại 73 tàu cá chưa lắp thiết bị VMS. Kiên quyết không cho tàu cá ra khơi khi chưa lắp thiết bị VMS.

Để công cuộc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định được hiệu quả hơn nữa, ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị có liên quan cần có giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Xác minh, điều tra xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.

Kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập bến của tàu cá, kiên quyết không cho ra khơi những tàu cá không đảm bảo các yêu cầu theo quy định. Chấm dứt tình trạng tàu cá không có giấy phép, không trang bị thiết bị VMS vẫn được ra khơi và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Bố trí 3 tàu thường xuyên neo đậu chốt chặn 24/24h tại 3 cửa Hà Lạn, Ninh Cơ và cửa Đáy nhằm ngăn chặn, phát hiện các lỗi vi phạm về khai thác IUU, không cho tàu cá vi phạm ra khơi.

Triển khai thu nộp sổ nhật ký khai thác, báo cáo khai thác; lập biên bản đối với tàu cá khi xuất nhập bến tại địa bàn chưa có cảng cá đảm bảo hồ sơ lưu trữ về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định tại Thông tư số 21/2018 của Bộ NNPTNT.

"Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác gặp nhiều khó khăn. Do chủ tàu, thuyền trưởng chưa chấp hành việc thông báo trước 1 giờ khi tàu rời cập cảng; việc ghi, nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác chưa đầy đủ, chính xác. Và, trên địa bàn tỉnh hiện nay mới có 2 cảng cá, trong khi đó có nhiều bến cá tự phát ở khắp các huyện ven biển nên không thể kiểm soát hết được tàu xuất, nhập bến", ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc BQL Cảng cá Nam Định giãi bày.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem