Ngành nông nghiệp cần bỏ 398 giấy phép con

Thanh Xuân (Thực hiện) Thứ sáu, ngày 03/07/2015 13:39 PM (GMT+7)
Theo rà soát, thống kê  mới nhất của Bộ Kế hoạch- Đầu tư, trong số hơn 3.200 các thủ tục, rào cản điều kiện kinh doanh cần bãi bỏ, riêng ngành nông nghiệp có đến 398 thủ tục hành chính, giấy phép con liên quan. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo rà soát và tổng hợp lại các thủ tục này để xử lý, bãi bỏ. 
Bình luận 0

Phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Đàm Xuân Thành- Phó Cục trưởng Cục Thú y- một trong những đơn vị có nhiều giấy phép con nhất về lộ trình thực hiện việc bãi bỏ này.

Thưa ông, ngoài các khoản phí kiểm dịch liên quan đến gia cầm, tới nay Cục Thú y thống kê còn bao nhiêu các loại phí, thủ tục khác cần bãi bỏ?

img
Bỏ phí nhưng công tác kiểm dịch thú y vẫn phải đảm bảo. Giết mổ gia cầm tại làng Hà Vỹ (xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội).  Ảnh:  L.H.T
- Việc đề nghị bãi bỏ 31 mục phí, lệ phí là kết quả của cuộc họp giữa Bộ NNPTNT và Bộ Tài chính đã tổ chức rà soát các hạng mục của Thông tư 04. Trường hợp Bộ Tài chính đồng ý bãi bỏ 31 hạng mục phí, lệ phí này ngành thú y vẫn phải thực hiện nhiệm vụ và các biện pháp kỹ thuật theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Khi bỏ các loại phí trên, các bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương sẽ xem xét, cân đối nguồn ngân sách nhà nước, của địa phương để cấp bổ sung cho các cơ quan thú y triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản và vệ sinh an toàn thực phẩm… (giống như một số nước trong khu vực và trên thế giới đang áp dụng). Ví dụ, Chính phủ Thái Lan hàng năm cấp cho cơ quan thú y nước này khoảng trên 173 triệu USD, tương đương 3.820 tỷ đồng Việt Nam.

 

Để giải quyết vấn đề một cách căn cơ, Luật Thú y được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 và ngày 19.6 vừa qua đã có những quy định mới nhất liên quan tới các phí, lệ phí, khi thực hiện luật thì có hàng loạt các thủ tục hành chính về kiểm dịch sẽ được bãi bỏ; giảm tối đa thời gian cho các doanh nghiệp; về cơ bản chỉ còn 2 loại phí là cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và phí kiểm soát giết mổ…

Việc bãi bỏ các khoản phí sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người chăn nuôi nhưng nhiều kiến nghị của thú y cơ sở cho rằng lại ảnh hưởng tới quản lý kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm ở cơ sở. Ngành thú y sẽ có giải pháp như thế nào làm hài hoà quyền lợi của cả người dân, doanh nghiệp và thú y cơ sở?

- Việc bãi bỏ 31 khoản phí, lệ phí xuất phát từ một số lý do chính như: Dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản trong mấy năm qua về cơ bản đã được kiểm soát tốt. Một số bệnh quan trọng như cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng đã giảm mạnh, thậm chí không còn xảy ra trong thời gian dài. Dịch bệnh thuỷ sản cũng giảm nhiều so với năm trước. Do đó, các quy định về kiểm dịch, thu phí, lệ phí cũng cần được điều chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu đơn giản hoá tối đa các thủ tục hành chính trong công tác thú y; tại một số địa phương, người nuôi đã có sự đầu tư, từng bước xây dựng các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh nên nguy cơ dịch bệnh xuất phát từ các cơ sở này là thấp hơn; mặt khác, nhiều hoạt động vệ sinh, niêm phong, kẹp chì, khử trùng, tiêu độc, xử lý phế thải động vật… hiện nay có thể xã hội hoá, để người nuôi, người buôn bán vận chuyển gia súc, gia cầm có thể tự thực hiện; tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp, người chăn nuôi.

