Ngân hàng giảm lãi suất cho vay lên tới 2%, doanh nghiệp hy vọng "tiền đến tay"

H.Anh Thứ sáu, ngày 16/07/2021 19:02 PM (GMT+7)
Bắt đầu từ ngày 15/7, các ngân hàng đồng loạt thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu. Đợt giảm lãi suất lần này sẽ tập trung vào các doanh nghiệp đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch với mức giảm lên tới 2%.
Bình luận 0

Loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay, các "ông lớn" quốc doanh nhập cuộc

Thông tin vừa phát đi từ TPBank, nhà băng tím này sẽ giảm từ 0,5% - 1,2% lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất của nhóm khách hàng này ước tính vào khoảng 18.188 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, gần 26.300 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng cá nhân cũng nhận được xét giảm lãi suất 1%. Như vậy, tổng cộng có gần 45 nghìn tỷ đồng tổng dư nợ được hỗ trợ trong đợt này.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ: "Lãi suất cho vay bình quân toàn danh mục cả ngắn và trung dài hạn của chúng tôi đã giảm khoảng gần 3% so với năm trước. Với gói hỗ trợ lần này, tổng số tiền giảm lãi mà TPBank dành cho khách hàng là gần 220 tỷ đồng để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân".

Ngân hàng giảm lãi suất cho vay lên tới 2%, các “ông lớn” quốc doanh nhập cuộc - Ảnh 1.

TPBank dành cho khách hàng là gần 220 tỷ đồng để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân trong đợt giảm lãi suất cho vay này. (Ảnh: TPB)

Cùng ngày, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cho biết, tiếp tục triển khai gói hỗ trợ quy mô 9.000 tỷ với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%. 

Không chỉ giảm lãi suất mà các thủ tục cũng được ngân hàng cam kết cải tiến đơn giản, nhanh chóng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận với dòng tiền.

ACB, MB, Sacombank,… là những cái tên khác cũng cắt giảm lãi suất cho vay kể từ ngày 15/7.

Các "ông lớn" ngân hàng quốc doanh cũng không nằm ngoài "cuộc đua" giảm lãi suất cho vay. 

Theo đó, Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm cho doanh nghiệp thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh (vận tải, hàng không, kho bãi, du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, thủy sản...). Những khách hàng còn lại cũng được giảm lãi suất cho vay tới 1%/năm.

Đối với người vay là cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ được giảm lãi suất tới 1%/năm; vay để phục vụ đời sống như mua nhà, mua xe sẽ được giảm 0,5%. 

Đây là đợt giảm thứ 3 của ngân hàng này tiêng trong năm nay, ước tính sẽ có khoảng 370 nghìn dư nợ được giảm, dành cho trên 175 nghìn khách hàng vay vốn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết: "Ngân hàng sẽ chủ động giảm lãi suất trên hệ thống. Người vay không cần phải làm bất cứ đề xuất, thủ tục nào. Đồng thời, Vietcombank sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình lãi suất thấp đối với các khoản vay mới. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng cả năm 2021 lên đến 6.100 tỷ đồng".

"Ông lớn" BIDV cũng thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành.

Ngân hàng giảm lãi suất cho vay lên tới 2%, các “ông lớn” quốc doanh nhập cuộc - Ảnh 3.

Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng. (Ảnh: Agribank)

Trước đó, vào chiều ngày 15/7 Agribank thông báo sẽ giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên. 

Có nghĩa, nếu doanh nghiệp đang vay vốn với lãi suất 6%/năm sẽ được giảm thêm 0,6%/năm. Cách này giúp người vay có thể chủ động tính toán mức giảm. 

Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.

Đáng chú ý, đợt giảm này Agribank sẽ không áp dụng đối với các khoản cho vay đã được ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi trước đó. 

Hiện tại, ngân hàng này cũng đang triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp hơn từ 2% - 2,5% so với lãi suất cho vay thông thường với quy mô hơn 300.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng lớn, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp FDI.

Giảm lãi suất thế nào hiệu quả?

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết: "Có 16 ngân hàng thương mại cam kết giảm lãi suất cho vay lần này chiếm tới 75% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống và cam kết giảm với các khoản đang cho vay, vì thế đợt giảm này sẽ quyết liệt hơn, rõ ràng minh bạch hơn. Các tổ chức tín dụng xác định được số tiền cụ thể phải giảm. Bản thân khách hàng cũng xác định được số tiền mình được giảm lần này là bao nhiêu. Ngân hàng Nhà nước cũng theo dõi, quản lý được".

Song song với giảm lãi suất, các ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục miễn giảm lãi, giảm phí dịch vụ, cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng để đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng, chung tay cùng cộng đồng vượt qua đại dịch Covid-19.

Trên thực tế, dịch Covid-19 hoành hành hơn 1 năm qua khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, lãi suất các khoản vay đang là gánh nặng với rất nhiều người. Vì vậy, giảm lãi suất cho những khoản vay hiện hữu là điều mà các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp mong mỏi.

Ngân hàng giảm lãi suất cho vay lên tới 2%, các “ông lớn” quốc doanh nhập cuộc - Ảnh 4.

Nhiều doanh nghiệp mong mỏi được giảm lãi suất cho vay. (Ảnh: LT)

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Holdings, ông Nguyễn Quốc Kỳ, động thái đồng thuận giảm lãi suất cho vay của các thành viên Hiệp hội ngân hàng thời điểm này là tín hiệu tích cực với doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần chính sách rõ ràng để những cam kết của ngân hàng thương mại là làm thật, doanh nghiệp được hỗ trợ thực chất.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đánh giá cao việc các tổ chức tín dụng giảm lãi suất để tiếp tục đồng hành, chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Lực phải bảo đảm vừa hỗ trợ khách hàng vừa giữ được an toàn năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, nhất là khi rủi ro tiềm ẩn nợ xấu còn lớn...

Cũng có doanh nghiệp phản ánh, cuối năm 2019, doanh nghiệp phải vay vốn tại ngân hàng với mức lãi suất 9%/năm. Nhưng tình hình dịch bệnh đã khiến doanh thu sụt giảm, ngân hàng đồng ý gia hạn nợ cho doanh nghiệp nhưng lại chưa chấp nhận giảm lãi suất cho doanh nghiệp dù đã kiến nghị nhiều lần.

"Mặc dù lần này, ngân hàng đã phát đi thông báo giảm lãi suất với các khoản dư nợ hiện hữu hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cụ thể như thế nào, doanh nghiệp có phải đáp ứng điều kiện gì không hay cứ nằm trong nhóm đối tượng giảm lãi suất lần này là được – những vấn đề này chúng tôi chưa nắm bắt được. Dù vậy, chúng tôi vẫn hy vọng lần giảm lãi suất cho vay này sẽ đến được tay doanh nghiệp chứ không chỉ là lời hô hào trên giấy. Với doanh nghiệp giảm 1% lãi suất cũng rất quý giá", đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Dưới góc nhìn của mình, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, lãi suất thấp là "con dao 2 lưỡi", giúp tăng khả năng cung ứng vốn ra nền kinh tế, nhưng chiều ngược lại thì có thể tăng nguy cơ tín dụng đổ vào đầu cơ các lĩnh vực rủi ro, đến một ngưỡng nào đó sẽ tạo ra "bong bóng" và để lại hệ lụy lớn trên thị trường.

Mặt khác, theo nhiều khuyến nghị, việc giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế cần phải tính đến các cân đối vĩ mô, trong đó hết sức lưu ý rủi ro lạm phát gia tăng khi hạ lãi suất. Vì thế, việc giảm lãi suất phải tiến hành thực chất cho các doanh nghiệp, nhưng để các ngân hàng tự điều tiết một cách hợp lý để đảm bảo lợi ích cho các bên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem