Nam sinh "con nhà nông" thiết kế bàn tay robot cho người liệt vừa chơi game, vừa chữa bệnh

Tào Nga Thứ tư, ngày 14/06/2023 07:14 AM (GMT+7)
"Em nghĩ trẻ con rất thích chơi game nên em đã chuyển hóa các bài tập thành game", Dương Văn Vũ, sinh viên khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Thủy lợi giới thiệu về sản phẩm bàn tay robot phục hồi chức năng cho người liệt.
Bình luận 0

Với sản phẩm "Thiết kế mô hình bàn tay robot để phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân liệt một bàn tay" dưới hướng dẫn của TS. Ngô Quang Vĩ và PGS.TS Nguyễn Trọng Thắng, em Dương Văn Vũ, sinh viên khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Thủy lợi mới đây đã xuất sắc giành giải Nhất nghiên cứu khoa học cấp trường.

Thiết kế "Bàn tay robot" cho người liệt, nam sinh giành giải Nhất nghiên cứu khoa học - Ảnh 1.

Dương Văn Vũ với sản phẩm bàn tay robot. Ảnh: Tào Nga

"Bàn tay robot" - vừa chơi game, vừa chữa bệnh

Chia sẻ với PV báo Dân Việt sau khi nhận giải Nhất nghiên cứu khoa học với sản phẩm bàn tay robot, Dương Văn Vũ bày tỏ: "Em rất vui với kết quả này và đây là động lực cho em hoàn thiện sản phẩm hơn nữa để ứng dụng hữu ích hơn cho người bệnh". 

Giới thiệu bàn tay robot của Dương Văn Vũ. Clip: NVCC

Vũ cho biết, nghiên cứu mô hình với mục tiêu mang đến cho người bệnh một thiết bị phục hồi chức năng bàn tay tại nhà. Bàn tay này có khả năng gập duỗi các ngón tay linh hoạt theo nhiều mức độ khác nhau bằng công nghệ xử lý ảnh. Bên cạnh đó, sản phẩm còn phát triển thêm các bài tập thụ động và các bài tập có mục tiêu.

"Ý tưởng xuất phát từ trường hợp thực tế của thầy giáo hướng dẫn em có người cháu bị bẩm sinh khó vận động bàn tay. Hai thầy trò đã quyết định nghiên cứu sản phẩm để phục hồi chức năng cho những người như cháu. Trên thị trường đã có các sản phẩm tương tự nhưng nhược điểm là trẻ con rất chán với những bài tập đơn điệu và đeo vào nóng nên đòi cởi ra không chịu tập.

Khi đó em nghĩ trẻ con rất thích chơi game nên đã chuyển hóa các bài tập thành game. Người bệnh sẽ chủ động luyện tập chứ không còn bị ép. Từ lúc lên ý tưởng đến phát triển sản phẩm, em thực hiện trong vòng 6 tháng", Vũ kể.

Thiết kế "Bàn tay robot" cho người liệt, nam sinh giành giải Nhất nghiên cứu khoa học - Ảnh 3.

Vũ đang giới thiệu về sản phẩm. Ảnh: Tào Nga

Theo chia sẻ của Vũ, sản phẩm hiện đang phát triển 2 game là bắt bóng dành cho trẻ 2-3 tuổi và xếp hình dành cho trẻ 5-6 tuổi. Thiết bị này không dây nên sử dụng độc lập. Người lớn thì được lập trình các bài tập bình thường. Bàn tay cũng có nhiều kích cỡ linh hoạt cho mọi người đều sử dụng được.

"Sắp tới em sẽ nghiên cứu phát triển thêm cho sản phẩm có thể giúp bác sĩ thăm khám bệnh từ xa thay vì bệnh nhân phải đến bệnh viện. Tính năng này hiện đã có nhưng khoảng cách chưa được xa. Ngoài ra em muốn tích hợp sản phẩm có thể theo dõi tình trạng sức khỏe và không chỉ phục hồi bàn tay mà cả cánh tay", Vũ cho hay.

Gây ấn tượng với bàn tay robot ứng dụng trong y tế này, trước đây Vũ cũng có 2 đề tài về cánh tay robot ứng dụng trong dây chuyền sản xuất công nghiệp.

Thiết kế "Bàn tay robot" cho người liệt, nam sinh giành giải Nhất nghiên cứu khoa học - Ảnh 4.

Sinh viên Dương Văn Vũ, lớp TĐH1, Khoa Điện - Điện tử trình bày đề tài đạt giải Nhất mang tên: Nghiên cứu thiết kế mô hình bàn tay robot để phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt 1 bàn tay. Ảnh: NVCC

Chàng trai mê nghiên cứu khoa học từ cấp 2

Vũ sinh ra trong gia đình làm nông, một mình mẹ nuôi 3 chị em Vũ ăn học giỏi giang. Chị của Vũ vừa tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương. Vũ kể, từ năm cấp 2 em đã có đam mê về điện. Lên cấp 3 và đại học, em có cơ hội được thực hành nhiều hơn. Tuy nhiên, do mải mê làm các mô hình mà Vũ từng bỏ bê việc học năm cấp 3, học lệch, chỉ giỏi môn Vật lý. Khi thi đại học, Vũ đã phải dồn sức học ôn các môn còn lại để trúng tuyển vào Trường Đại học Thủy lợi. 

Hiện tại Vũ đã biết cân bằng hơn giữa việc học và tham gia nghiên cứu khoa học. Ngược lại, Vũ thấy rằng việc nghiên cứu khoa học giúp cho việc học trở nên dễ dàng hơn. 

Thiết kế "Bàn tay robot" cho người liệt, nam sinh giành giải Nhất nghiên cứu khoa học - Ảnh 5.

GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó hiệu trưởng trao thưởng cho các đề tài xuất sắc đạt giải Nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2023. Ảnh: NVCC

Được biết, năm lớp 12 khi dịch Covid-19 bùng phát, Vũ đã nghiên cứu làm ra máy rửa tay sát khuẩn kèm đo nhiệt độ được sử dụng tại chính ngôi trường mình đang học là Trường THPT Yên Phong, Bắc Ninh. Cũng trong năm lớp 12, Vũ gây ấn tượng với nghiên cứu máy bay không người lái để phục vụ cho việc phun thuốc trừ sâu. 

Khi được hỏi về kinh phí đã dành cho nghiên cứu khoa học, Vũ tiết lộ: "Em không tốn nhiều tiền mà tận dụng tháo bộ điều khiển từ các dự án từ trước đã làm. Khi lên đại học, em có đi làm thêm nên có tiền để chủ động mua thiết bị nghiên cứu chứ không phải tháo lắp ra nữa".

"Hiện tại em muốn phát triển về mảng robot và sau đó sẽ học lên thạc sĩ", Vũ chia sẻ thêm.

Đánh giá về các công trình nghiên cứu khoa học, GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho biết: Năm học 2022-2023 phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên Trường Đại học Thủy lợi tăng cao khi đã nhận được kỷ lục với 263 đề tài. Các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đã tiếp cận với nhiều vấn đề khoa học công nghệ mới, sản phẩm có khả năng ứng dụng cao. Phần lớn các báo cáo có chất lượng tốt, khả năng thuyết trình của sinh viên rất tự tin. Năm nay có 10 đề tài xuất sắc được trao giải và Dương Văn Vũ là sinh viên đạt giải cao nhất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem