Tôi đã nhiều lần kiến nghị trả BIDV, Vietinbank và Vietcombank cho “sân chơi” tư nhân
Vietcombank và BIDV vẫn còn dư địa để chào bán cho nhà đầu tư chiến lược
Quốc Hải
Chủ nhật, ngày 11/07/2021 18:42 PM (GMT+7)
Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 – 2025 cho thấy, nhiều khả năng Nhà nước tiếp tục nắm giữ tối thiểu 65% vốn tại các ngân hàng thương mại (NTHM) quốc doanh…
Cụ thể, Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025.
Theo quyết định này, nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng (không bao gồm bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính).
Như vậy, nhiều khả năng nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ tối thiểu 65% vốn tại các ngân hàng thương mại (NTHM) quốc doanh giai đoạn 2021 - 2025.
Trước đó, giới đầu tư kỳ vọng giai đoạn 2021 - 2025, nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tối thiểu tại các NHTM quốc doanh xuống 51%.
Lý do là bởi Quyết định số 986/QĐ-TTg ban hành ngày 8/8/2018 về việc phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ trong giai đoạn 2021 - 2025: "Các NHTM Nhà nước tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường; đi đầu trong việc triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao và hội nhập quốc tế; đảm bảo tỷ lệ sở hữu Nhà nước ở mức 51%. Thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài (riêng đối với Agribank, thực hiện niêm yết cổ phiếu của trên thị trường chứng khoán trong nước)".
Trong các NHTM quốc doanh, hiện nhà nước đang sở hữu 64,46% tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), 74,8% tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) và 81% tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV).
Như vậy, nếu nhà nước tiếp tục duy trì sở hữu từ 65% trở lên tại 3 ngân hàng này đến năm 2025, Vietcombank và BIDV vẫn còn dư địa để chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông ngoài nhà nước, trong khi với VietinBank là không thể.
Liên quan đến quyết định này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho hay, điều này có thể gây cản trở đến quyết định gọi vốn của các ngân hàng này trong thời gian tới.
Theo ông Hiếu, rất nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào DN tư nhân, nếu nhà nước vẫn quyết định giữ tối thiểu 65% ở nhóm các ngân hàng này thì rõ ràng sẽ gây cản trở quyết định đầu tư của họ vì đây vẫn là các ngân hàng của nhà nước. Một nguyên nhân nữa là vấn đề kỹ thuật cũng gây trở ngại khi mà tỷ lệ room 35% đã đầy rồi, không ai chen chân vào được nữa và đây cũng là một trở ngại cho việc gọi vốn, nâng quy mô và tạo đà phát triển của các ngân hàng này trong tương lai.
Ngoài ra, về góc độ quản lý, theo chuyên gia kinh tế này, hoàn toàn không cần thiết để nhà nước tiếp tục nắm giữ tỷ lệ chi phối ở các nhà băng này.
"Tôi đã nhiều lần kiến nghị, hãy trả lại 3 ngân hàng quốc doanh kể trên cho "sân chơi" tư nhân", ông Hiếu khẳng định.
Ở một góc độ khác, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, nếu xét trên góc độ nhà đầu tư thuần, việc hạn chế tỷ lệ sở hữu của Chính phủ, hay nắm giữ của Nhà nước thì sẽ càng tốt hơn, giúp cho cổ phiếu có tính thanh khoản cao hơn, lượng cổ phiếu tham gia nhiều vào thị trường mà không bị ảnh hưởng bởi cổ đông lớn nhiều hơn, điều đó giúp cho cổ phiếu được giao dịch một cách minh bạch hơn, phổ thông hơn… Điều này sẽ làm tốt cho thị trường, tốt hơn cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nếu đứng trên góc độ cơ quan quản lý thì điều này là cần thiết. Vì thực sự 3 ngân hàng này là huyết mạch của nền kinh tế, là những ngân hàng chính giúp cho NHNN, xa hơn là Chính phủ tham gia điều tiết lượng cung tiền trên thị trường tiền tệ, cũng như điều tiết cách chính sách về tiền tệ như lãi suất, ngoại hối… Cho nên, nếu xét trên phương diện cơ quan quản lý thì Nhà nước có tính thận trọng nên có thể sẽ duy trì tỷ lệ chi phối này.
"Nói các ngân hàng Việt Nam có size lớn vậy thôi nhưng nếu so với quốc tế thì chưa ăn thua. Chỉ cần vài định chế tài chính thế giới, bỏ ra một vài tỷ USD là có thể nuốt chửng. Thử hình dung Vietcombank đang nằm trong tay một định chế tài chính lớn nào đó theo kiểu Thaibev 'nuốt' Sabeco. Khi đó, Nhà nước sẽ mất đi một cánh tay để điều tiết lượng tiền cho thị trường tiền tệ hay điều tiết các chính sách về tiền tệ. Cho nên, xét về góc độ quản lý thì tôi cho rằng đây là một quyết định hợp lý", ông Phương nói.
"Tóm lại, nếu xét trên góc độ thuần đầu tư thì việc này là không nên, nhưng nếu xét góc độ an ninh tài chính tiền tệ của một quốc gia thì việc này là nên", chuyên gia này đúc kết.
Ở góc độ tăng vốn, ông Phương nhấn mạnh, để tăng vốn thì các ngân hàng phải thuyết phục được NHNN, Chính phủ lý do vì sao cần tăng vốn. Còn thực tế, về bản chất việc Nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu nhiều không ảnh hưởng đến việc tăng vốn của các ngân hàng. Vấn đề là khi tăng vốn mà không kiểm soát được, không sử dụng đồng vốn hiệu quả thì việc tăng vốn sẽ là vấn đề lớn.
Kế đến, khi Nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu nhiều thì khi tăng vốn nguồn vốn sẽ lấy từ ngân sách. Mà vốn từ ngân sách thì lại liên quan nhiều đến trách nhiệm, nghĩa vụ, thậm chí là là hiệu quả/hậu quả nếu sử dụng vốn không hợp lý. Vì thế tính khó khăn khi tăng vốn là có, nhưng phải hiểu là khó chứ không làm được.
"Thời gian qua Chính phủ cũng cho Vietcombank, Vietinbank tăng vốn, thậm chí trước đó cũng cho BIDV bán vốn cho cổ đông chiến lược. Có nghĩa là Chính phủ khá linh hoạt, nhưng nếu vấn đề liên quan đến an ninh tiền tệ thì cũng phải chấp nhận để đảm bảo an toàn", ông Phương đúc kết.
Theo quy định, trong vòng 30 ngày kể từ ngày Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg có hiệu lực (ngày 19/8), cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm rà soát, xây dựng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, quyết định cũng nêu rõ, trong chức năng, nhiệm vụ được phân công, các Bộ có trách nhiệm chủ động sửa đổi hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định có liên quan nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quyết định này.
Như vậy, quyết định chính thức về tỷ lệ sở hữu tối thiểu tại từng NHTM quốc doanh còn phải chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.