Bộ NNPTNT cũng đã chỉ đạo Cục Thú y và các đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp lượng kinh phí bị giảm thu (do bãi bỏ 31 hạng mục phí, lệ phí) để có cơ sở đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và đề nghị UBND các cấp xem xét cấp bổ sung hoặc có hướng dẫn cụ thể nhằm đảm bảo nguồn lực để ngành thú y triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản và vệ sinh an toàn thực phẩm…

Nhiều ý kiến cho rằng, nhiệm vụ chính của ngành thú y là phòng chống dịch bệnh, trong đó kiểm dịch là một yếu tố kỹ thuật để thực hiện thành công việc phòng chống dịch bệnh. Do đó, không thể nói nếu bãi bỏ việc thu phí sẽ ảnh hưởng đến công tác trên?

- Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của ngành thú y với mục đích: Tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi, làm lợi cho người dân, doanh nghiệp chăn nuôi, trồng trọt, thuỷ sản; bảo vệ sức khoẻ cộng đồng thông qua việc phòng và xử lý nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm truyền lây từ động vật sang người (thống kê của WHO, hiện có 75% các bệnh mới nổi ở người đều có nguồn gốc từ động vật); bảo đảm cung cấp sản phẩm động vật an toàn cho người tiêu dùng; thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật trên cạn và thuỷ sản; thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết… Để thực hiện công tác kiểm dịch có hiệu quả, ngành thú y cần có các nguồn lực như trang thiết bị, nguyên vật liệu, con người và kinh phí hoạt động. Hiện nay, số lượng biên chế của các cơ quan chuyên môn thú y rất hạn chế, tại các địa phương, số lượng biên chế trung bình chỉ 20 người/tỉnh; trong khi đó, phạm vi địa bàn rất rộng, đa phần là chăn nuôi nhỏ lẻ, do đó, các cơ quan thú y phải ký hợp đồng để đảm bảo đủ nhân lực thực hiện…

Thời gian qua, việc kiểm dịch thú y có rất nhiều sơ hở, tiêu cực như chuyện đếm xe thu tiền, đếm trứng thu tiền dẫn đến sự bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến chất lượng kiểm dịch. Vậy trong trường hợp, ngành thú y đề nghị giữ lại một số khoản phí, liệu Cục có giám sát hay nâng cao được chất lượng kiểm dịch?

- Theo phản ánh, một số hiện tượng tiêu cực đâu đó có thể xảy ra nhưng không phải là đại diện cho ngành thú y. Trong thời gian qua, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục Thú y tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh và tiếp tới Cục Thú y sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức các đoàn hướng dẫn, kiểm tra việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch tại các địa phương để giám sát và nâng cao chất lượng kiểm dịch, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác kiểm dịch đối với kiểm dịch viên động vật.

Xin cảm ơn ông!

 Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát: "Nếu loại phí nào  thấy không hợp lý thì phải bỏ. Hệ thống thú y đã được Nhà nước giao nhiệm vụ, anh phải thực hiện, còn khó khăn thì báo cáo, cùng tháo gỡ. Nếu vì việc này, mà các địa phương lơ là, để xảy ra dịch bệnh, anh phải chịu trách nhiệm”.

Cục phó Cục Thú y Đàm Xuân Thành: "Khi bỏ các loại phí trên, các bộ, ngành có liên quan sẽ xem xét, cân đối nguồn ngân sách để cấp bổ sung cho các cơ quan thú y triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản và vệ sinh an toàn thực phẩm…”.

 

Chỉ giữ lại những văn bản phù hợp

Trao đổi với NTNN hôm qua (2.7), bà Nguyễn Thị Kim Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NNPTNT) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT, chúng tôi đang chỉ đạo rà soát quyết liệt các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới các lĩnh vực của bộ. “Cách làm là vừa rà soát văn bản, vừa căn cứ vào thực hiện trên thực tế của các đơn vị có liên quan thuộc Bộ NNPTNT xem văn bản nào phù hợp thì giữ lại, văn bản nào không phù hợp sẽ tham mưu cho Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị xây dựng văn bản này chỉnh sửa hoặc bãi bỏ”- bà Kim Anh cho biết.

Còn theo đại diện của một số cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NNPTNT, trong số 398 thủ tục hành chính, giấy phép con của ngành nông nghiệp, thực tế có nhiều loại sẽ tự động hết hạn đến thời điểm năm 2016. Các loại giấy phép khác cần có lộ trình để xử lý và giải quyết dứt điểm theo quy định.

Phi Long

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem