Nghi lợi ích nhóm khiến thu phí không dừng "delay" nhiều năm: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói "chưa phát hiện thấy"
Nghi lợi ích nhóm khiến thu phí không dừng "delay" nhiều năm: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói "chưa phát hiện thấy"
An Linh
Thứ năm, ngày 09/06/2022 12:03 PM (GMT+7)
"Dự án BOT liên quan đến người dân, nhạy cảm, Bộ Công an rất quan tâm, chúng tôi chưa phát hiện được lợi ích nhóm giữa cơ quan Nhà nước và chủ đầu tư. Cá nhân nào có vi phạm thì sẽ tự chịu trách nhiệm", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Tại phiên chất vấn về các vấn đề của ngành giao thông vận tải tại Quốc hội hôm nay 9/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận nhiều câu hỏi liên quan đến các trạm thu phí BOT và quy định áp dụng thu phí không dừng.
Thu phí không dừng có hết ở cao tốc, đại biểu, người dân chưa biết
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) hỏi: "Năm 2019 tôi chất vấn Bộ trưởng hứa như đinh đóng cột 2019 sẽ được thực hiện thu phí không dừng toàn tuyến cao tốc. Nhưng hiện nay, chưa có hạn chót, đường cao tốc hiện chỉ 1 đến 2 luồng thu phí không dừng chứ chưa phải tất cả.
Ông Trí khẳng định: "Phải tìm ra nguyên nhân lần nữa của việc không ứng dụng thu phí không dừng bởi mục tiêu thu này là minh bạch. Cử tri cho rằng có gian lận, lợi ích nhóm, có thật hay không Bộ trưởng phải trả lời cho được việc này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: Về thu phí không dừng, đến 2019, theo đề án Chính phủ giao, mỗi trạm BOT phải có ít nhất 2 làn xe thu phí tự động, lý do dán thẻ.
Nhưng nếu dán thẻ thu phí không dừng mà không có nhiều làn thu phí không dừng, không đi nhiều thì đi làn thu phí không dừng sẽ khó khăn.
"Đến nay mới có điều kiện chín muồi, đến 2019 tất cả trạm BOT có 2 làn thu phí, đề án chúng ta có 3 giai đoạn", ông Thể nói.
Ông Thể nói: "Đại biểu Quốc hội, và người dân thấy chưa có, nhưng thực tế đã có rồi. Chúng tôi khẳng định năm 2019, các tuyến cao tốc đã xong thu phí không dừng theo đúng giai đoạn".
Về vấn đề có hay không lợi ích nhóm, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định: Các dự án BOT liên quan đến người dân, nhạy cảm, Bộ Công an rất quan tâm, chúng tôi chưa phát hiện được lợi ích nhóm giữa cơ quan Nhà nước và chủ đầu tư. Cá nhân nào có vi phạm thì sẽ tự chịu trách nhiệm"
Tối hậu thư 31/7 phải xả trạm hết
Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Hoà Bình) đặt câu hỏi, căn cứ pháp luật nào để xả trạm bởi thu phí là tiền ngân sách của Nhà nước trả cho nhà đầu tư, thất thoát ai chịu trách nhiệm; bên cạnh đó phương án tài chính của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thời gian tới như nào?
Bộ trưởng Thể khẳng định: Hiện 28 trạm của VEC mới ký hợp đồng 2 hôm, Chính phủ họp rất nhiều. Tại sao 31/7 bỏ trạm vì các cơ quan này cam kết CP xong, nhập thiết bị lắp, họ cam kết nếu không xong xả trạm, trạm nào xong cho thu bình thường.
Về phương án tài chính và tái cơ cấu VEC, theo ông Thể VEC có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng thôi, còn vay là trên 120.000 tỷ đồng. Khi tái cơ cấu thì VEC không thể vay mượn bất cứ chỗ nào thực hiện dự án nên rất nhiều dự án không thi công được, kể cả cao tốc Bên Lức - Long Thành.
Ông Thể khẳng định: Tại Kỳ họp này, Quốc hội có cơ chế vay cấp vốn nước ngoài để làm cao tốc, vấn đề tài chính VEC thì mới có thể đi vay ngân hàng để làm được cao tốc.
Còn về vấn đề 31/7 phải xả trạm, theo ông Thể vấn đề này không phải là cưỡng chế mà do VEC cam kết với Chính phủ sẽ xong.
"Với các trạm còn lại, cơ bản xong, 30/6 các trạm đủ thu phí, các trạm để 2 làn đường để ưu tiên hoặc trường hợp khẩn cấp, còn lại thu phí không dừng hết", Bộ trưởng GTVT nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.