Nghiên cứu mô hình Chính phủ trực tiếp quản lý các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước

An Linh Thứ ba, ngày 07/01/2025 08:32 AM (GMT+7)
Thủ tướng cho rằng với một số tập đoàn, tổng công ty thực hiện vai trò bảo đảm các cân đối lớn, được giao các nhiệm vụ chiến lược quốc gia thì nghiên cứu, đề xuất mô hình thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Bình luận 0

Nội dung được đưa ra tại phiên họp thứ 8, Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ mới đây tại Trụ sở Chính phủ.

Tại phiên họp ban Chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính trăn trở đối với sự phát triển của các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, mô hình Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh trong quá trình phát triển, Việt Nam đã áp dụng các mô hình khác nhau trong quản lý doanh nghiệp Nhà nước, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp theo từng thời kỳ.

Nghiên cứu mô hình Chính phủ trực tiếp quản lý các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh: Chinhphu.vn).

Tuy nhiên, mô hình hiện nay vẫn có những hạn chế, một phần do quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13). Do đó, cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới theo hướng tách bạch nhiệm vụ quản lý Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng Chính phủ, năm 2025, cả nước phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt ít nhất 8%, tạo đà cho thời kỳ phát triển 2 con số tiếp theo. Do đó các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp phải tăng trưởng ít nhất 8%.

Chính vì thế, việc sắp xếp mô hình, tổ chức với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải trên tinh thần "đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết" để vốn Nhà nước được quản lý tốt nhất và phát triển tốt nhất, phục vụ cho phát triển đất nước thời kỳ mới.

Về phương án kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và việc chuyển quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng nhấn mạnh, cần lựa chọn phương án tối ưu nhất trong các phương án có thể trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo, khách quan, khoa học, phù hợp với tình hình đất nước để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất là hiệu quả, thực sự vì nhiệm vụ chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, một số Tập đoàn, Tổng Công ty thực hiện vai trò bảo đảm các cân đối lớn, được giao các nhiệm vụ chiến lược quốc gia, sắp tới đây cần nghiên cứu, đề xuất mô hình thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp, tăng cường tính chủ động, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tập trung xây dựng quy hoạch, chiến lược, kế hoạch, cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động, thiết kế công cụ để giám sát kiểm tra.

Thủ tướng lưu ý, đối với mô hình tổ chức cơ quan thống kê, nhấn mạnh vai trò quan trọng của cơ sở dữ liệu với việc hoạch định chính sách và yêu cầu không trùng chéo chức năng nhiệm vụ với các cơ quan khác, giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp thu ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo và căn cứ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, tham khảo mô hình quốc tế, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất mô hình phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem